Khơi đèn đom đóm trên xóm vạn đò
19h tối mỗi ngày, Phan Thanh Thủy lại xin mẹ cùng 2 em đến lớp học bình dân của cô Bạch Ngọc Hạnh để học con chữ. Từ ngày đi học lớp cô Hạnh, Thủy bắt đầu có ước mơ.
Cô giáo 12 năm lặng lẽ dạy học miễn phí cho những đứa trẻ không lành lặn |
Xóm Vạn đò - Bến Me nằm mơ màng bên dòng sông Hương. Đây là nơi ngụ cư của hàng nghìn đứa trẻ lênh đênh sông nước.
Cuộc sống hóa vào trong thi ca lãng mạn là thế với thiên phóng sự: “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Thế nhưng trong những gam màu sáng và đẹp tuyệt trần, những đứa trẻ xóm Vạn đò mò mẫm trong con chữ (hầu hết là mù chữ).
Có những đứa biết đọc lại không biết viết, có đứa biết viết thì không biết đọc. Cuộc sống tuy đủ đầy (do thu nhập từ cha mẹ cũng khá tốt) nhưng lại mò mẫm trong bóng tối đi tìm con chữ.
16 năm trước, cô Bạch Ngọc Hạnh khơi ngọn đèn đom đóm đầu tiên trên xóm Vạn đò. Kể từ đó những đứa trẻ đã biết đọc, biết viết. Con chữ làm chúng có ước mơ.
Kể về cô Hạnh không ai là không yêu quý người con gái Huế với tấm lòng rộng lớn, thơm thảo như dòng sông Hương.
40 năm trước, cô Bạch Ngọc Hạnh phải bỏ dở cấp 3 vì những biến động của cuộc sống. Vừa bán hàng giúp mẹ, cô vừa tham gia hoạt động thanh niên ở phường Phú Thuận (Thành phố Huế).
Ngày đó khu vực Bến Me trước kinh thành nổi tiếng với đủ các tệ nạn xã hội và… nạn mù chữ.
Cô Hạnh cùng thanh niên đoàn phường và các anh bộ đội đi vận động bà con đến lớp học xóa mù, rồi một mình đứng lớp dạy chữ cho bà con.
Lớp học miễn phí của cô Bạch Ngọc Hạnh (Ảnh:V.N) |
“Bốn năm thì cơ bản xóa được mù chữ, cứ tưởng thế là xong, vậy mà đến tận bây giờ, tôi vẫn dạy chữ cho con cháu họ mỗi tối” – cô kể.
Nhà cô ở bờ thành Đại Nội. Chiều nào cô cũng thấy lũ trẻ con ở xóm vạn đò Bến Me nhảy từ những chiếc thuyền, chiếc ghe rách bươm lên bờ chơi. Cô bắt chuyện rồi sững người khi không đứa nào biết đọc, biết viết.
Cuộc sống mưu sinh khiến cho những người ở xóm Vạn đò chưa từng biết đến 2 chữ đi học.
“Thế này thì nguy quá, trẻ con không biết đi học thì làm sao dám ước mơ, dám đổi đời” - cô nghĩ.
Cô đau đáu rồi khơi những ngọn đèn đom đóm đầu tiên trên bờ sông Hương.
Cô chọn cách vừa chơi, vừa dụ bọn trẻ đi học. Việc này khó khăn hơn cô nghĩ rất nhiều, dạy chúng hát múa, chơi trò chơi thì chúng nghe, nhưng cứ nói đến học chữ là đứa nào cũng lắc đầu.
Vừa thiếu sách vở, bọn trẻ vừa chưa muốn học nên cô chọn việc đầu tiên là lấp đi những khuyết thiếu mà trẻ con vạn đò đứa nào cũng có: Học cách làm người.
Cô Hạnh dạy cho chúng biết vệ sinh cá nhân, biết lễ nghĩa, biết sống có ích để không bị người đời khinh miệt; kiên nhẫn rèn người, vừa “dụ dỗ”, lôi kéo chúng đến gần con chữ.
