Cơ sở nào để đòi Bộ Y tế bổ sung 21 vi chất vào Sữa học đường?

22/08/2019 09:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Bộ Y tế cần làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và tính khách quan trong đề xuất bổ sung 21 vi chất vào sữa tươi, có hay không việc thao túng chính sách?

Sau giải thích ngày 15/8/2019 của Bộ Y tế, những thắc mắc về việc "Bộ Y tế chậm trễ ban hành quy chuẩn sữa học đường" thưa dần.

Tuy nhiên, trên truyền thông lại xuất hiện một số quan điểm chỉ trích Bộ Y tế theo hướng khác, hối thúc Bộ ban hành quy định bổ sung 21 vi chất bất chấp cơ sở khoa học và pháp lý.

Ngay trong ngày 15/8/2019 Báo Giáo dục và Thời đại đăng bài "Bộ Y tế “tiền hậu bất nhất” trong việc chậm trễ ban hành Thông tư Sữa học đường?" [1], "Bộ Y tế cố tình chậm ban hành thông tư về sữa học đường?" [2] và "Sữa học đường- Trách nhiệm của Bộ Y Tế ở đâu?" [3] cùng của tác giả Vân Anh.

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế Nguyễn Đức Vinh cho biết quan điểm chính thức của Bộ Y tế ngày 15/8/2019, Bộ chưa quyết định việc bổ sung vi chất vào sữa tươi cho Sữa học đường.
Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế Nguyễn Đức Vinh cho biết quan điểm chính thức của Bộ Y tế ngày 15/8/2019, Bộ chưa quyết định việc bổ sung vi chất vào sữa tươi cho Sữa học đường.

Cùng ngày, Báo Tuổi trẻ thủ đô có bài viết "Bộ Y tế “tiền hậu bất nhất” trong việc chậm trễ ban hành Thông tư Sữa học đường?" của tác giả ký tên là PV, cho rằng:

Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em này cũng không đưa ra được cụ thể doanh nghiệp nào còn có ý kiến khác nhau về việc bổ sung vi chất vào Sữa học đường trong khi trước đó tất cả các doanh nghiệp sữa đã đồng thuận về việc bổ sung 21 vi chất theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng.

Hối thúc Bộ Y tế bổ sung 21 vi chất?

Được biết ngày 22/8/2019, Bộ Y tế sẽ họp tiếp về vấn đề bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa tươi cho chương trình Sữa học đường.

Ngày 21/8/2019 Báo Tuổi trẻ Thủ đô có bài "Chuyện lạ ở Bộ Y tế: Vụ trưởng “to hơn” Thứ trưởng?" của tác giả PV [5] được Báo Khoa học và Đời sống dẫn lại [6]

Bài viết "Chuyện lạ ở Bộ Y tế: Vụ trưởng "to hơn" Thứ trưởng?" viện dẫn nhiều thông tin không chính xác nhằm vào cá nhân Vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ - trẻ em Nguyễn Đức Vinh, dường như muốn hối thúc Bộ Y tế ban hành thông tư cho phép bổ sung 21 vi chất.

Thứ nhất bài viết cho rằng "trong Quyết định 1340 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 về Sữa học đường cũng yêu cầu bổ sung vi chất vào Sữa học đường" là không chính xác.

Cần biểu dương Bộ Y tế đã nhanh chóng quy định rõ sản phẩm cho Sữa học đường
Cần biểu dương Bộ Y tế đã nhanh chóng quy định rõ sản phẩm cho Sữa học đường

Khoản 2, Điều 1, Quyết định số 1340/QĐ-TTg chỉ nêu chỉ tiêu "Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020".

Thứ hai, bài viết cho rằng: "ngày 18/6/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chủ trì cuộc họp góp ý Dự thảo Thông tư.

Tại cuộc họp này, các Cục, Vụ, Viện có liên quan của Bộ Y tế cùng với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sữa đã thống nhất và có sự đồng thuận cao về các loại sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và 21 vi chất dinh dưỡng bắt buộc bổ sung".

Thông tin nói trên là không chính xác.

Theo ghi âm cuộc họp này, đại diện doanh nghiệp TH True Milk kiến nghị giữ nguyên sữa tươi, nếu bổ sung vi chất thì chỉ bổ sung 3 vi chất trong Quyết định 1340/QĐ-TTg, đại diện các doanh nghiệp Nutifood, Dalatmilk, Ba Vì đồng quan điểm với Th True Milk chỉ bổ sung 3 vi chất.

