Theo kết quả thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến hết năm học 2017-2018 về tình hình sinh viên tốt nghiệp có việc làm của 2 khóa gần nhất trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp mà các cơ sở đào tạo gửi về, cũng như qua kiểm tra ở 23 cơ sở giáo dục đại học trong năm 2018 cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trung bình ở các cơ sở giáo dục đại học đã được cải thiện rõ rệt (năm 2015 và 2016 lần lượt là 86,1% và 87%).
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề và mức thu nhập khá cao đã đóng góp đáng kể trong việc tăng năng suất lao động cũng như mức tăng trưởng GDP trong cả nước.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thống kê hàng quý về tỷ lệ có việc làm của lao động có trình độ đại học trong toàn xã hội: tổng số lao động có trình độ đại học hơn 5 triệu, trong đó, số lao động không có việc làm khoảng trên dưới 200 ngàn.
Như vậy, tỷ lệ lao động thất nghiệp trình độ đại học khoảng trên dưới 4% (tỷ lệ việc làm của người có trình độ đại học đạt khoảng 95-97%).
Thầy Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thừa nhận hiện nay nhiều học sinh giỏi, tốt nghiệp bằng đỏ nhưng không có “ô” nên vẫn thất nghiệp (Ảnh: Trinh Phúc) |
Trao đổi với phóng viên ngày 17/8, Giáo sư Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, công bằng mà nói, chúng ta cần nhìn nhận từ 2 phía, không thể chỉ từ phía nhà trường mà còn từ xã hội, thể chế kinh tế của nước ta.
“Người ta phê bình rất nhiều giáo dục đại học đào tạo ra những cử nhân không xin được việc, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của thị trường. Điều này đúng nhưng chỉ đủ một phần.
Tôi nhìn từ góc độ nền kinh tế, xã hội của chúng ta thấy đầy sự bất công, khiếm khuyết, khi mà xã hội đánh giá con người chưa thực sự dựa vào năng lực thì các trường đại học không thể nào đáp ứng được một con người cho xã hội mà vẫn còn nhiều bất cập như vậy.
Sinh viên của chúng tôi rất nhiều em giỏi, tốt nghiệp bằng đỏ nhưng vì các em không có quan hệ, không có kinh tế, không có cái “ô” nào nên không xin được việc.
Những sinh viên này tác động mạnh mẽ đến các em khác, tại sao phải học giỏi, tại sao phải rèn luyện nhiều trong khi các bạn khác không rèn luyện, không học tập vẫn có công ăn việc làm.
Trong khi đó, có một thực tế là nhiều sinh viên không giỏi nhưng do lý do a, b, c nào đó, có thể là con ông cháu cha, có quan hệ nên vẫn xin được việc, chiếm chỗ của những người giỏi dẫn tới rất nhiều sinh viên giỏi không xin được việc làm.
Rõ ràng hiện vẫn còn tồn tại sự không bình đẳng, sự bất công trong tuyển dụng: Giáo dục đại học đã và đang nỗ lực đào tạo ra những người giỏi, con người tốt, nhưng nghịch lý là người giỏi, người tốt cơ hội việc làm lại không tốt”- Giáo sư Phạm Quang Minh thẳng thắn nhìn nhận.
Mỗi năm 200 nghìn cử nhân thất nghiệp, có nguyên nhân mở trường tràn lan |
Cũng theo Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, con số 200.000 cử nhân đại học thất nghiệp còn liên quan đến nhận thức của toàn xã hội, về việc coi trọng bằng cấp, khoa cử.
“Nhiều người vẫn có quan niệm phải học đại học mới có việc, hay chỉ làm ở cơ quan nhà nước mới gọi là có việc, mới ổn định.
Theo thống kê của chúng tôi, phần lớn sinh viên hiện nay ra trường không làm việc ở cơ quan nhà nước, mà làm ở khu vực tư nhân, liên doanh liên kết rất nhiều. Các em vẫn thành công, kể cả những học sinh không vào đại học”- ông Minh chia sẻ.