Kéo học sinh ra khỏi lớp học thêm để học hát Bài chòi

08/08/2019 06:48
AN NGUYÊN
(GDVN) - Thay vì phải vùi đầu trong các trung tâm gia sư, đi học thêm thì học sinh đến trường tham gia các lớp học hô hát Bài chòi.

Đó là cách để ngành giáo dục Đà Nẵng đưa học sinh rời xa máy tính bảng, đua nhau đi học thêm để trở về với những nét văn hóa dân gian truyền thống.

Những lớp học hô hát Bài chòi do các nghệ sĩ thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu hướng dẫn đã khiến cho môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đến gần với các học sinh.

Môn nghệ thuật độc đáo

Tranh thủ những ngày nghỉ hè, em Nguyễn Huyền Trân – học sinh trường trung học cơ sở Huỳnh Bá Chánh (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đến trường tham gia lớp học hô hát Bài chòi, một môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của quê hương xứ Quảng.

Học sinh Đà Nẵng hứng thú với các lớp học hô hát Bài chòi. Ảnh: NDV
Học sinh Đà Nẵng hứng thú với các lớp học hô hát Bài chòi. Ảnh: NDV

Đây là lớp học được ngành giáo dục tổ chức, nằm trong chương trình “đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học” tổ chức miễn phí tại bốn trường trung học cơ sở trên địa bàn.

“Em rất thích hát dân ca, Bài chòi nên đăng ký tham gia lớp học. Đến lớp, chúng em được truyền đạt kiến thức về lịch sử, nguồn gốc Bài chòi, cách thể hiện các làn điệu lý xàng xê, xuân nữ, xuân nam, hò Quảng, cổ bản, hò, vè, lía…”, Trân cho biết.

Điều đặc biệt của môn nghệ thuật này là lời hát là những câu ca dao, tục ngữ quen thuộc gần gũi với đời sống nên học sinh rất dễ nghe, dễ thuộc.

“Kế hoạch nhỏ” khác thường của học sinh Đà Nẵng bước sang mùa thứ 2
“Kế hoạch nhỏ” khác thường của học sinh Đà Nẵng bước sang mùa thứ 2

“Qua hơn hai tháng học, em cũng đã thuộc được kha khá bài. Việc hô hát Bài chòi rất thú vị, dù ban đầu việc luyện tập cũng khó khăn”, bạn Huỳnh Thị Ngọc Giang chia sẻ.

Ông Trần Văn Hồng – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết, Bài chòi là nghệ thuật dân gian đặc sắc, là món ăn tinh thần của người dân Trung Bộ.

Hàng trăm năm qua, ở miền Trung đâu đâu cũng có hô hát và diễn xướng Bài chòi.

"Qua quá trình theo dõi các em học tập, nhiều bạn đã nổ lực, phát huy tài năng và niềm đam mê.

Chúng tôi mong muốn các em tiếp tục duy trì đam mê, tiếp tục tập luyện để giữ làn điều dân ca quê hương, làm sao để những giai điệu, ca từ ấy mãi đi cùng năm tháng, trường tồn theo thời gian”.

Ông Hồng cũng cho biết thêm, tham gia khóa học hô hát Bài chòi còn có cả giáo viên phụ trách âm nhạc các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận.

Những giáo viên này sẽ là lực lượng chủ lực đảm nhận việc tổ chức và truyền dạy Bài chòi đại trà cho học sinh.

Đây cũng là sự chuẩn bị về đội ngũ cho chương trình – sách giáo khoa mới ở bộ môn Âm nhạc, nhất là phần âm nhạc địa phương.

“Sân khấu hóa học đường”

Trước thực trạng ngày các ít học sinh biết và chơi các trò chơi dân gian, đặc biệt trước những tác hại đáng báo động của trò chơi trực tuyến, mạng xã hội đối với học sinh, ngành giáo dục Đà Nẵng đã phát động tổ chức các trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian trong trường học.

Học sinh Đà Nẵng nghỉ hè không phải để bù đầu học thêm
Học sinh Đà Nẵng nghỉ hè không phải để bù đầu học thêm

Các trường học cũng nhận thức rõ trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc.

Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước;

"Trẻ em ở một xã hội công nghiệp, chỉ quen với máy móc và không có khoảng trống để chơi cũng là một thiệt thòi.

Thiệt thòi hơn khi các em không được làm quen và chơi nhưng trò chơi dân gian của thiếu nhi thuở trước - những trò chơi vừa hồn nhiên vừa hấp dẫn xưa, nay đang bị mai một và quên lãng, không chỉ ở các thành phố mà còn ở cả các vùng nông thôn, nơi đang dần bị đô thị hóa mạnh mẽ;

Rất thiệt thòi khi các em không còn được nghe, được hát những làn điệu dân ca quê mình.

Vì thế, đẩy mạnh công tác tổ chức trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian trong trường học là một việc nhiệm vụ quan trọng cần được tổ chức thường xuyên, liên tục", đại diện Phòng Chính trị Tư tưởng (Sở Giáo dục Đà Nẵng) chia sẻ.

Sở Giáo dục Đà Nẵng cũng yêu cầu các trường đẩy mạnh thực hiện "sân khấu hóa học đường" để giáo dục học sinh sẽ là người nuôi dưỡng và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, đồng thời cũng là người phổ biến những giá trị văn hoá của dân tộc.

Ngoài ra, nhà hát tuồng cũng đã có nhiều chương trình đưa nghệ thuật Tuồng đến trước học và được thầy cô giáo, học sinh đón nhận nồng nhiệt.

AN NGUYÊN