Thứ ba, về các nội dung quy kết ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ - trẻ em trong bài viết này, là hoàn toàn sai sự thật, trái kết luận của Thứ trưởng Trương Quốc Cường trong phiên họp ngày 18/6/2019:

"Thống nhất yêu cầu Viện Dinh dưỡng phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế về đề xuất của mình, đề xuất đấy có cơ sở khoa học và để tất cả các doanh nghiệp tâm phục khẩu phục rằng là cái này đã có nghiên cứu, có thể là quốc tế nghiên cứu (tài liệu chính thống) liều lượng thế nào cho đảm bảo tốt nhất chứ đừng có thừa, thừa thì mang tiếng. 

Cho phép Viện Dinh dưỡng nghiên cứu lại, căn cứ vào nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu khoa học quốc tế và thực tiễn của chúng ta để đưa ra các loại vi chất, không nhất thiết phải là 21 đâu, có thể thấp hơn cũng được, miễn là trong quá trình dùng đừng để xảy ra cái gì và các doanh nghiệp tâm phục khẩu phục. 

Bộ Y tế có viện chuyên sâu tham mưu cho Bộ, sau khi trình lên chúng tôi sẽ giao cho 2 đơn vị chức năng là Cục An toàn thực phẩm, Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ - trẻ em sẽ tham mưu để chúng tôi ban hành cái này."

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chủ trì cuộc họp ngày 27/5/2019 về sữa học đường, trước đó ngày 15/5/2019 ông đã ký công văn gửi các tỉnh thành, giữ nguyên quy định sữa tươi cho chương trình Sữa học đường tại Quyết định 5450/QĐ-BYT, nguồn: Bộ Y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chủ trì cuộc họp ngày 27/5/2019 về sữa học đường, trước đó ngày 15/5/2019 ông đã ký công văn gửi các tỉnh thành, giữ nguyên quy định sữa tươi cho chương trình Sữa học đường tại Quyết định 5450/QĐ-BYT, nguồn: Bộ Y tế.

Ngày 16/8/2019, Bộ Y tế có văn bản số 4732/BYT-BM-TE do Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em Nguyễn Đức Vinh thừa lệnh Bộ trưởng ký, trả lời công văn của 2 doanh nghiệp sữa, trong đó nêu rõ:

"Đối với quy định sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, việc bổ sung vi chất còn có ý kiến khác nhau giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý.

Bộ Y tế hoàn toàn cầu thị, lắng nghe các ý kiến khách quan, trung thực để xây dựng quy định trên cơ sở thực hiện đúng Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ theo lộ trình đến năm 2020; đảm bảo tính pháp lý, khoa học, thực tiễn, khả thi, hội nhập, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển và đều có thể tham gia Chương trình công khai, minh bạch."

Văn bản số 4732/BYT-BM-TE nói trên còn được gửi đến Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Y tế.

Vì vậy, không có cơ sở để nói Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh như kết luận trong bài viết này.

Nên thận trọng với đề xuất của Viện Dinh dưỡng

Chúng tôi cho rằng sự thận trọng của Bộ Y tế với việc tăng cường vi chất vào thực phẩm nói chung, sữa tươi cho chương trình Sữa học đường nói riêng là rất cần thiết, khách quan, rõ ràng, sáng suốt.

Bổ sung vi chất vào sản phẩm cho Sữa học đường liệu có trái luật?
Bổ sung vi chất vào sản phẩm cho Sữa học đường liệu có trái luật?

Ở đây chỉ xin chia sẻ thêm vài điều về cơ sở pháp lý cũng như một số thông tin về tính khách quan trong đề xuất của Viện Dinh dưỡng, biết đâu có thể giúp các cơ quan hữu quan có thêm thông tin trước khi ra quyết định cuối cùng.

Một là, khoản 1 Điều 13 và khoản 1, Điều 10, Luật An toàn thực phẩm quy định rất rõ thực phẩm tăng cường vi chất phải "đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng".

Vì vậy, Bộ Y tế và các cơ quan tham mưu (Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Cục An toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng) nên rà soát lại xem, đã có quy chuẩn kỹ thuật (theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11) đối với sữa tươi tăng cường vi chất hay chưa?

Nếu chưa có, Bộ Y tế sẽ thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với loại sản phẩm này dựa vào quy chuẩn kỹ thuật tương ứng nào?

Nếu xảy ra các vấn đề gì về sức khỏe của trẻ em uống sữa tăng cường vi chất, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Được biết, muốn bổ sung i ốt vào muối; sắt vào nước mắm, sắt vào bột mỳ; kẽm vào bột mỳ; vitamin A vào dầu thực vật, Chính phủ phải ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Điều đó cho thấy Nhà nước quản lý rất chặt chẽ, không phải ai đó thích là có thể tăng cường, bổ sung vi chất bừa bãi.

Xung quanh đề xuất của Viện Dinh dưỡng về bổ sung vi chất vào sữa tươi cho chương trình Sữa học đường, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin sau:

- Năm 2017, Viện Dinh dưỡng ký hợp tác chiến lược với Vinamilk [7] và tiến hành nghiên cứu 6 tháng tại Thái Nguyên về hiệu quả bổ sung "sữa Vinamilk 100% sữa tươi học đường", "sữa ADM Gold học đường" có bổ sung vi chất đối với tình trạng dinh dưỡng trẻ 7-9 tuổi. [8]

Ảnh chụp màn hình tài liệu tập huấn về sữa học đường trên website Trường tiểu học Thụy Phương quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội [7]
Ảnh chụp màn hình tài liệu tập huấn về sữa học đường trên website Trường tiểu học Thụy Phương quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội [7]

Xem kết quả nghiên cứu này có thể thấy rõ xu hướng nhận định sữa bột pha lại (ADM Gold học đường) bổ sung vi chất tốt hơn sữa tươi. 

Cho nên, nếu trong đề xuất bổ sung vi chất mới nhất mà đánh mất chữ "tươi" trong "sữa tươi" cho chương trình Sữa học đường phục để vụ cuộc họp ngày 22/8/2019, Bộ Y tế nên lưu ý đến nghiên cứu này.

- Ngày 6/7/2017, Viện Dinh dưỡng có công văn số 351/VDD-DDHĐ&NN gửi Cục An toàn Thực phẩm và Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em gửi kèm bản Báo cáo kỹ thuật Khuyến nghị bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng trong sản phẩm sữa tươi sử dụng cho chương trình Sữa học đường. 

- Ngày 10/8/2018 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn số 3397/SGDĐT-CTTT gửi Viện Dinh dưỡng xin ý kiến về chất lượng sữa phục vụ đề án Chương trình Sữa học đường, đặc biệt là chỉ tiêu vi chất dinh dưỡng.

- Ngày 15/8/2018 Viện Dinh dưỡng họp Hội đồng khoa học xem xét "chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm sữa học đường theo bản dự thảo của Sở Giáo dục và Đào tạo".

Ảnh chụp màn hình văn bản Viện Dinh dưỡng trả lời Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khuyến nghị bổ sung 21 vi chất, trước ngày công bố hồ sơ mời thầu.
Ảnh chụp màn hình văn bản Viện Dinh dưỡng trả lời Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khuyến nghị bổ sung 21 vi chất, trước ngày công bố hồ sơ mời thầu.

- Ngày 16/8/2018, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lê Danh Tuyên ký văn bản số 384/VDD-KHTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kèm theo bảng chỉ tiêu 21 vi chất bổ sung vào sữa tươi cho chương trình Sữa học đường mà Hội đồng khoa học viện thông qua ngày hôm trước. [9]

- Ngày 5/9/2018, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng ký Quyết định số 1825/QĐ-SGDĐT phê duyệt Hồ sơ mời thầu gói thầu số 01: Mua sữa thuộc đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường, yêu cầu sản phẩm sữa tươi bổ sung 21 vi chất (quy định tại mục 2.2.2 trang 82, 83, 84 Hồ sơ mời thầu).

Tuy nhiên, trước đó ngày 23/8/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lại có công văn số 3891/UBND-KGVX gửi Bộ Y tế hỏi về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Ngày 28/8/2018, Cục An toàn thực phẩm thừa lệnh Bộ Y tế, tổ chức họp với các đơn vị liên quan. Ngày 17/9/2018, Viện Dinh dưỡng có công văn số 437/DDHĐ&NN gửi Cục An toàn Thực phẩm đề xuất bổ sung 3 vi chất vào sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, gồm vitamin D (1-1,4 ug), sắt (1,4-1,9 mg), canxi (114-150 mg). 

