Bổ sung vi chất vào sản phẩm cho Sữa học đường liệu có trái luật?

18/08/2019 08:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Hiện tại Bộ Y tế chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sữa tươi tăng cường vi chất, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm chưa có cơ sở bổ sung.

Ngày 15/8/2019, Bộ Y tế đã chính thức bác bỏ mọi cáo buộc rằng cơ quan này "chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường, gây khó khăn cho doanh nghiệp".

Từ giải thích của Bộ Y tế, có thể thấy rõ 3 vấn đề cụ thể về sản phẩm sữa tươi dùng cho Chương trình Sữa học đường.

Thứ nhất, đang có sự hiểu lầm thuật ngữ / khái niệm nên dẫn đến những cáo buộc, thậm chí quy chụp Bộ Y tế.

Thế giới và Việt Nam không có "quy chuẩn sữa học đường", chỉ có quy định về sản phẩm sữa tươi dùng cho chương trình Sữa học đường theo Quyết định 1340/QĐ-TTg.

Quy định sữa tươi cho học đường đã có, sao lại quy chụp Bộ Y tế chưa ban hành?
Quy định sữa tươi cho học đường đã có, sao lại quy chụp Bộ Y tế chưa ban hành?

"Sữa học đường" là tên gọi chương trình / đề án, không phải tên gọi một loại sữa.

Thứ hai, chỉ 2 tháng 20 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chương trình Sữa học đường bằng Quyết định 1340/QĐ-TTg, Bộ Y tế đã ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường.

Theo đó, 4 loại sữa tươi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn quản lý của QCVN 5-1:2010/BYT thì được sử dụng cho chương trình Sữa học đường.

Đây cũng là các sản phẩm sữa tươi đang lưu thông trên thị trường nhiều năm qua, các địa phương tổ chức đấu thầu sản phẩm này cho Chương trình Sữa học đường rất thuận tiện, không có gì ngăn ngại.

Ví dụ điển hình là thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường thành phố rất đơn giản, rõ ràng, đúng quy định và dễ thực hiện:

Nguyên liệu sản xuất sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 (QCVN 01-186:2017/BNNPTNT).

Về thành phần sữa tươi: sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế (QCVN 5-1:2010/BYT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng).

Hà Nội cần dừng ngay việc cho học sinh uống sữa bổ sung trái phép 17 vi chất
Hà Nội cần dừng ngay việc cho học sinh uống sữa bổ sung trái phép 17 vi chất

Thành phố Hồ Chí Minh không đặt vấn đề bổ sung / tăng cường vi chất vào sữa tươi, vì đến thời điểm hiện tại chưa đủ cơ sở khoa học và pháp lý.

Thứ ba, về vấn đề bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường cần phải có nghiên cứu khoa học (bổ sung vi chất nào, hàm lượng bao nhiêu, tình trạng thiếu hụt vi chất ở trẻ em, khả năng hấp thu và chuyển hóa...).

Bộ Y tế chưa quyết định việc bổ sung vi chất và sẽ làm công khai dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, tính thực tiễn, tính khả thi, tính hội nhập...

Cơ sở khoa học của việc bổ sung / tăng cường vi chất vào thực phẩm

Theo ý kiến chuyên gia, muốn bổ sung / tăng cường vi chất vào thực phẩm, phải có điều tra cộng đồng theo các khuyến cáo của WHO, FAO xem có nhóm nguy cơ nào trong một cộng đồng, một khu vực địa lý do thiếu vi chất, mức độ phổ biến của nó.

Sau đó phải có nghiên cứu khoa học xem cần bổ sung vi chất nào và bổ sung vào loại thực phẩm nào.

Khi bổ sung một loại vi chất vào một thực phẩm có làm thay đổi tính chất, phá hủy cấu trúc ban đầu không, có độc không; làm thế nào để sau khi tăng cường vi chất vào thực phẩm, quá trình chế biến làm đồng nhất hóa và vi chất tăng cường trở thành vô hình trong thực phẩm.

