Học phí phải do nhà trường quyết định

12/09/2019 06:52
Thùy Linh
(GDVN) - Việc quyết định học phí là yếu tố rất quan trọng, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo nhưng cũng bảo đảm hướng tiếp cận học đại học của người học.

Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị giáo dục đại học công lập là phù hợp với chủ trương, đường lối mở cửa hội nhập của Đảng và Nhà nước ta.

Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập ở Việt Nam đã được triển khai thí điểm và có những kết quả ban đầu.

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, những điều chỉnh, bổ sung trong Luật giáo dục đại học được đánh giá là khá hiện đại, tháo gỡ các nút thắt đối với giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, để phát huy cơ chế này một cách hiệu quả nhất thì cần có những đổi mới mạnh mẽ bằng những giải pháp thiết thực hơn nữa.

Do đó, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học như thế nào và thực hiện quyền tự chủ ra sao để bảo đảm mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả chất lượng của giáo dục đại học, đồng thời vẫn bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội như giá học phí là những vấn đề được đưa ra thảo luận tại tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đại học: Nâng cao chất lượng đào tạo" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/9. 

Theo Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Luật giáo dục đại học sửa đổi khẳng định rõ việc quyết định học phí là quyền của các trường.

Theo Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì việc nâng học phí là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng học phí phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì việc nâng học phí là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng học phí phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau. (Ảnh: Thùy Linh)

Tuy nhiên, việc quyết định học phí là yếu tố rất quan trọng, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo nhưng cũng phải làm sao bảo đảm hướng tiếp cận học đại học của người học.

Từ trước đến nay, chính sách học phí của Đại học Bách khoa Hà Nội cơ bản ổn định. Khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì việc nâng học phí là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, tăng học phí phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau.

Đối với hầu hết sinh viên, các em đều có khả năng lựa chọn các chương trình học khác nhau, bên cạnh đó còn có học bổng hỗ trợ.

Cùng câu chuyện về học phí, ông Phạm Hồng Chương- Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Hiện nay, nhà trường thực hiện mức học phí theo đúng tinh thần Nghị định 86/2015 của Chính phủ.

Mức thu học phí được nhà trường công bố công khai, minh bạch cho toàn khóa học. Ví dụ, năm nay chương trình đại học chính quy có mức học phí 15 - 18,5 triệu đồng/1 năm. Nhà trường cam kết mức tăng không quá 10% và thực tế năm nay chỉ nâng khoảng 5%.

Không để học sinh không được đến trường vì thiếu tiền đóng học phí

Theo thầy Chương: "Học phí là một yếu tố rất quan trọng nhưng để bảo đảm cho các đối tượng khó khăn hơn có khả năng tiếp cận thì chúng tôi dùng đến quỹ học bổng; với mức học phí như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cần có những giải pháp căn bản hơn về vấn đề tài chính".

Cụ thể, trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cam kết với người học có hoàn cảnh khó khăn, nhưng có tài năng, học giỏi và khao khát học được tạo điều kiện thực hiện ước mơ bằng chính sách học bổng. Những sinh viên thực sự khó khăn được cấp học bổng tài năng cho cả khóa, mỗi năm  40 - 50 triệu đồng đủ chi trả học phí và sinh hoạt phí.

Thực tế, khi tự chủ, các trường đại học sẽ có những định hướng phát triển chất lượng, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất… Nhiều lo ngại rằng tất cả việc này sẽ đổ dồn vào học phí, đẩy học phí tăng cao.

Trước vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn cho biết: Các trường công lập trước kia đã được đầu tư cơ sở vật chất rất tốt, hiện tại không phải các trường tự chủ là không được Nhà nước cấp kinh phí nữa mà sẽ được cấp theo một hình thức khác.

Sinh viên khi học ở những trường danh tiếng thì cơ hội việc làm sẽ tốt và khả năng chi trả thực tế sau đại học ở mức thấp hơn so với khu vực và thế giới, học phí các em đóng vào chưa phải là 100% chi phí đào tạo mà mới là một phần, một phần đầu tư vào cơ sở vật chất.

Chúng ta phải làm sao để sinh viên thấy rõ được rằng việc đóng góp của mình được đầu tư trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất đào tạo, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sự đồng thuận của sinh viên và phụ huynh.

Đáng lẽ Việt Nam lợi thế nhất khu vực về nguồn lực con người, trí tuệ

Còn ông Phạm Hồng Chương chia sẻ: Đại học Kinh tế Quốc dân được Nhà nước đầu tư khá nhiều trong quá khứ và sắp tới sẽ được đầu tư khoảng 10 triệu USD.

Như vậy, lượng đầu tư từ Nhà nước, ngân sách vẫn chiếm vị trí quan trọng. Hiện nay, nhà trường đang hoàn thiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện tối đa để thầy và trò có môi trường học tập tốt nhất.

Dưới góc độ quản lý, Phó giáo sư Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, mức thu học phí, thu dịch vụ tuyển sinh, các khoản thu dịch vụ khác đã được quy định tại Nghị định 86/2015 của Chính phủ. Đối với các cơ sở thí điểm tự chủ thì thực hiện theo quyết định phê duyệt thí điểm tự chủ cho mỗi trường hiện nay.

Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học và sắp tới là Nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực thì đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ thực hiện theo điều 65 của Bộ Luật này và theo đó thì các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng những quy định của khoản 2 điều 32 của Luật này đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên của mình thì được tự chủ xác định mức thu học phí.

Tuy nhiên, việc xác định mức thu như vậy phải căn cứ vào định mức mức thu kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Ngoài ra, các trường cũng phải thực hiện chế độ về quản lý tài chính về kế toàn, kiểm toán, công khai minh bạch thông tin.

Thùy Linh