Thông tư 16 đã tác động mạnh đến lạm thu, từ nay muốn "ăn" cũng khó

23/09/2018 07:10
Phan Tuyết
(GDVN) - Việc ra đời Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT nhằm tránh cho các cơ sở giáo dục lợi dụng hoạt động tài trợ để thu tiền phụ huynh học sinh dưới dạng ép buộc, cào bằng.

LTS: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học.

Đặt ra câu hỏi "Liệu Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT có ngăn được lạm thu", cô Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước tình hình lạm thu vẫn bùng phát tại nhiều trường học trong cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, hình thức, làm rõ quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ trong các cơ sở giáo dục.

Việc ra đời của Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT nhằm tránh cho các cơ sở giáo dục lợi dụng hoạt động tài trợ để thu tiền của phụ huynh học sinh dưới dạng ép buộc, cào bằng như hiện nay.

Cần ngăn chặn tình trạng lạm thu tiền trường (Ảnh minh họa: plo.vn).
Cần ngăn chặn tình trạng lạm thu tiền trường (Ảnh minh họa: plo.vn).

Liệu những nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo có ngăn chặn được tình trạng thu tiền núp bóng tự nguyện đã và đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng?

Những nét mới của Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT

Thông tư này quy định rõ quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ mà không thả nổi cho các trường tự vận động, tự thu như hiện nay.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục muốn được tài trợ phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ trình Sở giáo dục hoặc Phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt trước khi thực hiện.

Sở giáo dục và Phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm thẩm định phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ sở giáo dục.

Trường hợp phát hiện kế hoạch vận động tài trợ không đúng quy trình, quy định và không công khai minh bạch thì phải yêu cầu cơ sở giáo dục dừng triển khai kế hoạch vận động tài trợ.

Quy định rõ các khoản được phép vận động, các cơ sở giáo dục chỉ được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ trong các trường hợp trang bị các thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

Thông tư 16 đã tác động mạnh đến lạm thu, từ nay muốn "ăn" cũng khó ảnh 2Tránh lạm thu, Bộ thay Thông tư mới

Đồng thời, thông tư cũng quy định các cơ sở giáo dục không được vận động tài trợ để chi trả các khoản liên quan đến cán bộ giáo viên nhà trường.

Một điểm khác biệt so với những quy định cũ là quy định việc tiếp nhận tài trợ phải thông qua tổ tiếp nhận tài trợ gồm một số đại diện của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường.

Thông tư còn nêu rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan như thủ trưởng đơn vị, chính quyền địa phương, Sở giáo dục và đào tạo, Phòng giáo dục và đào tạo đều có trách nhiệm liên quan.

Riêng Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ đóng vai trò phối hợp, giám sát việc quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục không trực tiếp đứng ra tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục, đồng thời các khoản tài trợ phải được phản ánh trên sổ sách kế toán của đơn vị.

Liệu có ngăn chặn được lạm thu?

Có thể nói sự ra đời của Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT đã có tác động khá lớn đến việc triển khai công tác thu ở nhiều địa phương hiện nay.

Do Thông tư có quy định rõ trách nhiệm của nhiều cấp liên quan (như người đứng đầu cơ sở giáo dục, Phòng, Sở giáo dục…) nên sẽ hạn chế kiểu thả lơ cho nhà trường coi như không biết, không hay và khi xảy ra sự việc lại đùn đẩy trách nhiệm như một số địa phương trong thời gian qua.

Hiện có một số tỉnh thành cụ thể nhất là tỉnh Phú Thọ (một số trường học nơi đây đang bị tố vì lạm thu) đã nhận chỉ đạo của cấp trên ngừng triển khai thu các khoản đóng góp cào bằng từ phụ huynh.

Nhiều trường học rồi đây sẽ không thể lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh để tự đặt ra các khoản thu một cách áp đặt, cào bằng núp bóng là tự nguyện gây bức xúc dư luận như trong thời gian vừa qua.

Thông tư 16 đã tác động mạnh đến lạm thu, từ nay muốn "ăn" cũng khó ảnh 3Phú Thọ tức tốc dừng vận động tài trợ chờ hướng dẫn Thông tư 16

Không phủ nhận những hiệu ứng tốt từ sự ra đời của Thông tư 16, bên cạnh những điểm mới tích cực, chặt chẽ hơn, nhiều người quan tâm đến giáo dục vẫn có một số điều băn khoăn. Nếu là lạm thu có sự “chỉ đạo” từ cấp trên thì sao?

Trong thực tế, không ít trường học lại xảy ra lạm thu “chỉ đạo” từ cấp trên. Nhà trường vẫn làm tờ trình xin Ủy ban nhân dân xã làm tờ trình xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện…thế là một số khoản học sinh phải đóng góp đã được duyệt.

Có tờ kí duyệt trong tay, chẳng khác nào “bảo bối” nên những trường học này cứ tự nhiên, thoải mái tiến hành thu.

Những khoản thu có chỉ đạo này không hề nhỏ, mức thu từ vài trăm đến cả triệu đồng.

Nếu dân phản ứng đưa đơn về phường, về Ủy ban thì những đơn thư kiểu này chỉ được nghe lời giải trình “đã được cấp trên cho phép thu, nhà trường không tự ý”. Và như thế lạm thu vẫn không thể chấm dứt.

Thông tư sẽ là cơ sở pháp lý để ngăn chặn và xử phạt người làm sai khi có sự việc xảy ra. Nhưng, lương tâm của những người làm giáo dục (cụ thể là người đứng đầu cơ sở giáo dục) vẫn là quan trọng nhất.

Người lãnh đạo có cái tâm trong sáng, biết thấu hiểu, cảm thông với những gia đình nghèo khó, biết chi tiêu những đồng tiền ngân quỹ một cách hợp lý mới không “vẽ” ra những khoản thu trên trời để huy động phụ huynh đóng góp.

Có được những người lãnh đạo như thế thì chắc chắn chuyện lạm thu ở trường học sẽ biến mất một cách hoàn toàn. 

Phan Tuyết