Ngày 21/9/2018, Cục An toàn thực phẩm gửi khuyến nghị nói trên cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội bằng công văn số 4801/ATTP-KN. [10]

Cùng ngày, ông Chử Xuân Dũng ký văn bản số 3976/SGDĐT-KHTC về việc sửa hồ sơ mời thầu, thay 21 vi chất tại mục 2.2.2 trang 82, 83, 84 thành yêu cầu bổ sung 3 vi chất như trên.

Công văn được đăng trên website Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin sản phẩm phục vụ chương trình Sữa học đường Hà Nội bổ sung 17 vi chất không đúng quy định. [8]
Công văn được đăng trên website Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin sản phẩm phục vụ chương trình Sữa học đường Hà Nội bổ sung 17 vi chất không đúng quy định. [8]
21 vi chất này do Viện Dinh dưỡng khuyến nghị hay "thông qua" theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội?
21 vi chất này do Viện Dinh dưỡng khuyến nghị hay "thông qua" theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội?
Ai mới thực sự là chủ nhân của đề xuất bổ sung 21 vi chất vào sữa tươi cho chương trình Sữa học đường, cần được Bộ Y tế chỉ đạo làm rõ và công bố rộng rãi.
Ai mới thực sự là chủ nhân của đề xuất bổ sung 21 vi chất vào sữa tươi cho chương trình Sữa học đường, cần được Bộ Y tế chỉ đạo làm rõ và công bố rộng rãi.

Vì vậy, ngoài việc yêu cầu Viện Dinh dưỡng xuất trình cơ sở khoa học và pháp lý về đề xuất bổ sung vi chất vào sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường, thiết nghĩ Bộ Y tế cũng cần kiểm tra làm rõ mấy vấn đề:

Một là, xuất xứ của đề xuất 21 vi chất này từ đâu, có đúng là của Viện Dinh dưỡng hay là của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội?

Hai là, có hay không việc sử dụng thông tin không chính xác gây sức ép với Bộ Y tế ban hành thông tư bắt buộc bổ sung 21 vi chất vào sữa tươi cho chương trình Sữa học đường?

Ba là tính khách quan của Viện Dinh dưỡng trong đề xuất 21 vi chất này, có phải 21 vi chất nói trên bao gồm 17 vi chất đã bổ sung trái quy định vào sản phẩm sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bo-y-te-tien-hau-bat-nhat-ve-bo-sung-vi-chat-vao-sua-hoc-duong-4027012-v.html

[2]https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bo-y-te-co-tinh-cham-ban-hanh-thong-tu-ve-sua-hoc-duong-4027016-v.html

[3]https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/sua-hoc-duong-trach-nhiem-cua-bo-y-te-o-dau-4027008-v.html

[4]https://tuoitrethudo.com.vn/bo-y-te-tien-hau-bat-nhat-trong-viec-cham-tre-ban-hanh-thong-tu-sua-hoc-duong-d2071136.html

[5]https://tuoitrethudo.com.vn/chuyen-la-o-bo-y-te-vu-truong-to-hon-thu-truong-d2071392.html

[6]https://khoahocdoisong.vn/chuyen-la-o-bo-y-te-vu-truong-to-hon-thu-truong-128057.html

[7]Báo cáo thường niên Vinamilk 2017, trang 70, mục 3. Hoạt động nghiên cứu và phát triển, xem tại:

https://www.vinamilk.com.vn/static/uploads/article/1522065047-32b1b4e5de1437d42e844f5cdf151aae617e1ec5c94e4d89888d8f3f3f8c5d7b.pdf

[8]http://tieuhocthuyphuong.pgdbactuliem.edu.vn/thongbao/20181228165611H%C6%B0%E1%BB%9Bng%20D%E1%BA%ABn%20Tri%E1%BB%83n%20Khai_%20CT%20SH%C4%90_23%2011%202018.pdf

[9]http://tieuhochotungmau.pgdbactuliem.edu.vn/ckfinder/userfiles/files/CV%20vi%E1%BB%87n%20dd%20QG.pdf

[10]http://tieuhochotungmau.pgdbactuliem.edu.vn/ckfinder/userfiles/files/C%E1%BB%A5c%20VSATTP.pdf

Hồng Thủy