Việc dạy thêm học sinh chính khóa, dù dạy thêm do nhà trường tổ chức đã dư luận lên án không ít.
Có người nói, việc tổ chức dạy thêm trong trường, chẳng khác nào một đơn vị kiến thức học sinh phải trả hai lần học phí.
Để dạy thêm ở trong trường hợp pháp, nhà trường đã làm đầy đủ hồ sơ trình lên cấp trên; thủ tục pháp lý đều dựa vào Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Điều 3, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT nêu rõ: “Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
1. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
2. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
3. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
4. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
5. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm”.
Thực hiện đúng Thông tư 17 không ít hiệu trưởng phải bị kỷ luật. (Ảnh minh hoạ: Laodongthudo.vn) |
Các trường hiện Trung học cơ sở hiện nay đều “không tổ chức lớp chọn”; nghĩa là trong các lớp đều có đủ các thành phần học sinh, từ yếu, trung bình, khá, giỏi.
Với trường Trung học phổ thông, những trường tổ chức lớp chọn, các lớp chọn không yêu cầu học thêm. Các lớp khác cũng có đủ thành phần học sinh từ yếu đến giỏi.
Để đảm bảo “chất lượng cuối năm”, các trường đã “vận động” học sinh tham gia học thêm đạt tỷ lệ khá cao.
Thế nhưng, phần lớn các trường đang vi phạm mục 4, Điều 3 của thông tư. Các lớp học thêm đều tổ chức tổ chức theo biên chế lớp học chính khóa!
Mục 2, Điều 22 Thông tư 17 nêu rõ: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Như vậy, thực hiện nghiêm túc Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, không ít hiệu trưởng phải bị kỷ luật!
Làm sao dạy thêm trong nhà trường có chất lượng?
Tây cũng có dạy thêm, nhưng người ta không vác học sinh chính khóa về nhà mình |
Do tổ chức dạy thêm theo lớp học sinh chính khóa, nên đã nảy sinh nhiều tiêu cực; giáo viên bộ môn có thể “để dành” kiến thức cho buổi học thêm; dùng thời gian dạy thêm để kiểm tra, ép học sinh không muốn tham gia cũng phải đi học; dành bài “tủ” để dạy ở trung tâm hoặc ở nhà, buộc học sinh tiếp tục phải… học thêm.
Việc vi phạm mục 4, Điều 3 của Thông tư 17 chưa có bất cứ cuộc thanh tra nào phát hiện, khi thanh tra công tác dạy thêm học thêm, cán bộ thanh tra chỉ quan tâm các thủ tục yêu cầu, giấy phép đã được cấp; không quan tâm đến phân lớp dạy thêm theo năng lực học sinh.
Vì vậy cơ quan chủ quản buộc hiệu trưởng phải báo cáo danh sách phân lớp học sinh theo năng lực, tuyệt đối không để nguyên lớp chính khóa dạy thêm; kỷ luật thật nặng hiệu trưởng tổ chức dạy thêm theo lớp chính khóa.
Bên tây cũng dạy thêm, nhưng không dạy thêm học sinh chính khóa; Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT vô hình trung trở thành “bà đỡ” cho việc dạy thêm học sinh chính khóa.
Không bỏ được Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, Bộ phải yêu cầu các địa phương hậu kiểm, kiên quyết thu hồi giấy phép các trường tổ chức dạy thêm theo lớp chính khóa.
Vì học sinh thân yêu phải trở thành hiện thực trong hành động của mỗi thầy cô giáo; hành động thiết thực nhất là dành những gì mình có thể, trao cho các em trong giờ chính khóa, đừng ép học sinh học thêm.
Tài liệu tham khảo:
//thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx