Ở một thôn vùng thấp của xã Phương Độ, cách trung tâm thành phố Hà Giang chừng 6 km, bản Tha là một trong những số ít bản mang đậm nét bản sắc văn hóa của người Tày Hà Giang.
Đây là bản người Tày còn lưu giữ được khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Tại đây có gần 200 nếp nhà sàn giữ nguyên vẻ nguyên sơ, nằm cạnh con Suối Tiên quanh năm nước chảy trong lành.
Phương Độ không chỉ là một xã còn lưu giữ đặc trưng của người Tày mà thời gian gần đây một lớp học miễn phí cho các em học sinh tiểu học đang giúp người dân bản Tày thêm ấm lòng.
Chúng tôi tìm đến lớp học miễn phí vào một buổi tối mùa Đông giá lạnh cuối năm, len lỏi trên con đường chạy qua những mái nhà sàn đơn sơ, giữa đêm tối, tiếng ê a của học trò trong nhà văn hóa khiến bản nhỏ giữa khe núi vô cùng ấm áp.
Nhiều tháng nay cứ đến tối thứ 7 hàng tuần các phụ huynh trên địa bàn xã Phương Độ (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang) lại rủ nhau đưa con em mình đến lớp học miễn phí của các cô giáo tại Nhà văn hóa thôn Tha.
Trong không gian rộng rãi của Nhà văn hóa thôn Tha, ba lớp học cho các cháu được 4 cô giáo Triệu Thị Đào, giáo viên trường tiểu học Minh Khai, cô Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Thị Thu Hòa, giáo viên trường tiểu học Trần Phú và cô giáo trẻ Lý Hải Hằng trực tiếp chỉ dạy.
Cô giáo Triệu Thị Đào hướng dẫn cho các em trong lớp học miễn phí. |
Cô giáo Triệu Thị Đào, là người khởi xướng lớp học với tình yêu nghề và mong muốn rèn cho các em hoàn thiện nét chữ, nết người đã cùng các đồng nghiệp bỏ thời gian để lên lớp cho các em.
Khi được hỏi lý do chọn xã Phương Độ để mở lớp, cô Đào bộc bạch các em vùng ven thành phố ít có cơ hội học thêm ngoài giờ so với các bạn cùng trang lứa ở nội thành, điều kiện gia đình cũng còn không ít khó khăn.
Thời gian cuối tuần của các em chủ yếu chỉ để chơi đùa với bạn bè, hoặc phụ giúp gia đình, ở nông thôn điều kiện vui chơi của các em cũng hạn chế, có thêm lớp học các em sẽ được học thêm và rèn luyện tốt hơn.
Năm nay là năm thứ 2 cô Đào cùng các bạn mình dạy học miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, năm 2017, cô đứng ra mở một lớp học cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn phường Minh Khai, Thành phố Hà Giang.
Hiệu quả từ lớp học đầu tiên ấy mang lại đã tăng thêm phần khích lệ cho cô và đồng nghiệp bỏ thời gian ngày nghỉ cuối tuần để uốn nắn từng nét chữ, bài học góp phần tăng thêm lòng hiếu học của các em.
Cháu Lý Thị Doan, học sinh lớp 1 trường tiểu học Phương Độ, được bố mẹ cho tham gia lớp học từ khi mới mở tỏ ra rất hứng thú với các buổi học, mỗi tối thứ 7 đến lớp được gặp bạn, được cô giáo dạy viết chữ đẹp, tập đọc giúp cháu tiếp thu nhanh hơn khi đi học ở trường.
Toàn bộ sách vở và bút viết cho lớp học do Thành đoàn Hà Giang ủng hộ, ngoài ra cô và trò của lớp cũng được các nhà hảo tâm và bạn bè ủng hộ như sách vở, bút viết.
Việc vận động học sinh đến lớp cũng được Đoàn thanh niên xã Phương Độ và các phụ huynh trên địa bàn giúp đỡ nhiệt tình nên các cô giáo cũng thêm động lực để duy trì lớp.
Cô giáo Triệu Thị Đào cũng bộc bạch về kế hoạch mở thêm 1 lớp học miễn phí tương tự ở xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) trong năm học tiếp theo.
Cô Đào cũng chia sẻ về ý định nếu mời thêm cô giáo dạy tiếng Anh tình nguyện tham gia đứng lớp, các cô sẽ mở lớp phụ đạo môn tiến Anh cho các em học sinh ở một số địa bàn có du lịch cho các em học sinh.
Được biết, lớp học miễn phí này được Thành Đoàn Hà Giang tổ chức từ khi bắt đầu vào năm học 2018, đứng lớp là các cô giáo tiểu học yêu trẻ, tâm huyết với nghề và học trò.
Từ ngày được mở tới nay, lớp học miễn phí tại thôn Tha thu hút từ 30 -50 em học sinh đến lớp để được các cô giáo rèn cho từng nét chữ, bài giảng giúp các cháu ham học và tiến bộ hơn trong học tập.
Một số hình ảnh Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận tại lớp học miễn phí:
Từng nét chữ được các cô uốn nắn. |
Không khí không giống trên lớp nhưng lớp học này rất vui nhộn, các em học tập rất tự giác. |
Cắm cúi và rất tập trung. |
Các em học sinh lớp 1, mới làm quen mới mặt chữ cũng tham gia và tỏ ra rất hào hứng. |
Bàn học được tận dụng ngay những bàn của nhà văn hóa. |