Chỉ mới học tiểu học nhưng không ít em nhỏ tại Trường tiểu học Nậm Chày đã phải chăm sóc em, lo cho em từng miếng ăn, giấc ngủ và ngày ngày cùng anh chị đến trường.
Những hình ảnh đầy xót xa ấy vẫn diễn ra trong lớp học ở nơi đặc biệt khó khăn như xã Nậm Chày (Văn Bàn, Lào Cai).
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được chia sẻ của thầy giáo Triệu Quí Toàn, giáo viên Trường tiểu học Nậm Chày (Văn Bàn, Lào Cai) về những hình ảnh đầy xót xa vẫn xảy ra trong lớp học của trường.
Xót xa trước cảnh hành trang đến lớp của các cô cậu học trò của mình kèm theo một đứa em, thầy Toàn đã quay lại đoạn clip đăng tải lên mạng xã hội Facebook.
Để có thể đi học, Vàng Thị Hóa phải đưa cả em đến lớp. (Ảnh cắt từ clip) |
Ngay sau khi đăng tải clip này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng, rất nhiều người đã bày tỏ sự xót xa cho những em nhỏ vùng khó khăn đang ngày ngày vừa học chữ vừa trông em ngay trên lớp học.
Trong clip thầy Toàn ghi lại, cô học trò của thầy tuy bé xíu nhưng vẫn vừa viết bài vừa phải dỗ em. Em càng quấy khóc, chị càng không thể ngồi yên học bài.
Cô bé ôm em vào lòng cũng không làm nguôi tiếng khóc. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của bạn ngồi cạnh, cô bé xốc em lên, buộc trên lưng để địu.
Càng xót xa hơn tiếng khóc của em nhỏ không phải là trường hợp duy nhất học sinh phải mang em đến lớp. Trong lớp học mà thầy Toàn ghi lại, nhiều học sinh cũng phải mang em đi học cùng để trông nom thay cha mẹ.
Thầy Triệu Quí Toàn cho biết, bé gái phải dỗ em trong clip là em Vàng Thị Hóa, học sinh lớp 5 tại điểm trường Hỏm Trên của Trường tiểu học Nậm Chày.
Tiếng khóc xé lòng của em nhỏ theo chị đến lớp tại Nậm Chày. (Clip do thầy giáo Triệu Quí Toàn ghi lại) |
Vàng Thị Hóa chỉ là một trong rất nhiều em học sinh khác có hoàn cảnh tương tự ở Hỏm Trên. Các thầy cô giáo ở điểm trường đều phải chấp nhận hoàn cảnh “éo le” như vậy bởi nếu để em ở nhà thì chị cũng phải nghỉ để trông em.
Gia đình Hóa có 5 chị em, trên Hóa có 1 chị đã học cấp 2 nên không thể đưa em đi học theo được, Hóa phải trông. Sang năm Hóa lên lớp 6, đứa em chưa đầy 1 tuổi của Hóa có thể sẽ được giao lại cho em kế tiếp của mình.
“Những đứa trẻ ở vùng khó khăn như Hỏm Trên đều lớn lên theo cảnh “trứng gà, trứng vịt” nuôi nhau. Bố mẹ chúng phải vào nương thảo quả mất nhiều ngày mới về, nên các em phải tự trông nhau.
Nhìn mà thương... Phải chịu thôi chứ biết làm thế nào. Khóc quá cho đứa em ra ngoài một tí rồi lại vào... Trên này nhiều cái vất vả, đây chỉ là góc nhỏ thôi", thầy giáo Toàn cho biết.
Giờ cơm bán trú của học sinh trường Tiểu học Nậm Chảy. Giờ cơm, các em vẫn ăn trong lớp học, một số em chọn cách ra ngoài ăn cho vui. Bàn ăn nằm trong khu vui chơi của trường, trong vất vả, khó khăn, các em vẫn chọn cho mình những niềm vui nho nhỏ như thế. (Ảnh: Thầy giáo Triệu Quí Toàn) |
Được biết, xã Nậm Chày là địa phương đứng trong tốp đầu của huyện Văn Bàn và cũng là của tỉnh Lào Cai về tỷ lệ hộ nghèo với trên 60 %.
Là xã nghèo, dân trí thấp, tỷ lệ sinh cao lại dày nên những hình ảnh đầy xót xa như vậy là hình ảnh quen thuộc trên các lớp học.
Thầy giáo Sầm Văn Tuyến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nậm Chày cho biết, tại Nậm Chày, khó khăn trong các lớp học có tiếng khóc của con trẻ chỉ là một góc nhỏ so với những vất vả của thầy và trò Nậm Chày.
Mùa mưa, sạt lở, mùa lạnh… thiên nhiên khắc nghiệt nhiều lúc nhìn các trò đến lớp trong hoàn cảnh thiếu thốn mà rơi nước mắt.
Mỗi ngày đến trường, đến lớp của thầy và trò tại Nậm Chày nói chung và các điểm trường nói riêng là những ngày đấu tranh với gian khó để đến với cái chữ, thầy Tuyến chia sẻ.
Không như thành thị, trong những lớp học vùng cao của thầy Tuyến, thầy Quí Toàn mong ước học sinh chỉ đơn giản là có một chỗ ngồi yên ổn, các em ngoan để chị học bài. Thế là hạnh phúc rồi.
Một số hình ảnh được các thầy cô giáo tại Trường tiểu học Nậm Chày ghi lại:
"Một ba lô chữ dành cho các em, đợi thày nhé". Dòng trạng thái của thầy giáo Triệu Quí Toàn. |
Có những ngày thầy cô mất cả đường đến trường. |
Mưa gió không ngăn được thầy cô đến lớp. Ở đó còn khó khăn nhưng học sinh vẫn đang chờ. |
Lễ khai giảng được tổ chức ở điểm trường, có không ít học sinh phải địu theo đi khai giảng. Em ngồi ghế, còn chị ngồi đất. |