Đừng để phụ huynh ngán ngại khi đi họp phụ huynh đầu năm cho con mình!

09/09/2019 06:07
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Ai giám sát, ai giữ tiền vận động, ai mua sắm…là câu hỏi mà phụ huynh cần phải được đặt ra khi được nhà trường vận động xã hội hóa giáo dục.

Đầu năm học, việc tổ chức họp phụ huynh ở các nhà trường đã như là một tiền lệ. Họp để nhà trường thông báo những kế hoạch dạy học, giờ giấc buổi học, nội quy của nhà trường. Họp để nhà trường cùng phụ huynh ngồi lại với nhau bàn về những biện pháp phối hợp trong việc quản lý và giáo dục học sinh được tốt nhất.

Đồng thời, nhà trường cũng muốn lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của phụ huynh để đưa ra những kế hoạch dạy học cho nhà trường được hoàn thiện hơn.

Thế nhưng, nhiều trường học bây giờ tổ chức họp phụ huynh đầu năm chỉ xoay quanh chuyện công bố các khoản thu của học sinh; vận động đóng góp, ủng hộ tiền cho nhà trường khiến cho phụ huynh ngán ngại khi tham dự.

Buổi họp phụ huynh của nhiều trường học chỉ xoáy sâu vào chuyện đóng góp đầu năm (Ảnh: congannghean.vn)

Buổi họp phụ huynh của nhiều trường học chỉ xoáy sâu vào chuyện đóng góp đầu năm

(Ảnh: congannghean.vn)

Vẫn biết, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc cấp kinh phí cho các nhà trường hàng năm được tính toán khá cẩn thận nên kinh phí hoạt động của nhà trường không dư dả gì.

Tuy nhiên, số kinh phí ấy cũng không phải là quá thiếu thốn bởi nó vẫn luôn đảm bảo 80% kinh phí chi thường xuyên và 20% còn lại chi không thường xuyên.

Điều này có nghĩa 20% kinh phí ấy cũng sẽ đảm bảo cho các hoạt động giáo dục, các phong trào của nhà trường và đầu tư sửa chữa, mua sắm những trang thiết bị cần thiết nhất.

Thế nhưng, nhiều hiệu trưởng nhà trường bây giờ vẫn nghĩ ra trăm phương ngàn kế để vận động phụ huynh đóng góp cho nhà trường.

Phụ huynh không phải là tiếc tiền đầu tư cho con mình, không phải là không có điều kiện để đóng góp một số tiền vài trăm hay vài triệu đồng để con mình được học tập ở môi trường đủ đầy và tốt hơn.

Nhưng, đừng làm tiền phụ huynh một cách trắng trợn quá. Hiệu trưởng cũng cần phải nên nhớ rằng có những phụ huynh có điều kiện nhưng cũng nhiều phụ huynh còn khó khăn lắm. Việc vận động phải có kế hoạch cụ thể, tránh cào bằng, tránh vận động tự nguyện theo kiểu khoán chỉ tiêu cho từng giáo viên chủ nhiệm.

Chẳng hạn ngày nay các trường đều muốn trang bị mỗi lớp học 1 chiếc ti vi lớn để giáo viên giảng dạy công nghệ thông tin và thường là vận động xã hội hóa để mua.

Đừng để phụ huynh ngán ngại khi đi họp phụ huynh đầu năm cho con mình! ảnh 2Bài ca năm tháng tiền trường, mỗi năm lại có thêm nhiều khoản thu mới

Thực tế, chiếc ti vi sử dụng tốt bây giờ có giá khoảng trên dưới 20 triệu đồng. Trong khi mỗi phòng học thường có 2 lớp thì chia ra nó không phải là quá lớn, không thể đóng góp được.

Tuy nhiên, tại sao những chiếc ti vi thường xuyên được thay mới? Bởi, sau năm học thì nhà trường không có kế hoạch bảo vệ cẩn thận. Suốt mấy tháng hè bỏ trên lớp không che đậy nên bị ẩm mốc, bị hư hỏng.

Khi hư hỏng thì không sửa chữa mà đem thanh lý để mua cái mới. Năm này mua xong, năm khác lại mua. Năm nào phụ huynh cũng đóng góp để mua ti vi liệu có phù hợp không?

Sức dân có hạn, vận động một lần phụ huynh có thể không có ý kiến. Suốt cấp học có nhiều lần vận động chắc chắn phụ huynh phải lăn tăn, nghi hoặc…! Mà đâu chỉ có chiếc ti vi phục vụ cho việc dạy công nghệ thông tin, còn nhiều thứ vận động phụ huynh học sinh đóng lắm.

Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng nhưng nhà trường đừng làm…tù mù

Hiện các văn bản của Nhà nước và Bộ Giáo dục cho phép các trường học được nhận tài trợ, vận động xã hội hóa giáo dục. Đây là chủ trương đúng đắn bởi khi ngân sách các địa phương còn eo hẹp nên ngành giáo dục rất cần sự chung tay của xã hội.

Nhất là hiện nay cũng có rất nhiều những “tấm lòng vàng” từ các tổ chức, cá nhân muốn chung tay đóng góp cho ngành giáo dục. Chính vì thế, Bộ Giáo dục đã có những hướng dẫn khoản nào có thể vận động xã hội hóa, khoản nào không được vận động xã hội hóa.

Chẳng hạn như Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục ban hành ngày 03 tháng 8 năm 2018 đã quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cũng đã nói rất kỹ về vấn đề tài trợ và nhận tài trợ.

Tuy nhiên, thực tế một số hiệu trưởng nhà trường đã lợi dụng chủ trương xã hội hóa giáo dục để kêu gọi tài trợ và nhiều khi chi tiêu chưa minh bạch, rõ ràng. Thời gian qua, chúng ta cũng đã thấy một số hiệu trưởng bị kỷ luật, bị truy tố và kết án tù cũng từ việc vận động tù mù và chi tiêu không minh bạch.

Đừng để phụ huynh ngán ngại khi đi họp phụ huynh đầu năm cho con mình! ảnh 3Khi câu chuyện đầu năm học vẫn chỉ là… tiền!

Họ không đưa ra kế hoạch cụ thể, nhiều khi chỉ là chủ trương miệng rồi rào trước, đón sau là “tự nguyện”, “tùy vào tấm lòng hảo tâm” của phụ huynh.

Thu được bao nhiêu phụ huynh không biết, mua sắm cái gì phụ huynh chẳng hay. Hiệu trưởng không dám làm kế hoạch cụ thể bởi họ sợ phụ huynh đưa lên mạng xã hội hoặc phản ánh với báo chí.

Năm nay vận động được thì năm tới tiếp tục làm. Và, năm nào cũng thấy nhà trường nêu lên những khó khăn sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của đơn vị. Những lý do được xem là “chính đáng” này đã và đang đánh vào tâm lý của nhiều phụ huynh học sinh.

Phụ huynh phải đồng lòng để tránh lạm thu

Việc vận động nhiều khoản tiền của nhà trường thành công hiện nay có một phần đóng góp của một số phụ huynh khá giả. Nhiều người chưa cần biết những khoản vận động đó sẽ được thực hiện như thế nào nhưng họ đã xung phong đóng góp.

Việc làm đó cũng rất đáng biểu dương nhưng phụ huynh cũng cần thiết tìm hiểu xem đồng tiền của mình có đến được địa chỉ cần thiết hay không? Con em mình có được thụ hưởng hay không?

Nhà trường thu tiền xã hội hóa có thực sự là để đầu tư cho những việc mà nhà trường nêu lên trong lúc vận động không? Ai giám sát, ai giữ tiền vận động, ai mua sắm…là câu hỏi mà phụ huynh cần phải được đặt ra khi được nhà trường vận động xã hội hóa giáo dục.

Hơn lúc nào hết, phụ huynh cần tỉnh táo và cần sự minh bạch từ các khoản vận động xã hội hóa của nhà trường. Phụ huynh cũng rất cần đội ngũ giáo viên trong hội đồng nhà trường lên tiếng khi hiệu trưởng triển khai việc vận động xã hội hóa giáo dục.

Cái nào không phù hợp, giáo viên cần lên tiếng để tránh nỗi vất vả cho mình mà cũng tránh được nỗi vất vả cho phụ huynh bởi họ thường dự họp trong tâm thế bị động và đa phần các phụ huynh trong lớp không biết nhau nên không có sự bàn bạc, thống nhất. Nhà trường nói sao thì họ chỉ biết chấp hành và làm theo.

Đừng để những buổi họp phụ huynh trở thành nỗi ám ảnh bởi chữ tiền như nó đang tồn tại trong nhiều trường phổ thông hiện nay. Mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường thì việc dạy dỗ, định hướng cho học sinh phải là sợi dây quan trọng nhất...

NGUYỄN CAO