Điểm trường Huổi Lụ 1 (xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) nằm trên phần đất có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác nên việc đi học của học sinh ở vùng sâu, vùng xa cũng bị ảnh hưởng.
Trên mỏm đất cạnh suối Nậm Chua, một lớp học ghép với hơn chục đứa trẻ người dân tộc Mông trong độ tuổi Tiểu học ê a theo tiếng thầy giáo, thầy cần mẫn chỉ bảo từng nét chữ, từng cách phát âm cho chúng, sau giờ học, chúng về với bố mẹ, còn lại mình thầy với…một mình.
Thầy giáo Thào A Sình (Sinh năm 1992), người dân tộc Mông, giáo viên tại điểm bản Huổi Lụ 1, trường Phổ thông bán trú Tiểu học Nà Khoa ngày ngày vẫn bắt đầu công việc gieo chữ trong thung lũng như thế.
Bên trong lớp học của thầy giáo Thào A Sình. (Ảnh: LC) |
Tuy là, một mình một điểm trường, theo quan sát của chúng tôi, lớp học của thầy Sình cũng được trang trí rất đầy đủ các dụng cụ, tranh ảnh học tập... mọi thứ đều rất tinh tươm.
Tâm sự với chúng tôi, thầy Sình cho biết, ngay từ ngày nhỏ, nhà đông anh chị em, mẹ mất sớm, bố đi bước nữa, thầy Sình bảo, tự thầy lớn lên như cây cỏ nhưng trong thầy vẫn nuôi ước vọng làm thầy giáo để dạy chữ cho người Mông mình đỡ khổ.
Xót lòng tiếng khóc khát sữa của những em bé theo chị đi học |
Bởi khi lý giải về việc chọn nghề làm thầy của mình, thầy giáo Thào A Sình chia sẻ rất ngắn gọn: “Ngày xưa em đi học sư phạm cũng xác định là sẽ mang chữ về bản. Trẻ con dân tộc nó biết chữ sẽ dễ kiếm ăn hơn bố mẹ chúng ngày xưa”.
Đến nay, thầy Sình công tác được 7 năm và phần lớn thời gian đó là những ngày cắm bản, gieo chữ ở những nơi vùng khó.
Trước khi dạy ở Huổi Lụ, thầy Sình dạy tại điểm Nậm Nhừ Con, điểm xa và rất khó khăn của trường Nà Khoa.
“Nói chung em nghĩ mình giờ còn trẻ nên cứ đi được điểm khó nào là sẵn sàng đi thôi. Dạy ở đâu cũng là phục vụ nhân dân, phục vụ đồng bào mình”, thầy Sình nói về cái nghề dạy học, nói vui là “đi bản chuyên nghiệp” của mình.
Đã chọn rồi nên gắn bó với nghề thôi anh ạ.
Giữa điểm bản sâu, lớp ghép của thầy giáo Sình cũng tương đối đủ đầy dụng cụ học tập. (Ảnh: LC) |
Thầy cũng tự nhận mình là giáo viên có nhiều thuận lợi hơn các giáo viên khác khi thầy Sình là người sinh ra và lớn lên tại xã Huổi Đáp, huyện Nậm Pồ.
Bên cạnh đó, vì cùng là người dân tộc Mông nên trong quá trình giảng dạy, việc giao lưu với phụ huynh, học sinh cũng dễ dàng hơn so với giáo viên vùng xuôi lên.
Trong quá trình dạy, học sinh không hiểu mình có thể dạy song ngữ được.
Tuy vậy, cũng có rất nhiều khó khăn khi học sinh ở những vùng khó, điều kiện tiếp xúc với bên ngoài cũng có nhiều hạn chế.
Giáo viên cắm bản thì việc gì cũng phải biết làm vì học trò vùng cao còn non nớt, khờ khạo lắm.
Nhiều cháu cầm thìa còn chưa thạo cho nên các thầy, cô dạy chữ còn dạy cả cách sinh hoạt, ăn mặc hằng ngày.
Được cái là học sinh vùng cao có tính tự lập cao nên cũng dễ dạy bảo.
Cô giáo ‘siêu nhân’ ở Nộc Cốc |
Bên cạnh đó, việc dạy học trong mùa giáp hạt thiếu đói; mùa khô, mùa đông lạnh giá, gia đình các em gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống đã khiến một phần bước đường tới trường của các em thêm gập ghềnh, khó khăn.
Đối với bản thân em thì khó khăn thì vẫn là đường đi lại là chủ yếu. Mùa vận động học sinh đến lớp gặp rất nhiều khó khăn”, thầy giáo Sình chia sẻ.
Cũng theo thầy Sình thì bây giờ cũng đã có nhiều thuận lợi hơn rồi khi phụ huynh cũng đã có ý thức hơn trong việc cho con đến lớp, đến trường như vậy cũng giúp phần nào cho giáo viên cắm bản.
“Với phụ huynh người dân tộc Mông, họ không khó lắm đâu, quan trọng là mình phải nói cho người ta hiểu, người ta hiểu rồi thì người ta cũng nghe lời và theo ngay.
Nếu không biết nói với họ thì họ chẳng nghe bao giờ cả”, thầy Sình nói về việc đi vận động học sinh.
Hiện ở Huổi Lụ 1, thầy Sình đang đứng 2 lớp 1 và 2, cả hai học lớp ghép.
Lớp học ghép của thầy giáo Thào A Sùng trong điểm bản Huổi Lụ 1 |
Trời cũng quá về trưa, hỏi thầy bữa trưa thầy ăn gì, thầy chỉ cười với nắm rau ban và vài con cá khô là qua bữa…
Cả hai vợ chồng cùng làm giáo viên, tuy vậy, cũng như rất nhiều những cặp vợ chồng cán bộ giáo viên ở vùng cao này, vợ chồng thầy giáo người Mông này cũng gặp cảnh ‘ngưu lang, chức nữ’ khi vợ thầy Sình dạy ở Mầm non Vàng Đán.
Tuy cùng 1 huyện nhưng cách nhau cũng hàng chục kilomet đường núi, cách vài tuần họ mới có dịp gặp nhau.
Nói về việc xa vợ, thầy Sình chỉ cười, mãi rồi cũng thành quen anh ạ.
Cũng như bao thế hệ thầy cô giáo vùng cao, cắm bản khác, với thầy Sình, kết quả lớn nhất trong 7 năm làm nghề của mình đó là sự trưởng thành của các thế hệ học trò, giúp các em có tri thức để sau này kiến tạo cho mình một cuộc sống đỡ khổ hơn bố mẹ chúng.
Và như thầy Sình nói, đã chọn nghề giáo vùng cao rồi thì khổ mấy, khổ nữa thầy vẫn chịu được.
Từ ngày chọn nghề giáo, chưa một lần nào trong đầu thầy Sình nghĩ đến việc bỏ trường, bỏ nghề, bỏ lớp dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.