Cô và trò cùng ra đồng trong tiết học văn tả cảnh!

06/10/2019 06:10
Trinh Phúc
(GDVN) - Học sinh dân tộc vốn tiếng Việt nghèo nên việc quan sát trực tiếp dưới sự hướng dẫn của cô và kết hợp cung cấp từ ngữ tiếng Việt là rất quan trọng.

Để mang lại những cảm xúc thực trong những tiết học văn cho học sinh, cô giáo Phan Thị Diệu trường Tiểu học số 2 Thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) đã cùng học trò ra tận cánh đồng lúa chín vàng để học.

Cách dạy học trực quan đã mang đến một hiểu quả tích cực, khi các em được hướng dẫn chi tiết, chủ động viết theo những cảm nhận mà mình đã quan sát được, tránh dựa quá nhiều vào những bài văn mẫu, xa rời cuộc sống của chính các em.

Tâm sự với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Diệu cho rằng, đây là cách học mà cô đã áp dụng trong dạy văn nhiều năm qua.

Trực tiếp hướng dẫn các em học sinh cách quan sát và miêu tả cách đồng quê hương vào mùa lúa chín là một cách dạy học thú vị được cô Diệu áp dụng (ảnh do cô Diệu cung cấp).
Trực tiếp hướng dẫn các em học sinh cách quan sát và miêu tả cách đồng quê hương vào mùa lúa chín là một cách dạy học thú vị được cô Diệu áp dụng (ảnh do cô Diệu cung cấp).

Thực tế, 24 năm dạy học sinh các dân tộc của huyện vùng cao tôi đã quá dày kinh nghiệm. Nếu để học sinh tự quan sát rồi tả, các em chỉ nhìn và kể được các bộ phận của đối tượng tả chứ không thể tả được.

Học sinh dân tộc vốn tiếng Việt nghèo nên việc quan sát trực tiếp dưới sự hướng dẫn của cô và kết hợp cung cấp từ ngữ tiếng Việt cho các em rất quan trọng.

Cách dạy học này mang đến kết quả giúp các em nắm bài tốt và triển khai các bài viết có chất lượng cao.

Chia sẻ thêm, cô Diệu cho biết, học sinh miền núi, cuộc sống của các em cũng thường gần gũi với cây lúa, tuy nhiên lại hạn chế về vốn tiếng Việt.

Vì vậy, cô thường xuyên cho các em tăng cường quan sát trực tiếp, qua đó giảng giải giúp các em hiểu hơn, có vốn từ phong phú.

Từ những trải nghiệm thực tế, các em học sinh sẽ có nhiều hơn vốn từ để làm một bài văn tả cảnh vật sinh động hơn (ảnh do nhân vật cung cấp).
Từ những trải nghiệm thực tế, các em học sinh sẽ có nhiều hơn vốn từ để làm một bài văn tả cảnh vật sinh động hơn (ảnh do nhân vật cung cấp).

Trước đây, cô Diệu còn được biết đến với nhiều cách dạy học sáng tạo. Cô từng mang hẳn một chú cún con lên lớp làm giáo cụ trực quan đến giúp các em học sinh có cách quan sát khi làm một bài văn tả về con vật.

Cô Diệu luôn áp dụng phương pháp dạy học này để kích thích tình yêu văn học và khả năng ngôn ngữ của các em học sinh (ảnh do nhân vật cung cấp).
Cô Diệu luôn áp dụng phương pháp dạy học này để kích thích tình yêu văn học và khả năng ngôn ngữ của các em học sinh (ảnh do nhân vật cung cấp).

Không chỉ một vài bài học mà cô Diệu áp dụng mà rất nhiều cách dạy học này vào nhiều dạng văn tả. Cô đều dành thời gian cho học sinh quan sát, ghi chắt lọc những ý chính để triển khai trong bài viết như tả cây cối, tả con suối, tả cảnh đồi chè, con vật, ... giúp học sinh có thêm vốn từ tiếng Việt vì học sinh dân tộc vùng cao rất nghèo vốn từ.

Trinh Phúc