Năm 2019 tiếp tục là năm các cơ quan Nhà nước thực hiện quyết liệt chính sách tinh giản biên chế để hoàn thành mục tiêu giảm 10% biên chế vào năm 2021.
Sĩ số học sinh đông luôn gây khó khăn cho việc dạy và học (Ảnh minh họa VTV). |
Ngành giáo dục có những đặc thù riêng mà không thể đưa % giản biên chế giống như nhiều ngành nghề khác.
Trong Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của ngành giáo dục, Giáo sư Trần Hồng Quân Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã khẳng định:
“Đặt chỉ tiêu giảm bao nhiêu % giáo viên thì tôi sợ sau này phải trả giá".
Đáng buồn thay nhiều người lại không hiểu điều này.
Vì thế, một số địa phương đã đặt ra chỉ tiêu giản biên chế giáo dục bằng cách dồn lớp, tăng sĩ số học sinh để dôi dư giáo viên đưa vào diện tinh giản biên chế.
Việc làm này đã gây khó khăn cho việc dạy và học, đi ngược với xu thế phát triển giáo dục và chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, đến công cuộc thay đổi chương trình mới hiện nay.
Cơ sở vật chất không đảm bảo dồn lớp, tăng sĩ số sẽ vô cùng bất lợi
Điều lệ trường học của Bộ Giáo dục quy định bậc tiểu học sĩ số tối đa 35 học sinh/lớp và 45 học sinh/lớp đối với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của liên bộ Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo để bố trí được 45 học sinh/lớp, phòng học tối thiểu phải đủ 67,5 mét vuông theo tiêu chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam (1.5 mét vuông/1 học sinh).
|
Theo đó hiện nay, hầu như địa phương nào cũng không có được những phòng học theo đúng chuẩn quy định.
Vậy mà bất chấp, nhiều địa phương cứ lấy quy định 45 học sinh/lớp để thực hiện việc dồn lớp để tinh giản giáo viên.
Sĩ số đông thách thức chương trình mới
Phòng học ở nhiều trường học hiện nay diện tích chủ yếu chưa tới 50 mét vuông.
Thế nhưng bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn quyết xếp 45 học sinh/lớp.
Để xếp được 45 học sinh ngồi một lớp phải cần tới 23 cái bàn và 45 cái ghế.
Với diện tích phòng học không quá 50 mét vuông mà kê tới 23 cái bàn và 45 cái ghế, nhiều thầy cô cho biết “không còn chỗ len chân, chỉ thở không đã mệt”.
Đó là chưa nói, học sinh bậc trung học đang tuổi dậy thì, nhiều em hiện nay phổng phao trước tuổi, không còn thấp bé nhẹ cân như thời cha mẹ chúng.
Không ít em to cao gấp rưỡi bạn mà phải ngồi bó hẹp trong một không gian chật chội, đến việc cựa bên nào cũng đụng bạn như thế, thử hỏi các em có học tốt được không?
Nhiều thầy cô giáo dạy ở 2 bậc học này luôn than thở:
“Vào lớp, nhìn thấy học sinh đông đen đã thấy mệt chưa nói là dạy.
Nhất là những hôm trời nắng, hơi nắng của không khí, của hơi người càng làm căn phòng trở nên ngột ngạt, khó thở vô cùng”.
Chương trình mới chú trọng việc phát triển năng lực, kỹ năng học sinh.
Muốn học tốt, các em phải có một phòng học rộng rãi, một không gian thoáng mát.
Nhưng phòng học chật chội, ngột ngạt như hiện nay, liệu có thể thể hiện tốt mục tiêu giáo dục mà chương trình mới đề ra?
Tinh giản biên chế là hợp lý nhưng cần làm linh hoạt
|
Kế hoạch tinh giản biên chế của Nhà nước ta là hợp lý, nhưng áp dụng vào ngành giáo dục hiện nay cần được thực hiện một cách linh hoạt, không thể làm theo kiểu cứng nhắc hiện nay mà không ít địa phương đang áp dụng.
Không ít nơi, giáo viên vẫn đang thừa thiếu cục bộ.
Có những bộ môn giáo viên không đủ tiết dạy, có những môn lại thiếu giáo viên trầm trọng.
Cần có chính sách rõ ràng trong việc biệt phái giáo viên từ vùng thừa sang vùng thiếu (ký cam kết hẳn hoi, sau vài năm đi làm nhiệm vụ sẽ được trở về lại địa phương mà không cần chạy vạy, xin xỏ”.
Có những chế độ, chính sách khuyến khích giáo viên về hưu trước tuổi.
Áp dụng việc tinh giản đối với những giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bê trễ, ù nhầy trong việc thực hiện chương trình mới.
Nếu cứ đặt chỉ tiêu tinh giản biên chế trong giáo dục để nhiều địa phương đang thực hiện như hiện nay, chắc chắn nỗi sợ giáo dục “…phải trả giá" của Giáo sư Trần Hồng Quân sẽ thành hiện thực.