Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đã kết thúc, công việc bây giờ là các trường đại học, các Sở Giáo dục tiến hành chấm thi để kịp với tiến độ mà Bộ đã đề ra.
Theo dõi quá trình chuẩn bị, chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ, chúng ta tin tưởng và luôn hy vọng vào việc chấm thi sẽ diễn ra công bằng, khách quan. Nhất là đối với môn Ngữ văn- môn tự luận duy nhất của kỳ thi.
Nhưng, thông tin các hội đồng chấm thi sẽ chấm lại toàn bộ các bài thi môn Ngữ văn sẽ khiến nhiều người nghĩ suy. Liệu có cần thiết phải làm như vậy không?
Những giáo viên chấm thi môn Ngữ văn năm nay sẽ rất áp lực: Ảnh minh hoạ: TTXVN |
Lãnh đạo Bộ cho biết sẽ chấm lại toàn bộ bài thi môn Ngữ văn điểm cao
Trước khi thi và kết cả sau khi thi Trung học phổ thông quốc gia thì lãnh đạo Bộ đã có những chỉ đạo, chia sẻ là sẽ chấm lại toàn bộ những bài thi Ngữ văn có điểm cao.
Chiều 27/6/2019, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo để thông báo kết thúc công tác coi thi và đánh giá thành công bước đầu trong công tác tổ chức của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Tại buổi họp báo này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng đã cho biết việc chấm thi năm 2019 đối với môn Văn như sau:
“Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do Sở Giáo dục chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.
Việc chấm bài thi tự luận, căn cứ nguồn lực giáo viên tại điểm chấm thi, có phương án điều động đủ nguồn lực, trong quy chế cũng cho phép mời cán bộ chấm Ngữ văn tại các trường đại học, cao đẳng.
Về việc chấm kiểm tra, trong quy chế đã quy định rõ, chấm tối thiểu 5%, khả năng chấm kiểm tra được càng nhiều càng tốt, đảm bảo khách quan.
Bên cạnh đó, thành lập các đoàn thanh tra nhiều hơn năm trước về các địa phương và Bộ cũng tổ chức giám sát đoàn thanh tra, tất cả các tỉnh thành đều có đoàn thanh tra để đảm bảo minh bạch”.
Áp lực cho giám khảo sẽ rất lớn
Ngày 28/6, các sở giáo dục và đào tạo đồng loạt chấm thi môn ngữ Văn |
Chúng ta biết rằng, những giáo viên được điều động đi chấm thi môn Ngữ văn ở bất kỳ năm nào cũng rất áp lực.
Đặc biệt, sau sự việc tiêu cực của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 thì “sức nóng” đã lan tỏa lên kỳ thi của năm nay càng lớn hơn.
Bây giờ, ngoài việc chấm kiểm tra 5% theo quy định, lãnh đạo Bộ cho biết sẽ chấm lại tất cả những bài thi môn Ngữ văn điểm cao thì áp lực đối với những giám khảo môn Ngữ văn năm nay lại càng lớn. Vẫn biết, làm như vậy cũng có thể sẽ tốt hơn nhưng nó cũng sẽ dẫn đến 2 khả năng sau.
Thứ nhất: Giám khảo sẽ dè chừng và thận trọng đến mức tối đa nên không dám cho điểm cao và họ chỉ cho điểm ở "mức an toàn" nhất có thể. Vì cho điểm cao là sẽ chấm lại thêm một lần nữa thì tính phức tạp càng tăng thêm.
Việc phải đối thoại với giám khảo chấm thanh tra, cán bộ hội đồng chấm thi thường rất mệt mỏi. Nhất là đối với môn Văn thì đáp án và cách làm bài của học sinh không mấy khi trùng khít với nhau.
Mỗi bên một quan điểm sẽ dẫn đến những bất đồng. Vì thế, giám khảo sẽ co cụm lại tính đến chuyện an toàn cho mình là điều khó tránh khỏi.
Thứ hai: Một khi giám khảo dè chừng không dám cho điểm cao sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh. Điểm trung bình sẽ nhiều mà điểm khá, giỏi sẽ ít đi rất nhiều.
Trong khi, ranh giới trong chấm Văn là không lớn. Chẳng hạn, câu nghị luận văn học (5 điểm) thì giám khảo có thể cho 4 điểm, có thể cho 3 điểm đều có thể chấp nhận được, bởi mỗi người chấm cho cách đánh giá, thẩm định của riêng mình.
Vô tình, sự thiệt thòi sẽ thuộc về những thí sinh làm bài tốt.
Việc đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho mọi thí sinh trên cả nước là điều rất cần thiết để lấy lại niềm tin xã hội sau tiêu cực của kỳ thi năm 2018.
Khi Sở chủ trì chấm môn Ngữ văn thì tính chính xác có còn nguyên vẹn? |
Nhưng, việc chấm lại toàn bộ những bài văn Ngữ văn có điểm cao thì có lẽ sẽ không cần thiết bởi nó sẽ tạo áp lực cực lớn cho người chấm và chắc chắn quyền lợi thí sinh cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Thực tế, trong quá trình chấm kiểm tra 5% bao giờ cũng phát hiện ra một số sai sót từ việc chấm của giám khảo 1 và 2.
Những sai sót thường gặp là cộng điểm thành phần còn sót, điểm của phần đọc hiểu chưa được chính xác.Việc chấm kiểm tra giống như kiểm tra lại việc giám khảo chấm lần đầu có chính xác hay không.
Nhưng, những giám khảo chấm kiểm tra cũng chỉ có thể thay đổi được điểm ở phần đọc hiểu còn phần làm văn thì gần như rất khó thay đổi. Vì phần này khó góp ý và cũng khó nâng điểm lên, hạ điểm xuống.
Thiết nghĩ, muốn công bằng, khách quan trong chấm thi môn Ngữ văn thì Bộ đã có tập huấn kỹ lưỡng cho những người làm Trưởng ban chấm thi của từng môn rồi.
Vị này sẽ triển khai tới hội đồng chấm thi. Việc chấm kiểm tra ngẫu nhiên 5% như hiện nay cũng là điều phù hợp. Nếu chấm lại những bài điểm cao là khi có những dấu hiệu bất thường sẽ hợp lý hơn.
Bởi, thực tế, những giám khảo chấm thi nếu không bị tác động, chỉ đạo của lãnh đạo hội động chấm thì họ chẳng dại gì mà làm điều sai trái với quy chế để tự rước họa vào thân.
Nhìn lại kỳ thi năm 2018, chúng ta thấy thấy rõ điều này. Bởi, 3 giáo viên chấm Ngữ văn ở Hòa Bình vướng vào tiêu cực là khi có chỉ đạo của cấp trên và họ đang phải trả giá.
Vì vậy, đừng quá gây thêm áp lực thêm cho giám khảo khi họ chấm thi môn Ngữ văn thì họ mới làm tốt công việc của mình. Có những việc cẩn thận là tốt nhưng đôi lúc cẩn thận quá lại tạo nên áp lực không cần thiết cho người thực hiện và ảnh hưởng đến kết quả chung.
Tài liệu tham khảo:
//www.nguoiduatin.vn/cong-tac-coi-thi-khong-xay-ra-lon-xon-bo-gd-dt-ky-vong-thanh-cong-o-cong-tac-cham-thi-a439690.html