Ngày càng nhiều các trường học bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh.
Những dòng tâm sự đắng lòng của học sinh tỉnh Kiên Giang khi phải học 2 buổi/ngày (Ảnh CTV) |
Thế nhưng khi tổ chức dạy học cả ngày, nhà trường và các thầy cô đã hỏi ý kiến các em chưa?
Đã làm cuộc khảo sát xem có bao nhiêu phần trăm các em học sinh thật sự muốn tham gia học 2 buổi chưa?
Đã đặt mình vào vị thế của các em để thấu hiểu chưa? Hay chỉ vì những khoản tiền thu được mà ép tất cả học sinh phải đi học trong khi phần đông các em không hề có nhu cầu? Và phần đông các em đều kịch liệt phản đối?
Nhưng buồn thay, tất cả đều là sự thật. Điều đáng buồn hơn chính là sự phản kháng của các em cũng chẳng thể thay đổi được gì vì câu ca “Tất cả vì học sinh thân yêu” chỉ là trên lý thuyết.
Những dòng tâm sự đầy khắc khoải của những học sinh-nạn nhân của việc học 2 buổi/ngày ở bậc trung học
|
Hãy nghe, những tâm sự nhói lòng của học sinh trung học phổ thông tại tỉnh Kiên Giang:
Chào mọi người ạ, hôm nay em muốn nói lên một ý kiến riêng của mình về việc học hai buổi và em thấy việc:
Học hai buổi không giúp ích được gì cho học sinh chúng em hết!
Vì sao ạ ? Buổi sáng học đến 10h30, về nhà cũng gần 11giờ chứ có ai về kịp 10h30 không ạ?
Về đến nhà ăn cơm, tắm rửa, nghỉ ngơi cũng gần đến 12giờ, nhưng mà có chắc là được nghỉ ngơi không?
Nhiều môn còn giao bài tập về nhà buổi chiều nữa, vẫn phải học bài vào giờ người khác đang nghỉ ngơi. Học xong cũng gần đến giờ đi học.
Tiếp theo, việc học hai buổi không có ích lợi gì cho chúng em hết. Học buổi chiều học sinh càng mệt hơn thì lấy gì mà tiếp thu kiến thức nổi?
Ngày nào cũng phải dồn vào đầu mình cả đống lý thuyết, tối về phải thức đêm học bài làm bài tập, ai chịu nổi ạ?
Nhiều thầy cô còn than phiền là chịu không nổi thì học sinh tụi em làm cách nào để chống chọi lại được đây?
Ngày nào, lớp nào cũng có tình trạng học sinh ngủ trong lớp, có ai biết tụi em mệt cỡ nào không ?
Thà rằng bây giờ học buổi sáng mà 5 tiết còn lại buổi chiều để học sinh nghỉ ngơi, làm bài tập về nhà còn có nhiều lợi ích hơn nhiều.
Một học sinh bậc trung học cơ sở tỉnh Kiên Giang bày tỏ: “Em là một học sinh đã vào trường trung học cơ sở N. D. năm nay là năm thứ 3.
Nhưng nói thật, trừ năm lớp 6 (học 1 buổi 5tiết) thì ngoài ra những năm còn lại em thấy nổi sợ mang tên áp lực đi học.
Không chỉ của riêng bản thân em mà chắc hẳn có rất nhiều bạn cũng vậy.
Học một ngày 7tiết, thật sự mà nói nó chẳng giúp ích gì cho chúng em cả. Đi học về buổi sáng là 10giờ30 tan học nhưng về đến nhà nhanh thì 11 giờ, có bạn nhà xa phải hơn 11 giờ mới tới.
Ăn uống xong chẳng kịp nghỉ ngơi phải soạn bài, học bài lại lật đật đi học buổi chiều ngay.
Vậy cho em được hỏi, thời gian bù đắp sự mệt mỏi của chúng em đâu ạ?
Tụi em cũng là con người, tụi em không phải là người máy!
|
Thật sự tụi em không phải là robot, không phải là người máy để không biết mệt mỏi, để chẳng cần nghỉ ngơi mà chỉ biết làm việc theo sự điều khiển của người lớn.
Nhà trường nói là cho học sinh học 2 buổi để không cần đi học thêm.
Thử hỏi với 45 phút buổi sáng và 45phút tăng tiết buổi chiều có đủ để cho giáo viên giải đáp thắc mắc, làm bài tập thực hành với giảng chi tiết cho những học sinh yếu không ạ ?
Có đử thời gian để nâng cao kiến thức cho học sinh giỏi không? Thầy cô dạy thế nào để 45 học sinh đều tiếp thu được trong chừng ấy thời gian?
Thế là vừa phải học tăng tiết buổi chiều, tụi em vừa phải chạy sô đi học thêm buổi tối. Vì học 2 buổi/ngày nên tụi em phải học thêm buổi 3 càng cực nhọc hơn.
Tụi em cũng biết mệt mỏi, cũng biết căng thẳng và cũng biết áp lực đang bủa vây vì vừa phải học ở trường, vừa chạy sô học thêm.
Nhà trường bảo rằng học như vậy để chúng em không cần phải học thêm, nhưng tính ra học 2 buổi, tụi em càng phải đi học thêm nhiều hơn thế.
Chúng em không phải là những con robot có một cái lập trình sẵn chỉ cần bấm nút là nhảy.
Tụi em cũng là một con người cũng cần có những nhu cầu giải trí ngoài giờ học... Thế nên làm ơn, nhà trường hãy cảm thông và tha cho chúng em.
Hãy tha cho chúng em không phải đi học vào buổi chiều. Hãy cho chúng em được lựa chọn tự do hơn những gì nhà trường đã lập trình sẵn.
Mong nhà trường suy nghĩ lại và đặt mình vào những học sinh như tụi em.