Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, cả nước có 113 cơ sở đào tạo giáo viên, bao gồm 14 trường đại học sư phạm, 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên, 30 trường cao đẳng sư phạm cao đẳng sư phạm, 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên và 02 trường trung cấp sư phạm trung cấp sư phạm. Ngoài ra còn có 40 trường trung cấp đa ngành đang đào tạo giáo viên mầm non.
Trong những năm qua, các cơ sở đào tạo giáo viên đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc ghép các trường đại học cùng lĩnh vực với nhau thành một đại học lớn là không ổn. (Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động và phát triển, đến nay hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Việc mở rộng quy mô thời gian qua tập trung nhiều vào số lượng mà chưa chú trọng đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng;
Phân bố các cơ sở đào tạo giáo viên quá dàn trải, phân tán và nhỏ lẻ; nhiều cơ sở trên cùng một địa bàn bị trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ; chương trình đào tạo giáo viên không thống nhất;
Đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, còn không ít sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường không có việc làm đúng ngành hoặc không tìm được việc làm, gây lãng phí, bức xúc; nhân lực giáo viên thừa thiếu cục bộ giữa các địa phương, bậc học; ngân sách nhà nước đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp; không thu hút được các học sinh giỏi, có năng lực phù hợp vào học các trường sư phạm.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm trong đó có nêu nguyên tắc sắp xếp và mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn.
Sắp xếp các trường sư phạm phải do địa phương tự quyết |
Sau khi nghiên cứu bản dự thảo, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin, theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước trước mắt chỉ hình thành 2 trường sư phạm trọng điểm mà lấy gốc là 2 trường Sư phạm Hà Nội và Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Và gộp thêm một số trường sư phạm khác để hình thành nên một Đại học Sư phạm lớn. Các trường sư phạm ở các địa phương thì thành phân hiệu của Đại học Sư phạm lớn, hoặc không làm nhiệm vụ đào tạo mà chỉ làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên. Đến sau năm 2025, sẽ thành lập thêm một Đại học Sư phạm trọng điểm thứ 3 nữa ở miền Trung.
“Theo tôi, việc ghép các trường đại học cùng lĩnh vực với nhau thành một đại học lớn là không ổn.
Kinh nghiệm muốn giảm đầu mối là phải ghép các trường khác lĩnh vực với nhau để thành một đại học đa lĩnh vực, chứ ghép 3 hoặc 5 trường sư phạm với nhau thì cũng vẫn chỉ là một trường đại học sư phạm quy mô lớn hơn.
Ghép như vậy sẽ không khả thi, bởi các trường đang hoạt động độc lập và có những thế mạnh của riêng mình, rất khó chấp nhận cho tổ chức, sắp xếp lại”, ông Khuyến nêu quan điểm.
Cũng theo nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học, các trường sư phạm ở địa phương thực tế chủ yếu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, còn các trường trọng điểm như Đại học Sư phạm Hà Nội truyền thống là đào tạo giáo viên trung học phổ thông.
Nếu xét về bề dày đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì các trường ở địa phương có ưu thế hơn. Nếu ghép thành phân hiệu của một trường có bề dày ít hơn, họ sẽ khó chấp nhận.
Những bất cập trong mạng lưới quy hoạch các trường sư phạm (2) |
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, về phân cấp, các trường ở địa phương lâu nay vẫn đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì vẫn giao nhiệm vụ đó cho họ, nhưng phải giao việc quản lý toàn diện chúng cho lãnh đạo địa phương.
Còn những trường như Đại học Sư phạm Hà Nội cùng với việc đào tạo giáo viên trung học phổ thông sẽ tập trung làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, đào tạo trình độ cao như đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) bởi những trường ở địa phương không làm được việc đó.
Ngoài ra, cũng nên nâng cấp các trường ở địa phương và hỗ trợ cho họ mở các trường thực hành chất lượng cao hoạt động theo cơ chế tự chủ.
“Các trường Trung cấp Sư phạm thì giải thể là đúng, tuy nhiên trước khi giải thể nếu họ đủ điều kiện nâng lên được thành cao đẳng thì nâng lên, còn nếu sau một thời gian quy định không đủ điều kiện thì mới giải thể’, ông Khuyến lưu ý.
Được biết, dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm có nêu: nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại là khuyến khích các trường sư phạm tự nguyện liên kết để tập trung nguồn lực phát triển hoặc tự nguyện sáp nhập, hợp nhất theo quy định hiện hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Và bắt buộc thực hiện đánh giá các điều kiện bảo đảm chất lượng các trường sư phạm theo chuẩn, quy chuẩn. Không giao chỉ tiêu đào tạo cho các ngành đào tạo, cơ sở đào tạo giáo viên không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chuẩn chất lượng sư phạm theo qui định.
Các ngành, cơ sở đào tạo giáo viên không đảm bảo chuẩn chất lượng phải có lộ trình khắc phục theo qui định hoặc có phương án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể.
Sáp nhập, hợp nhất các trường sư phạm hoạt động kém hiệu quả hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ có trụ sở chính trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Dự thảo cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2020-2025 là hình thành được 02 trường sư phạm trọng điểm quốc gia ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và một số trường đại học sư phạm khác.
Xây dựng được mạng lưới “vệ tinh” là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, các khoa/trường sư phạm trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học đa ngành.
Còn mục tiêu giai đoạn 2026-2030 là hình thành thêm 01 trường sư phạm trọng điểm quốc gia tại miền Trung trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học sư phạm trên địa bàn và một số tỉnh, thành lân cận.
Ít nhất 01 trường sư phạm trọng điểm quốc gia lọt vào top 1000 trường đại học tốt nhất thế giới hoặc top 500 trường đại học tốt nhất châu Á trong lĩnh vực giáo dục.