Cô Hạnh đã có 16 năm dạy trẻ em tại xóm Vạn đò Bến Me (Ảnh:V.N) |
Phải mất 2 năm, lớp học xóa mù cho con em xóm vạn đò mới thực sự được mở. Lớp ban đầu có 24 em, sau lên 40 em.
Cô cứ dạy mãi, dạy mãi mà không hết đám trẻ thất học. Đến lúc dành cho mình một khoảnh khắc ngơi nghỉ thì cô giật mình, tuổi 30 đã đến tự bao giờ.
Nhớ lại những ngày đầu lập lớp cô Hạnh kể: “Hồi đó vạn đò họ làm có tiền, họ giàu lắm nên họ đẻ đông con không cần đi học.
Không có giấy khai sinh, không biết để cho con cái học như thế nào. Khi vạn đò định cư lên đây thì tôi là người đầu tiên đi xâm nhập để làm giấy khai sinh cho các em.
Sau khi các em học với mình, phải dạy cho các em 1 năm là 2 lớp. Đến giai đoạn đó mình tìm đến người ta.
Học sinh ở đây có điều rất đặc biệt, có phụ huynh nói : Con em học được, viết được nhưng mà cô nói con em không biết chữ là răng (sao). Họ mang con tới, con họ viết được, đọc được nhưng mà viết bằng chữ ngược.
Khi mình phát hiện ra mình phải dạy lại từ đầu. Lúc đó không có máy chụp hình để chụp lại Khi họ nghe mình nói như thế.
Khi nó viết xong nó lật ngược lại để nó đọc. Khi đưa về họ rất ngạc nhiên, con em học lớp 1-5 mà ko biết”.
Nhiều em đã đọc thông, viết thạo và bắt đầu biết ước mơ (Ảnh:V.N) |
Quãng thời gian dạy dỗ những đứa trẻ xóm Vạn đò khiến cô nảy sinh tình thương mến với cuộc sống và con người nơi đây. Cơ duyên đó khiến cho cô gặp được người bạn đời của mình, anh Trần Văn Đấu, cũng là một người sinh trưởng từ xóm Vạn đò.
Ngày anh Đấu mang miếng cau, cơi trầu sang hỏi cô Hạnh làm vợ.
Cô giật mình: “Thì ra mình đã 30 tuổi rồi à? Anh là người vạn đò, lại kém tôi đến 6 tuổi nên ba mẹ tôi không đồng ý. Chúng tôi lấy nhau, cả hai đều tay trắng”.
Vợ chồng cô Hạnh dựng một gian nhà mái lá chỗ công viên Phu Văn Lâu bây giờ. Chồng ngày ngày rong xe cải tiến chở hàng thuê, vợ vừa trồng rau vừa lạch cạch đạp máy may.
Cuộc sống của “người lái đò” xóm Vạn đò cứ thế tiếp diễn bên những con chữ và ngọn đèn đom đóm.
Nhờ cô Hạnh, những đứa trẻ xóm Vạn đò đã biết ước mơ
Cô Hạnh tận tình cầm tay chỉ từng nét cho Thủy. Thủy có gương mặt giống hệt bố, một người đàn ông xóm vạn đò, nước da đen sạm.
Ấm lòng, lớp học miễn phí giữa mùa Đông bản Tày |
Một ngày mưa gió, cô Hạnh quyết định nghỉ dạy một năm để thu vén chuyện gia đình.
Bố của Thủy dắt 3 đứa con nheo nhóc, một tay cầm mái chèo, một tay cắp rổ cá đến nhà cô Hạnh.
Người đàn ông, mắt đỏ hoe chắp tay gần như muốn khóc : “O phải dạy chữ cho tụi nhỏ nhà tui chớ, không lẽ để chúng thất học mãi?”. Mấy đứa trẻ xúm quanh: “O dạy chữ cho tụi con đi”.
Câu nói người làm cha và những ánh nhìn con trẻ một lần nữa khiến cô mềm lòng. Lớp học miễn phí lại được mở, lại bắt đầu xóa mù chữ cho trẻ con xóm vạn đò.
Điều gì thôi thúc cô mở lớp? Cô Hạnh trả lời giản dị:
“Cô không là giáo viên, học xong lớp 12 là thay đổi đất nước, tham gia vào sinh hoạt thanh niên, xóa mù cho người lớn trong vòng 4 năm, sau đó mình nghĩ ra quan tâm tới trẻ em.
Cô nghĩ rằng dù cuộc sống vật chất có đầy đủ nhưng con người ta không thể thiếu cái sự học. Học chính là con đường để đổi đời.
Cô luôn nghĩ vì sao chỉ cách nhau một bờ sông mà những đứa trẻ trong nội đô lại được đi học còn ở bến me thì không. Đó là lý do thôi thúc cô mở lớp”.
“Con muốn trở thành một giáo viên như cô Hạnh, về mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em”. Đôi mắt của Phan Thanh Thủy quả quyết và sáng long lanh khi nói về ước mơ của mình.
Không gian lớp học nhỏ bỗng chốc trở nên sôi nổi vì đứa nào cũng tranh nhau phát biểu, tranh nhau phỏng vấn. Có đứa nói muốn học thật giỏi để được đi nước ngoài, có em ước mơ làm công an, bác sĩ, nhà báo.
Những đứa trẻ xóm Vạn đò ban ngày bận rộn mưu sinh. Có em phục cha mẹ làm việc nhà, có em đi bán báo, bán vé số. Nhưng khi trở về lớp học của cô Hạnh mọi bụi bặm, xô bồ đều đứng ngoài khung cửa.
Những đứa trẻ trở về đúng bản ngã của mình, hồn nhiên, đáng yêu, trong sáng và có ước mơ.
Cô Hạnh không chỉ dạy chữ mà còn dạy vốn sống, kỹ năng cho các em (Ảnh:V.N) |
“Em tên là Đoàn Nguyễn Tiến An, nhà em có ba chị em, các em còn nhỏ. Mẹ em đi làm, bố em đi xe. Ở nhà em là làm công việc nhà. Em không được mua đồ chơi, em rất thích được có đồ chơi.
Ở đây bọn con phải học chung sách của nhau vì không có sách, con rất mong có bộ sách mang về nhà học.
Hai bạn học chung 1 quyển sách. Đi học con thấy vui hơn ở nhà. Con thích đi học hơn, đi học vừa vui vừa biết chữ. Cô dạy dỗ và chỉ bảo em rất cặn kẽ”.
“Em là Nguyễn Thị Bé, em 15 tuổi. Bây giờ em mới biết sơ sơ, em đã biết viết tên em rồi. Học lớp 1 lớp, nhà em ở số 2 Phường Phúc Lâm.
Bố mẹ em là nghề bủa cá. 1-3 giờ sáng bố em xuống sông để bắt cá. Em là con út, lúc đẻ em năm 1999, giấy khai sinh kết hôn trôi hết luôn.
Giờ bố không làm lại đến mới đây em mới được làm giấy khai sinh. Họ ưu tiên cho 2 anh chị em học thôi, em thì không được đi học, đi thì phải đóng tiền học.
Em đi học lớp cô Hạnh được 5 năm. Giờ em biết cộng, trừ, nhưng em chưa biết chia. Em đi học cô dạy rất dễ hiểu, rất ít khi cô mắng em.
Không bao giờ muốn bỏ học, học chữ không khó, nếu đi chơi thì không biết chữ. Ở nhà em phụ việc bố mẹ, đi chợ bán cá cho mẹ”.
Sắp 60 tuổi rồi, cô vẫn đứng lớp, vẫn lăn đi làm tất cả vì bọn trẻ, vì những số phận thiệt thòi của xóm vạn đò chênh vênh kia.
Nhìn cô cặm cụi bên những mái đầu con trẻ, tôi lại nghĩ: Ai đã đặt tên cho dòng sông – sông Hương. Hương có lẽ là đẹp và tử tế như cô Hạnh của chúng tôi vậy. Người lái đò bên dòng sông Hương.