Khi bổ sung nhiều vi chất khác nhau vào cùng một loại thực phẩm, các vi chất này có tương tác với nhau, làm biến đổi cấu trúc và tính chất ban đầu hoặc sinh ra các chất mới, các tác dụng không mong muốn với sức khỏe hay không...

Những quan điểm cho rằng bổ sung càng nhiều vi chất càng tốt là rất phản khoa học, có thể để lại hệ lụy vô cùng to lớn và lâu dài với sức khỏe trẻ em.

Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: hanoitv.vn.
Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: hanoitv.vn.

Bất kỳ sản phẩm nào khi đưa vào cơ thể con người nói chung, trẻ em nói riêng cũng phải trên cơ sở nghiên cứu khoa học, phải có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng phục vụ quản lý nhà nước, nếu không sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Hội chứng teo cơ delta ở trẻ em năm 2006 (hội chứng sệ cánh) là một bài học.

Tăng cường vi chất vào thực phẩm cần phải trải qua một quá trình điều tra cộng đồng và nghiên cứu khoa học nghiêm túc và Chính phủ phải ban hành nghị định sau khi các bộ chuyên môn đệ trình kết quả điều tra, nghiên cứu, mới có cơ sở pháp lý triển khai.

Ví dụ ngày 28/1/2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất vào thực phẩm, theo đó bổ sung i ốt vào muối; sắt, kẽm, vitamin A, vitamin B12, Acid folic vào bột mỳ; sắt vào nước mắm; vitamin A vào đường và dầu ăn.

Cơ sở pháp lý của việc bổ sung / tăng cường vi chất vào sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, muốn bổ sung vi chất vào sữa tươi dùng cho chương trình Sữa học đường, Bộ Y tế cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sữa tươi bổ sung vi chất, theo quy định tại:

Đừng gây sức ép vô lý lên Bộ Y tế, làm méo mó Sữa học đường của Chính phủ
Đừng gây sức ép vô lý lên Bộ Y tế, làm méo mó Sữa học đường của Chính phủ

- Khoản 3, Điều 3; Điểm b), Khoản 5, Điều 5; Khoản 1, Điều 10; Khoản 1 và Khoản 2, Điều 13 Luật An toàn thực phẩm (số 55/2010/QH12);

- Khoản 3, Điều 37, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

- Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (luật số 66/2006/QH11) ngày 29/6/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này.

Cụ thể Luật An toàn thực phẩm quy định như sau:

Khoản 3 Điều 3 (Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm):

Quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.

Điểm b), Khoản 5, Điều 5 (Những hành vi bị cấm): Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Khoản 1, Điều 10 (Điều kiện chung về đảm bảo an toàn đối với thực phẩm):

Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Khoản 1 và Khoản 2, Điều 13 - Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng:

1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.

2. Nguyên liệu ban đầu tạo nên thực phẩm phải bảo đảm an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó; các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.

Cho đến hiện tại Bộ Y tế chưa xây dựng được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi bổ sung vi chất thì dựa vào cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý nào để xem xét tăng cường vi chất vào sữa tươi sử dụng cho chương trình Sữa học đường?

Như vậy có thể thấy Nhà nước quản lý rất chặt chẽ về tăng cường vi chất vào thực phẩm với đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và quy trình bắt buộc.

Mọi quyết định tăng cường vi chất vào thực phẩm (như sữa tươi dùng cho chương trình sữa học đường) mà không có cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý có thể dẫn đến nhiều rủi ro với sức khỏe cộng đồng.

Như vậy có thể thấy Bộ Y tế rất thận trọng trong việc xem xét bổ sung vi chất vào sữa tươi sử dụng cho chương trình Sữa học đường. Ngoài cơ sở khoa học, chúng tôi cho rằng Bộ cũng nên lưu ý đến cơ sở pháp lý của việc tăng cường, bổ sung vi chất vào thực phẩm.

Bởi nếu không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo Điều 10 và Điều 13 Luật An toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa tươi tăng cường vi chất, Nhà nước sẽ quản lý và giám sát như thế nào đối với loại sản phẩm này? Khi xảy ra vấn đề gì với sức khỏe cộng đồng, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Hồng Thủy