Thời đại công dân toàn cầu (*), lại viết về người Việt, hay đọc lại thói hư tật xấu của người Việt, để học lại cách “tự giễu”.
Cuốn Người xưa cảnh tỉnh (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Hơn nửa đời người lang thang khắp chốn cùng nơi, đối mặt với vô số điều đáng “xấu hổ” của người Việt ở nước ngoài và hãy cho tôi nói thật, nếu tôi không là người Việt, tôi không có gì!
Điều này thuộc về tâm thức, ý thức hay truyền thống của Việt Nam?
Tôi không rõ, mặc dù nghiên cứu mãi về giáo dục hiện đại, nhưng để có được khẳng định lớn này, tôi phải nói rõ, cảm ơn những người bạn Mỹ đã dạy dỗ tôi về ý thức “Dân Tộc – Tự Hào – Trách Nhiệm”, dựa trên những năm tháng tôi và gia đình học tại Mỹ.
Lòng yêu nước hàng thế kỷ của Việt Nam, lòng yêu nước Mỹ và giá trị Mỹ, những vẻ đẹp đó giúp tôi trở thành một con người Việt hơn, hiểu rõ hơn nhiều điều mà trước đó, tôi còn không rõ, tôi còn chưa hiểu và để chia sẻ với các bạn bè đang làm nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục, khi chúng ta nói đến “giáo dục công dân toàn cầu”, hãy nói rõ với tất cả “bạn là ai?”.
Khi một cá nhân không hiểu rõ nguồn cội và trân trọng nó dựa trên những năm tháng máu ruột của chính mình, dù chính mình đã và có thể vẫn đối mặt với những thách thức từ những người Việt, ở Việt Nam và nước ngoài; khi bạn không hiểu được lịch sử văn hóa dân tộc mình, những điều nói về quốc tế đó không có nhiều giá trị lắm.
Nhất là trong ngôn ngữ và ứng xử văn hóa mang chính tâm hồn con người Việt. Đó là điều duy nhất người Việt có thể mang đến và chia sẻ với giáo dục công dân toàn cầu, nếu chúng ta mong muốn điều đó cho thế kỷ này.
Lịch sử của quá khứ Việt Nam, từ 1 thế kỷ nay hóa ra được đọc hiểu rõ hơn bao giờ hết, khi ở ngoài Việt Nam.
Điều này là đáng tiếc cho giáo dục Việt, nhưng có lẽ cũng giống J. McCain, khi tình yêu đất nước, tình yêu con người và giá trị Mỹ đã bộc phát rõ nét nhất khi ở tù 5 năm rưỡi ở Hanoi Hilton [1].
Nói đến McCain, một trái tim Mỹ chân chính, một người bạn của Việt Nam và cũng để nói đến một tác phẩm ông viết để lại “Tính cách là số phận” (Character is destiny) [2] và thật hay, khi tôi mơ về Harvard, những tính cách mà McCain chia sẻ hoàn toàn gần với những phẩm chất Harvard thường yêu cầu [3] và nếu xét về tính cách người Việt, chúng ta không khác xa nhau mấy.
Khi những cải cách giáo dục thất bại: Xin được nói thẳng! |
Những giá trị làm nên một con người biết sống như một người Việt, như một người Mỹ hay bất kỳ dân tộc nào, đều có những giá trị phổ quát, bởi có ai không thích sự chân thành, tử tế, được yêu thương, được tin cậy, được sống chính là mình?
Nhưng lịch sử dân tộc, trong đó buộc phải ghi nhận những điều mà thế hệ này không thể và theo cá nhân tôi, không nên phủ nhận tất cả những gì của quá khứ, bởi chúng ta càng cố gắng lờ đi quá khứ, đi thẳng lên toàn cầu và nghĩ rằng đó là cách để biến con người chúng ta thành “công dân toàn cầu”, hình như nó không phải vậy.
Trở lại với thói xấu người Việt, những gì là thói xấu cá nhân được các học giả nói từ thời đầu thế kỷ 20 [4], tôi có đầy đủ, dẫu tôi là người được đào tạo cẩn thận và làm việc với quốc tế từ rất sớm, những năm 1990.
Thời gian sống ở Mỹ, sống với cộng đồng châu Á, cộng đồng dân nghèo Hispanic, với chính hội sinh viên Việt Nam ở Mỹ, dạy tôi nhiều điều.
Chúng ta khác nhau màu da, màu tóc, tiếng nói, ngày lễ kỷ niệm, văn hóa cộng đồng, nhưng trên tất cả, người dân Mỹ - Hispanic cũng yêu thương gia đình và con trẻ như người Việt.
