Trong thời gian thí điểm tự chủ, việc các trường đại học đã chủ động mở ngành và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, phương pháp và nội dung giảng dạy tiếp cận chuẩn quốc tế bước đầu được đánh giá tích cực và được xã hội công nhận.
Những năm gần đây, xuất hiện xu hướng các trường đại học thu hẹp ngành nghề đào tạo hiện có và mở rộng đào tạo sang một số ngành nghề mới.
Tuy nhiên, xu hướng này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, mở ngành chỉ để tạo ra lợi thế tuyển sinh hay đó là sự bắt tay với thị trường lao động của các trường đại học trong xu thế cạnh tranh để tồn tại hiện nay.
Chia sẻ điều này, Phó giáo sư Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, giáo dục đại học vận động không ngừng, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước, do đó gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.
Việc mở ra những ngành nghề đào tạo mới là xu hướng tất yếu để các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng được yêu cầu thay đổi rất nhanh của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, sự ra đời thay đổi cơ cấu ngành nghề trong xã hội sẽ rất quyết liệt nhanh chóng.
Do đó, việc đáp ứng của nhà trường với yêu cầu xã hội, yêu cầu phát triển kinh tế Nhà nước, với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong các ngành nghề, thành phần kinh tế khác nhau của đất nước là xu hướng không tránh khỏi.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Thu Thủy, Việc mở ra những ngành nghề đào tạo mới là xu hướng tất yếu để các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng được yêu cầu thay đổi rất nhanh của thị trường. (Ảnh: Thùy Linh) |
“Các cơ sở giáo dục đại học khi mở ra ngành nghề mới mà không gắn với yêu cầu thị trường, đó mới là vấn đề.
Thứ nhất, không đáp ứng quy định pháp lý về vận hành. Thứ hai, thị trường sẽ có ngay phản ứng với quyết định đó của nhà trường, trước mắt là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sẽ thấp.
Từ đó, đặt ra sự tồn tại của nhà trường, của ngành nghề đó có phù hợp hay không”, bà Thủy nhấn mạnh.
Chia sẻ rõ hơn về việc mở ngành mới, Phó giáo sư Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, đối với nhà trường quy định mở ngành có mấy điểm cần tập trung.
Việt Nam có 2 trường đại học ở tốp 1000 trong bảng xếp hạng đại học thế giới |
Thứ nhất là ý kiến công luận, đặc biệt từ phía cộng đồng doanh nghiệp, là những người sử dụng lao động, mang ý kiến quyết định. Thứ hai, các chương trình đào tạo của các đại học lớn trên thế giới.
Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm, sử dụng ý kiến trong nước, các nhà khoa học trong trường thì năm vừa rồi trường Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra 7 chương trình đào tạo mới, đều là những chương trình mới hoặc đang triển khai tại các trường đại học lớn trong khu vực và trên thế giới.
“Chúng tôi học hỏi bằng cách kết hợp với những trường này. Có những môn học chưa dạy được, thì mời chuyên gia.
Qua những chương trình đào tạo như vậy, chúng ta mới có đội ngũ chuyên gia giỏi. Ngành kinh tế, kinh doanh đòi hỏi sự năng động, sát sao, kịp thời nhiều hơn nhanh hơn, nên buộc phải làm như vậy.
Nếu chúng ta đợi đi đào tạo chuyên gia, giáo viên xong thì hơi muộn. Xu thế tới đây chúng tôi thấy là tăng cường hơn nữa công nghệ vào ngành nghề truyền thống”, thầy Chương nói.
Thầy Chương kỳ vọng, trong tương lai không xa, những sinh viên tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ mang trong mình những dòng máu và kiến thức kỹ năng tốt về công nghệ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh.