Ủy ban huyện yêu cầu Phòng Giáo dục giải trình vụ giáo viên không được phụ cấp

10/08/2019 07:14
Nguyễn Phan
(GDVN) - Ngày 2/8/2019, huyện Vĩnh Thuận đã có ý kiến gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận để yêu cầu báo cáo giải trình một số vấn đề báo chí phản ánh.

Ngày 2/8/2019, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), Sử Văn Thinh đã có Thông báo số 590/VP-NCTH gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận để yêu cầu báo cáo giải trình một số vấn đề báo chí phản ánh.

Cụ thể, văn bản số 590/VP-NCTH 2/8/2019 đã truyền đạt ý kiến của Thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận, yêu cầu Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận phải thực hiện báo cáo giải trình bằng văn bản cụ thể các nội dung có liên quan đến việc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có tin bài “Nhiều giáo viên Vĩnh Thuận không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề”.

Như tin đã đưa, hiện tại huyện Vĩnh Thuận có nhiều giáo viên chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi về phụ cấp của nhà giáo, bao gồm: phụ cấp thâm niên và phụ cấp giảng dạy.

Thậm chí, có nhà giáo đã có 31 năm cống hiến cho ngành. Bản thân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từng có 18 năm liên tục đứng lớp làm công tác giảng dạy. Và nay, chỉ còn 03 tháng nữa là nghỉ chế độ nhưng đã bị mất tất cả các phụ cấp vốn dĩ là của mình một cách rất oan uổng.

Ngoài ra, theo số liệu thống kê chúng tôi có được, đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Vĩnh Thuận còn có 34 nhà giáo không được hưởng các chế độ phụ cấp nói trên, lý do là các giáo viên này được nhà trường phân công kiêm nhiệm các nhiệm vụ như: văn thư, thủ quỹ, kế toán, thiết bị, thư viện…

Bức xúc vì chế độ của bản thân bị mất một cách vô lý, một số giáo viên của huyện này phản ánh với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhờ can thiệp.

Sau thông tin mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải, việc Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã có sự quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục huyện phải có báo cáo giải trình vụ việc, được xem là một tín hiệu đáng mừng đối với nhà giáo mất chế độ của huyện.

Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã có công văn đề nghị báo cáo giải trình. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã có công văn đề nghị báo cáo giải trình. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Chi trả chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp giảng dạy cho nhà giáo là việc cần phải làm để đúng quy định pháp luật hiện hành

Câu chuyện rất nhiều nhà giáo của huyện này bị mất chế độ chính đáng của bản thân nhưng cứ nín nhịn chịu đựng vì không biết phải “kêu” ai thực sự rất đau lòng.

Trong số những nhà giáo đang bị mất chế độ nói trên, họ đã và đang phải chịu sự phân công làm những công việc trái vị trí việc làm đối với các quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đã được ban hành cho họ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, một hiệu trưởng trực thuộc Phòng Giáo dục Vĩnh Thuận cho biết:

Để chi trả chế độ phụ cấp Thâm niên và phụ cấp ưu đãi nhà giáo, định chế pháp luật quy định trong các văn bản do Bộ Giáo dục và Liên bộ (Bộ Nội vụ, Bộ Tài Chính, Bộ Giáo dục) cùng đã rất cụ thể và rõ ràng.

 Nhìn chung, những điều khoản quy định về việc chi trả chế độ trong các văn bản ấy đều rất có lợi cho nhà giáo.

Có điều, những người thực thi hiểu như thế nào? Có làm tốt để bảo vệ quyền lợi cho nhà giáo không mới là quan trọng”.

Cần giải quyết thỏa đáng chế độ cho giáo viên kiêm nhiệm văn phòng
Cần giải quyết thỏa đáng chế độ cho giáo viên kiêm nhiệm văn phòng

Được biết, lý do ngành Giáo dục huyện Vĩnh Thuận cho rằng những nhà giáo nói trên không được hưởng chế độ phụ cấp là vì họ không thuộc đối tượng “đang giảng dạy” quy định trong Nghị định Số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, số nhà giáo này đang làm nhiệm vụ khác ở văn phòng nên không được hưởng chế độ như người “đang giảng dạy”.

Nhưng, ngoài các định chế pháp luật đã quy định trong các Thông tư, Nghị định về chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo.

Để áp dụng chính sách công bằng cho các đối tượng, thì người thực thi phải căn cứ vào các văn bản liên quan khác.

Cụ thể, Nghị định Số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã có quy định về Đối tượng và phạm vi áp dụng như sau:

"Nghị định này quy định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập), đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang" (Điều 1).

Nay, vì nhu cầu khách quan của đơn vị sử dụng, những nhà giáo này được người quản lý phân công nhiệm vụ khác, trái vị trí chức danh nghề nghiệp hiện tại mà họ được bổ nhiệm.

Trên cương vị là viên chức giáo dục, họ phải chấp hành sự phân công của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, để bảo vệ chế độ cho họ thì nhà nước đã có các văn bản quy đổi nhiệm vụ khác sang tiết dạy rất cụ thể.

Và, việc được quy đổi từ nhiệm vụ khác sang tiết dạy đã mặc định họ vẫn đang thực thi đúng nhiệm vụ của nhà giáo là: “đang giảng dạy”.

Những bất thường trong việc nợ lương nhà giáo huyện Vĩnh Thuận
Những bất thường trong việc nợ lương nhà giáo huyện Vĩnh Thuận

Đối với tỉnh Kiên Giang, việc quy đổi số tiết dạy đã được Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn rất chỉn chu, rành mạch.

Cụ thể, trong công văn hướng dẫn số 02/SGDĐT-KHTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 hướng dẫn về việc quy đổi số tiết dạy như sau:

Giáo viên kiêm nhiệm công tác văn thư, thủ quỹ, y tế, thiết bị, thư viện sẽ được quy đổi từ 6 tiết đến 8 tiết/ tuần tùy theo cấp học.

Như vậy, những giáo viên chưa được hưởng các chế độ phụ cấp nói trên đã mặc nhiên được thừa nhận mỗi tuần họ đang thực hiện giảng dạy theo số tiết mà họ được quy đổi.

Việc người quản lý phân công có đảm bảo số lượng tiết dạy theo quy định hay không hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của họ.

Không thể vì lý do người quản lý giáo dục không phân công cho họ đủ số tiết quy định mà cắt đi chế độ chính đáng của nhà giáo.

Hiện nay, ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận đang thiếu nhân sự làm công tác văn phòng nên dẫn đến tình trạng bố trí công việc trái chức danh nghề nghiệp của nhà giáo đã và đang là việc làm trái pháp luật.

Những nhà giáo nói trên không chỉ bị ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận bố trí sai vị trí việc làm, nay lại còn cắt đi phụ cấp chính đáng mà họ phải được thụ hưởng đang rất cần được cấp có thẩm quyền của huyện Vĩnh Thuận nghiêm túc kiểm tra làm rõ.

Do vậy, việc xác định lại trách nhiệm cá nhân những người làm sai, sớm trả lại vị trí công tác đúng chức danh vị trí việc làm cho nhà giáo và đồng thời sớm chi trả chế độ chính đáng cho họ là một việc làm không chỉ nhân văn mà còn là việc đúng quy định pháp luật hiện hành mà huyện Vĩnh Thuận cần quan tâm thực hiện.

Nguyễn Phan