Họ cũng như người Việt, trọng tình nghĩa và có lẽ cũng mắc tính “tình nghĩa quen thân”, mà một bạn già ở Corpus có nói: “Dân Hispanic, một người thì ổn nhưng 5 thằng đứng cùng nhau thì toàn kéo nhau xuống”, làm tôi xấu hổ.
Vẻ đẹp Mỹ ở những con đường và góc phố, dù đó là dân vô gia cư hay bất kỳ ai, tôi không thấy khác gì với người Việt ở trái tim nhân hậu, khi chúng ta nhìn đến nhau, cư xử với nhau, như những con người với con người.
Còn khi đã không có nhiều lắm trái tim biết chia sẻ, thì dù là người Mỹ với người Mỹ, người Việt với người Việt, vô số chuyện không đẹp gì cũng có thể xảy ra.
Thời đại này, mọi người nói về IQ (Chỉ số thông minh), EQ (Chỉ số thông minh cảm xúc), và nay CQ (Cultural Intelligence – Trí tuệ văn hóa).
Cá nhân tôi, trong buổi hội thảo tại Harvard Global Leadership (2/2019), chia sẻ rằng với tôi và dân tộc Việt, trên tất cả các loại trí tuệ, chúng tôi tin vào nhân tuệ, theo nghĩa lòng nhân hậu, nhân nghĩa, trọng bạn bè, sống thủy chung trước sau như một, lòng thành thật, với 3 ý nghĩa lớn mà Phật giáo (tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam) chia sẻ:
(i) Thương người như thể thương thân. Còn gì hơn được thế, khi mình biết đau, mình biết kẻ khác cũng có thể đau như thế, nỡ lòng nào làm đau kẻ khác?
Thư ngỏ gửi UNESCO, UNICEF về khủng hoảng giáo dục và những giải pháp cách mạng |
(ii) Từ bi nhưng trí tuệ. Nhân hậu, tử tế nhưng luôn có trí tuệ, tri thức, khoa học và kiến thức dẫn đường.
Con người dễ bị mù quáng, nhất là trong tôn giáo, dù đó là bất kỳ tôn giáo nào, nên chúng ta sống tốt, tử tế để biết rằng, phải học, phải có trí thức vượt trội, để hiểu cuộc sống, như thế nào là từ bi đúng cách. Nhân hậu phải đúng người, đúng việc, đúng hoàn cảnh, đó mới là trí tuệ.
(iii) “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn” (**). Đây là câu trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, con người mà sau đó nổi tiếng với Quốc Âm Thi Tập, tâm hồn yêu nước của con người vĩ đại này luôn “Lòng sáng tựa Sao Khuê” (**), dẫu tình yêu đất nước của ông chỉ từ “tiếng suối như tiếng đàn cầm bên tai” (**).
Vô số những nhà cải cách giáo dục Việt hiện nay đang tìm cách “quốc tế hóa” theo những mô hình đã và đang được chứng minh ở đâu đó.
Dù có thể có nhiều điều chưa đồng ý với thầy Phạm Toàn, tôi hoàn toàn thống nhất về tư tưởng của một giáo dục mới cho Việt Nam, “Một tâm hồn trưởng thành đầy tính nhân văn Việt [5], có những hiểu biết và trách nhiệm với mình và đất nước, trong đó hiểu đất nước là một phần không tách rời khỏi trách nhiệm của cộng đồng thế giới”.
Khi chúng ta đi ra nước ngoài, câu hỏi thường sẽ là “Bạn là ai?”, chúng ta đâu thể nói là chúng ta là toàn cầu, chúng ta cần nói rõ “Tôi là người Việt”, dù với cá nhân tôi, mỗi con người khi sinh ra, họ đã thuộc về cả thế giới này, bất chấp họ sinh ra ở đâu, hoàn cảnh nào, với ý nghĩa, họ là một con người, một thành viên của thế giới này và đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm, yêu thương và chia sẻ giữa con người với con người, không kể đến màu da, chủng tộc hay bất kỳ điều gì khác.
Có ai là con người, mà không có máu đỏ và trái tim hồng?
Có ai là con người, mà không có những niềm vui hạnh phúc giống nhau khi được sống, được tự do, được học và được theo đuổi những gì mình mơ ước?
Tôi hiểu khái niệm “Con Người là Trung tâm” do UNESCO đưa ra theo nghĩa đó, bởi nếu không thế, nhân danh dân tộc – đất nước, những học thuyết và quan điểm về “Người Thắng/Người có lợi thế sẽ lấy tất” đẩy chúng ta và thế hệ sau vào con đường bế tắc, không thể có giải pháp triệt để để giải quyết về bất bình đẳng và những mâu thuẫn hàng thế kỷ giữa các quốc gia.
Quan điểm về “Thương người như thể thương thân” có lẽ sẽ hữu ích cho Liên Hợp Quốc giải quyết các vấn nạn của thế giới này chăng?
Chúng ta đang sống trong thế giới nào? |
Tôi hy vọng vậy, bởi nếu chúng ta biết điều tốt đẹp, tử tế cho con chúng ta, cho dân tộc chúng ta, tại sao lại đi cưỡng chiếm những thứ khác của người khác, của dân tộc khác?
Hơn thế nữa, nếu chúng ta biết mơ về một dân tộc vĩ đại cho mình, tại sao không giúp kẻ bên cạnh, những dân tộc đói nghèo và khổ nạn trong bao năm tháng, họ có thể không cần đến vĩ đại, nhưng họ cần đến đủ ăn, đủ để con cái họ đi học, đủ những gì là tối thiểu để phát triển năng lực cá nhân, năng lực tự chủ của dân tộc họ.
Và làm ơn, xin đừng lấy những giúp đỡ (aids) đó thành rào ngăn cản sự phát triển con người [6], do bởi những thỏa thuận thương mại – kinh tế quốc tế hiện đang biến nền kinh tế thế giới toàn cầu được dành cho những “tầng lớp trên” và 99% nằm đâu đó mãi dưới đáy, không có cơ hội dịch chuyển trên nấc thang xã hội [6].
Nói vậy, biết vậy, nhưng làm khó. Bởi, chúng ta là con người.
Chính vì thế, tôi tin vào giáo dục, giáo dục vì con người trở nên biết sống đúng là con người có trái tim và tri thức.
Để kết lại, tôi tin, như một quy luật tự nhiên, trước khi đi đến với thế giới, bạn cần biết rõ bạn là ai trước khi nói đến những mục tiêu lớn lao về UN-SDGs 2030, về xóa đói nghèo và giáo dục cho tất cả.
Liệu có nên chăng, chúng ta hãy nghĩ đến nguyên lý nào để những con người xa lạ biết xót thương cho nhau, những dân tộc đang có những mâu thuẫn hàng thế kỷ biết nhìn lại quá khứ đau thương, để hiểu rằng, tất cả nhân dân chúng ta đều phải trả giá cho những điều vô nghĩa, nếu những gì chúng ta đã làm là trái với lương tâm, trái với đạo đức làm người, vì điều đúng với bạn cũng là điều đúng với chính tôi?
Khi nào thế giới biết học cách sống hòa bình và thân thiện với nhau?
Khi chúng ta biết thương người như thể thương thân, biết xót xa cho nỗi đau của kẻ khác, của dân tộc khác, như của chính mình!
Tài liệu tham khảo:
(*) https://en.unesco.org/themes/gced;
(**) Nguyễn Trãi, nhân cách và tâm hồn Việt, https://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/7961302-.html; https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dem-dai-nghia-thang-hung-tan-176105.html;
[1] Faiths of My Fathers, J. McCain, [A Family Memoir: “In prison, I fell in love with my country. I had loved her before then, but like most young people, my affection was little more than a simple appreciation for the comforts and privileges most Americans enjoyed and took for granted. It wasn't until I had lost America for a time that I realized how much I loved her. ”];
[2] Character is destiny, J. McCain, https://en.wikipedia.org/wiki/Character_Is_Destiny;
[3] https://thanhnien.vn/giao-duc/5-pham-chat-can-co-neu-ban-muon-vao-truong-harvard-745082.html;
[4] Thói hư tật xấu của Người Việt trong con mắt của các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ 20; Người Việt: Phẩm chất và Thói hư – Tật xấu;
[5] Phạm Toàn, “Một tâm hồn Việt Nam ở từng tế bào xã hội Việt Nam”, https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nha-giao-pham-toan-qua-doi-post199788.gd; Hợp Lưu các Dòng Tâm lý học, “Giáo dục là sự trưởng thành nhân cách một con người”;
[6] Cuộc đào thoát vĩ đại, Sức Khỏe – Của Cải và Nguồn Gốc Bất bình đẳng; A. Deaton; Global Inequality, B. Milanovic; Globalization and its discontents, J Stiglitz; The rise and fall of American growth, US living standard since Civil World, R. J. Gordon; The Internet is NOT the answer, A. Keen;