Trường Trung học phổ thông Xuân Áng (Hạ Hòa, Phú Thọ) là một trong những trường có bề dày truyền thống của tỉnh Phú Thọ. Nằm trên vùng hữu ngạn con Sông Hồng, gần 40 năm qua, nhà trường đã luôn tích cực đổi mới trong các hoạt động chuyên môn, khẳng định được vị thế của trường đối với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, cũng như với nhân dân 10 xã trong huyện Hạ Hòa.
Luôn chú trọng, đẩy mạnh việc đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, đồng thời kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, trường đã luôn tập trung vào những giá trị cơ bản của truyền thống văn hóa và đạo lý dân tộc, những giá trị nhân văn cốt lõi để mỗi học sinh có cơ hội khám phá và hoàn thiện nhân cách.
Giáo viên và học sinh Trường Trung học phổ thông Xuân Áng trong giờ học tại Văn Miếu- Quốc tử Giám. Ảnh:Tư liệu nhà trường. |
Giáo viên và học sinh Trường Trung học phổ thông Xuân Áng trong giờ học ngoại khóa tại trường. Ảnh: Tùng Dương. |
Với 700 học sinh, năm học 2018-2019, Trường Trung học phổ thông Xuân Áng được biết đến là một điểm sáng của tỉnh Phú Thọ, trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục Di sản văn hóa trong dạy và học.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Bùi Chương An -Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Áng chia sẻ: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện mô hình đổi mới giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo, và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong nhà trường.
Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện mô hình với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể như: Tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ giảng dạy trên lớp, lựa chọn nội dung, tích hợp giáo dục Di sản vào các môn học: Lịch sử, Địa lý. Ngữ văn, Giáo dục công dân…
Trường thường xuyên tổ chức cho các em những giờ học thực địa, hòa mình với thiên nhiên tại các địa điểm như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Hùng Vương, Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Chu Hưng, Làng hát Xoan tỉnh Phú Thọ…
Với mỗi địa điểm, các em được tham quan, tìm hiểu về lịch sử, về văn hóa qua từng thời kỳ, với những kiến thức mà các em được tìm hiểu qua thực tế, mỗi em sẽ có bài luận và tự trình bày, diễn thuyết thể hiện rõ nét những vấn đề mà các em thu thập được”.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Xuân Áng trong buổi hội thảo về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại trường với diễn giả: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Tùng Dương. |
Để mô hình thực hiện hiệu quả và tạo sức lan tỏa, trường Xuân Áng đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Văn hóa huyện Hạ Hòa, Ban Quản lí các khu di tích, chính quyền các địa phương có di tích lịch sử, Huyện Đoàn Hạ Hòa, Ban đại diện cha mẹ học sinh...
Thầy An cho biết: “Ngoài việc tiếp nhận kiến thức qua các giờ học tại thực địa, nhà trường còn tổ chức cho các em học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện, chăm sóc di sản và góp một phần nhỏ vào việc phục vụ lễ hội của địa phương.
Tại Đền Mẫu trên địa bàn huyện, mỗi năm có từ 3 đến 4 đợt các em học sinh của trường tham gia tổng vệ sinh, chăm sóc cây xanh, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp. Ngoài ra, vào những ngày lễ chính, các em còn tham ra đội rước cờ, phục vụ việc lễ, qua những công việc cụ thể như vậy, sẽ giúp cho các em học sinh có cái nhìn thực tế hơn về những nét văn hóa dân gian, truyền thống.
Thưa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, em nên khởi nghiệp theo hướng nào ạ? |
Thông qua triển khai thực hiện mô hình, các thầy cô giáo được thỏa sức sáng tạo với những hình thức tổ chức dạy học mới, các em học sinh được rèn luyện kĩ năng giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ, ứng xử, giải quyết tình huống, biết bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, tình cảm của mình, biết hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong các hoạt động giáo dục tập thể…
Đặc biệt là các em học sinh đã rất hào hứng tham gia các hoạt động, thông qua thực tế, các em thêm yêu những cảnh vật, di sản của quê hương, thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ những di sản vật thể và phi vật thể gắn với khu di tích, phát huy hơn nữa tinh thần hướng về nguồn cội, truyền thống đạo lí Uống nước nhớ nguồn của dân tộc”.
Giáo viên và học sinh Trường Trung học phổ thông Xuân Áng trong giờ học tại lịch sử tại Đền Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Tư liệu nhà trường. |
Cô Lê Thị Ngọc Ngân- Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngoài các hoạt động chính khóa, trường còn tổ chức nhiều câu lạc bộ cho học sinh nhà trường như: Câu lạc bộ nghệ thuật dạy cách sử dụng nhạc cụ dân tộc, tìm hiểu và học hát xoan cũng đã thu hút được rất nhiều em tham gia, đặc biệt là câu lạc bộ hát xoan của trường cũng đã có nhiều lần biểu diễn nhằm giới thiệu và quảng bá về hát xoan, đây là Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
Câu lạc bộ thể dục thể thao được phát triển khá mạnh với các môn như bóng bàn, cầu lông, bóng truyền… Câu lạc bộ khéo tay hay làm, đã thu hút được đông nhất các thành viên tham gia, tại đây các em được dạy làm các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày, làm đồ thủ công, dạy may vá thêu thùa…
Cũng trong dịp Tết vừa qua, các thành viên trong câu lạc bộ khéo tay đã tổ chức gói bánh trưng và luộc tại trường, để tặng cho các bạn học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn. Phụ trách các câu lạc bộ này đều là những giáo viên có kinh nghiệm”.
Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Xuân Áng trong buổi tổng vệ sinh khu di tích lịch sử văn hóa. Ảnh: Tư liệu nhà trường. |
Định kỳ hàng tháng, Ban chỉ đạo của Trường Trung học phổ thông Xuân Áng đều tiến hành họp, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện mô hình, tuyên dương những cá nhân, tập thể thực hiện sáng tạo.
Thầy Bùi Chương An - Hiệu trường nhà trường chia sẻ thêm: “Việc triển khai thực hiện mô hình Giáo dục Di sản là một trong những hoạt động nhằm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua Đổi mới sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016 - 2020, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, đồng thời, đây cũng là một nhiệm vụ trọng tâm thực hiện khâu đột phá của Trường Trung học phổ thông Xuân Áng trong công tác giảng dạy”.