Có mặt trong top 1000 của THE là kết quả đến sớm hơn kỳ vọng

13/09/2019 07:00
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội thực sự vui mừng vì ngày càng có nhiều trường đại học của Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế.

LTS: Ngày 11/9/2019, Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới mới nhất (World University Rankings 2020) trong sự kiện hội nghị thượng đỉnh về học thuật của THE tổ chức tại Zurich (Thụy Sỹ).

Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được THE công bố thứ hạng cùng với gần 1.400 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.

Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 801-1000 thế giới; tiếp theo là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong nhóm 1000+.

Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.

Trước vinh dự lớn của giáo dục đại học Việt Nam, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội để lắng nghe chia sẻ của ông. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả cuộc trao đổi này. 


Phóng viên: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học danh tiếng ở Việt Nam, các năm gần đây trường có mặt trong nhiều bảng xếp hạng khu vực và quốc tế.  Khi là một trong hai đại học của Việt Nam lọt top 1.000 đại học của bảng xếp hạng THE thì thầy có bất ngờ không, có xem đó là thành công không? 

Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn:
Tôi thực sự vui mừng vì ngày càng có nhiều trường đại học của Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế chứ tôi không bất ngờ về kết quả này. 

Bởi lẽ, Đại học Bách khoa Hà Nội đang làm rất tốt công việc của mình từ trước đến nay trong việc khẳng định chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu cũng như những đóng góp cho xã hội, đất nước. 

Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội thực sự vui mừng vì ngày càng có nhiều trường đại học của Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế. (Ảnh: Thùy Linh)
Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội thực sự vui mừng vì ngày càng có nhiều trường đại học của Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế. (Ảnh: Thùy Linh)

Gần đây, chúng tôi lưu tâm đến một số bảng xếp hạng của các tổ chức thế giới bởi nếu trường nào cũng đứng ngoài cuộc chơi thì khi có bảng xếp hạng quốc tế công bố, người dân trong nước lại thấy tại sao trường đại học Việt Nam lại không có tên trong bảng xếp hạng này. 

Do đó, đầu năm 2019, chúng tôi tham gia đăng ký vào bảng xếp hạng của THE đó và tin tưởng rằng sớm hay muộn nhà trường cũng được đánh giá đúng, và hôm nay chúng tôi thực sự vui là kết quả đó đến sớm hơn kỳ vọng. 

Tuy nhiên chúng tôi không phấn khích quá bởi vị trí xếp hạng vẫn thấp, và đây chỉ là một trong những chỉ số "đo lường" về hoạt động của các cơ sở đào tạo đại học, cần phải nỗ lực rất nhiều hơn nữa. 

Theo thầy, các trường đại học Việt Nam muốn được quốc tế thừa nhận thì cần phải làm gì? 

Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn:
Thực ra, không phải chỉ khi nào được xếp hạng trong bảng xếp hạng quốc tế thì cơ sở giáo dục đại học đó mới được các trường đại học quốc tế công nhận. 

Dẫn chứng là, trước kia khi Đại học Bách khoa Hà Nội chưa nằm trong bảng xếp hạng Times Higher Education thì Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn hợp tác với nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới và được họ công nhận bằng tốt nghiệp của nhà trường. 

Thực tế cho thấy, các bảng xếp hạng quốc tế hầu hết phù hợp với các trường theo định hướng nghiên cứu nên trường nào theo định hướng nghiên cứu thì mới nên và cần quan tâm bởi việc tham gia cuộc chơi cũng để biết mình mạnh điểm nào cần phát huy, điểm yếu nào cần khắc phục.

Được xếp hạng đồng nghĩa với việc được nhiều trường đại học trên thế giới thừa nhận hơn thì rõ ràng ảnh hưởng, uy tín sẽ được nâng lên. 

Tuy nhiên, không phải cơ sở giáo dục đại học nào cũng nên tham gia vào các bảng xếp hạng bởi đây là cuộc đua rất tốn kém. 

Nếu chỉ ra điểm nghẽn khiến đại học Việt Nam khó thể cất cánh nhanh và hội nhập quốc tế thì theo thầy đó là vấn đề gì?

Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn: 
Theo tôi, có 3 yếu tố quyết định chất lượng giáo dục đại học mà chúng ta còn có những điểm nghẽn.
 
Thứ nhất, đó là nguồn lực về con người. Hiện nay, năng lực đội ngũ, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ khá thấp. 

Thành tích của cán bộ nghiên cứu còn rất thấp, trong khi muốn giảng dạy giỏi ở bậc đại học và sau đại học thì năng lực nghiên cứu phải tốt.

Bí quyết nào giúp Đại học Tôn Đức Thắng có nhiều bài báo khoa học ISI?

 
Chúng ta đã gửi sinh viên đi làm nghiên cứu sinh, làm tiến sĩ ở nước ngoài rất nhiều nhưng chưa thu hút được về nhiều. Và việc phát triển đào tạo tiến sĩ trong nước chưa được quan tâm nhiều. 

Thứ hai, cơ chế tự chủ so với một số năm trước đây đã thông thoáng hơn rất nhiều dù vẫn còn một số điểm nghẽn về luật pháp chưa được đồng bộ. 

Thứ ba, đầu tư ngân sách nhà nước cho cả hệ thống giáo dục đại học của nước ta, đặc biệt ở các trường đại học định hướng nghiên cứu thấp hơn nhiều so với chuẩn chung của khu vực và thế giới. 

Nhìn bảng xếp hạng THE cho thấy, các trường nằm trong top 500 thế giới có ngân sách hoạt động hàng năm thông thường dao động từ 500 triệu tới 1 tỷ USD.

Còn tại Việt Nam, tổng kinh phí hoạt động và đầu tư của một trường quy mô lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội chưa được 1.000 tỷ đồng/năm. 

Những con số này cho thấy, trong cuộc chơi thiếu cân sức như vậy chúng ta khó có thể tiến xa hơn. Được vào bảng xếp hạng rất vui nhưng để bước tiến xa hơn, ngang tầm khu vực, thế giới thì còn là quãng đường rất dài vì cuối cùng để thu hút nhân tài cũng phải có cơ sở vật chất, môi trường làm việc tốt và chế độ đãi ngộ tương xứng. 

Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 40 hạng trên bảng xếp hạng đại học quốc tế

Nếu không có nguồn kinh phí dồi dào làm sao đầu tư được môi trường làm việc, môi trường nghiên cứu tốt và mức lương không thỏa đáng thì sao thu hút và giữ được người tài. 

Bởi lẽ cuộc chơi không chỉ giữa các trường đại học trong nước với nhau mà còn là giữa trường đại học với các doanh nghiệp và các trường đại học ở nước ngoài trả lương cao hơn rất nhiều. 

Chúng ta thường nghĩ nước ta thu nhập còn thấp nên không thể có chế độ lương cao cho các nhà khoa học. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp lớn đều phải cạnh tranh nguồn nhân lực trình độ cao, cạnh tranh nhân tài một cách sòng phẳng, nếu chế độ đãi ngộ thấp thì các nhà khoa học giỏi sẽ ra nước ngoài làm việc. 

Đây thực sự là cạnh tranh toàn cầu do đó nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ để đầu tư tập trung cho các trường đại học có uy tín nhằm thu hút được nhân tài, không chỉ người Việt ở nước ngoài mà cả người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, chỉ có như vậy mới giúp các trường nhanh chóng tiếp cận với đẳng cấp của các trường tiên tiến trên thế giới, tăng cường năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế đất nước ta. 

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn. 

Thùy Linh (ghi)