Tại buổi họp báo công bố chương trình môn học mới diễn ra chiều 27/12/2018, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, năm học 2020-2021 triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1.
Năm 2020-2021 học sinh lớp 1 sẽ học chương trình mới (Ảnh minh họa VTV) |
Vậy là, chỉ năm học sau, toàn thể học sinh lớp 1 sẽ bắt đầu được học chương trình mới.
Để đảm bảo cho việc học chương trình mới đạt chất lượng tốt như kỳ vọng thì vấn đề sĩ số học sinh trong mỗi lớp sẽ quyết định rất lớn đến chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh.
Sự nỗ lực giảm sĩ số của ngành giáo dục thủ đô
Sĩ số học sinh ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển hiện nay thường dao động ở mức 20-25 học sinh/lớp.
Sĩ số học sinh chuẩn của ngành giáo dục chúng ta cũng quy định, tối đa không quá 35 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học (và 45 học sinh/lớp với bậc học phổ thông).
Với sĩ số thế này, trong thực tế giảng dạy, giáo viên chúng tôi cũng đã vô cùng vất vả khi phải tổ chức nhiều hoạt động học tập cho học sinh.
|
Thế mà, nhiều người không khỏi bất ngờ, sửng sốt khi ở một số thành phố như Hà Nội, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh …sĩ số học sinh luôn ở mức hơn 60 em/lớp, thậm chí có lớp là 70 học sinh.
Năm học này, sĩ số học sinh ở nhiều trường Hà Nội được đánh giá là bớt “ngợp thở” nhưng sĩ số phổ biến vẫn ở mức từ 50-56 học sinh/lớp.
Có thể thấy, từ 70 học sinh/lớp xuống còn 56 học sinh, đây chính là sự nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục thủ đô khi quyết tâm giảm sĩ số mỗi lớp để đón chương trình mới.
Có điều, sau một năm sĩ số của mỗi lớp giảm nhiều nhất cũng chỉ hơn chục em.
Và với sĩ số hiện tại đã bớt “ngợp thở” so với sĩ số chuẩn quy định vẫn còn là cao quá.
Liệu chỉ một năm nữa là thay sách, thay chương trình, sĩ số học sinh tại nơi này có thể đưa về đúng theo quy định 35 học sinh/lớp được hay không?
Điều này có lẽ vô cùng khó vì rất khó thực hiện trong khoảng thời gian quá ít như vậy.
Sĩ số đông giáo viên chỉ dạy theo phương pháp truyền thống
Nếu học sinh ngồi học theo kiểu trước đây (khoanh tay lên bàn, mắt nhìn thẳng nghe thầy cô giảng và chép bài) mà chúng ta quen gọi là kiểu dạy truyền thống thì một lớp học sĩ số có lên đến 70-80 em/lớp cũng chẳng vấn đề gì.
Với sĩ số cao ngất ngưởng như vậy, giáo viên chúng tôi vẫn dạy tốt (đương nhiên cái tốt cũng có ba bảy đường).
Bí quyết mà không ít giáo viên đã áp dụng và truyền tai nhau là:
Ngay từ đầu khi vào nhận lớp, thầy cô phải “thiết quân luật”.
Nghĩa là, đưa các em trong lớp vào vòng kỉ luật bằng cách xiết chặt “vòng kim cô”.
Thầy cô không cần “niệm thầy chú” như Đường Tăng khi trừng trị Ngộ Không bướng bỉnh, không biết nghe lời.
Thầy cô sẽ dùng hình phạt nghiêm khắc với những học sinh nào vi phạm.
Mọi nề nếp phải rèn ngay những ngày đầu mới nhận lớp bằng những hình phạt cứng rắn, nghiêm khắc mới có thể đưa các em vào khuôn phép.
Có thế mới ổn định được trật tự để tiến hành dạy học.
Như nói chuyện riêng: phạt roi; nói leo trong tiết học; phạt roi; ngồi học không nghiêm túc: phạt roi; làm việc riêng trong giờ học: phạt roi;
Chỉ nghe và làm theo hiệu lệnh của giáo viên như lấy sách, đọc bài, viết bài, làm bài, sửa bài…
Nhờ thế, giáo viên sẽ không nhọc công giữ trật tự , trong lớp gần như chỉ giao tiếp một chiều thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép và thầy ra lệnh…
|
Nhờ thế, lớp học luôn trong tình trạng im phăng phắc, chỉ có tiếng thở nhẹ, tiếng bút viết sột soạt, tiếng thước kẻ để trên bàn vang lên khô khốc...
Không thể triển khai phương pháp dạy mới
Theo phương pháp dạy học mới lấy học sinh làm trung tâm, thì kiểu dạy học áp đảo trên là phản tác dụng.
Bởi, học sinh chỉ là những rô bốt chỉ biết răm rắp nghe lời.
Nhưng, nếu không thế, giáo viên sao có thể dạy được?
Một lớp học hơn 50 em, nếu cho ngồi theo nhóm phải đến chục nhóm.
Nếu cứ đúng tinh thần đề cao vai trò của người học, các em được thảo luận, được trao đổi, được ý kiến với nhau…
Lớp chỉ thành cái chợ và thầy cô dễ dàng rơi vào tình trạng mất kiểm soát nề nếp học tập.
Với sĩ số quy định lớp 35 em đã được xem là quả tải. Sĩ số đẹp nhất chỉ khoảng 25 - 30 em học sinh/lớp.
Bởi, trò sẽ ngồi theo nhóm. Một lớp khoảng 5-6 nhóm là nhiều. Thầy cô đi đến từng nhóm để hỗ trợ, giúp đỡ cũng khá mệt.
Chương trình mới chắc chắn cũng được xây dựng trên tinh thần lấy người học làm trung tâm.
Vì thế, với sĩ số học sinh gấp đôi quy định thế kia, giáo viên làm sao có thể dạy tốt?
Chẳng lẽ thầy cô giáo những nơi sĩ số học sinh đông thế này lại vẫn áp dụng kiểu dạy truyền thống bao năm trò ngồi khoanh 2 tay lên bàn để nghe giảng, rồi thầy đọc, trò chép như bấy nay?
Thế thì thay đổi chương trình, đổi mới phương pháp dạy học liệu có ích chi?
Tài liệu tham khảo:
https://haiquanonline.com.vn/ha-noi-si-so-lop-1-da-bot-ngop-tho-109317.html