Người làm giáo dục mà đặc biệt là các thầy cô giáo không ai là không biết đến Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn rất khó quản lý (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Biết và hiểu rõ như thế nhưng rất nhiều giáo viên và cơ quan quản lý giáo dục ở nhiều địa phương lại đang vi phạm những điều không được làm quy định rất rõ trong Thông tư.
Chúng tôi khẳng định rằng chính vì nhiều người vi phạm như thế nên tình trạng dạy thêm học thêm vẫn diễn ra tràn lan và khó kiểm soát.
Trung tâm dạy thêm mọc lên như nấm
Một huyện lị nhỏ bé ven biển miền Trung, thế nhưng chỉ đếm sơ sơ cũng đã có vài chục cái trung tâm dạy thêm.
Trung tâm mang tên người này người kia nhưng chủ nhân thật sự chủ yếu vẫn là giáo viên (toàn giáo viên dạy những môn có học thêm).
Người có trung tâm dạy thêm tự họ đứng ra dạy vài lớp và cũng liên kết với nhiều thầy cô giáo đang dạy ở các trường công quanh vùng mang học sinh về trung tâm giảng dạy cho xôm tụ.
Khác với nhiều trung tâm dạy thêm ở những thành phố lớn, các trung tâm có nhiệm vụ chiêu sinh và mướn giáo viên về dạy. Mức lương sẽ do hai bên thỏa thuận với nhau.
Những trung tâm dạy thêm ở huyện chúng tôi, chiêu sinh học trò là nhiệm vụ của người dạy.
|
Trung tâm gần như chỉ cho mượn chỗ và ăn hoa hồng.
Một số giáo viên tiết lộ mức hoa hồng trích ra cho trung tâm từ 20-25% trên tổng số tiền thu được.
Giáo viên chủ yếu dạy học sinh đang học chính khóa
Thông tư 17 quy định rõ:
Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Thế nhưng trong thực tế hiện nay, giáo viên đang vi phạm nhiều nhất là điểm 1 và điểm 4 trong Điều 4 của Thông tư 17.
Đó là, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Nhưng hiện nay, nhiều trường trung học phổ thông và trung học cơ sở học sinh đang phải học cả ngày nhưng tối tối vẫn đến trung tâm dạy thêm của các thầy cô giáo dạy trên trường để học tiếp.
Điều này vi phạm quy định trong Thông tư 17: “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”.
|
Có không ít thầy cô nói vui: “Không dạy học sinh của mình thì lấy học sinh ở đâu mà dạy?”
“Nếu không cho dạy học sinh của mình thì các trung tâm dạy thêm có mà đóng cửa?”
Cơ quan quản lý không biết hay cố tình làm lơ?
Từ trước đến nay, mỗi khi có đợt đi kiểm tra việc thực hiện dạy thêm, học thêm trong địa bàn, cơ quan chức năng chủ yếu xem xét địa điểm học có phù hợp không?
Phòng học có đúng theo yêu cầu, giáo viên có giấy phép dạy thêm không? Giấy phép còn thời hạn hay đã hết?
Còn việc các em có phải là học trò đang học chính khóa ở trường với thầy cô giáo hay học trò nơi khác, lớp khác tìm đến học lại chẳng bao giờ người ta quan tâm tới.
Cũng có giáo viên lo xa nên đã có sự đề phòng trước. Đó là việc lập một danh sách “ma” đổi họ tên cho học trò khi chẳng may bị thanh tra hỏi tới.
Thế là, thầy cô cứ đàng hoàng dạy thêm mà chẳng còn sợ điều gì nữa.
Và trung tâm dạy thêm đã trở thành tấm bình phong chắc chắn nhất.
Nhưng nếu, các cấp quản lý ngành giáo dục địa phương làm chặt chẽ từ khâu đối tượng học sinh như quy định cấm của Thông tư 17 thì chắc chắn không dẹp, nạn dạy thêm, học thêm cũng sẽ không áp lực nhiều như hiện nay.