Hiện nay, ở nhiều địa phương, một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã tổ chức việc học 2 buổi/ngày cho học sinh.
Ngày càng nhiều trường phổ thông tổ chức học 2 buổi/ngày (Ảnh minh họa Truyền hình Bắc Giang) |
Những tưởng được học cả ngày trên trường thì học sinh không còn phải đi học thêm nữa.
Thế nhưng không ít em học sinh cho biết, mình phải mất nhiều thời gian để đi học thêm hơn.
Lý do được tiết lộ, học buổi 2 trên trường giống kiểu học đại trà chính khóa. Học sinh giỏi muốn nâng cao trình độ, học sinh yếu muốn được kèm thêm kiến thức cũng rất khó và gần như không hiệu quả.
Nhiều học sinh bày tỏ không muốn học buổi 2 ở trường mà chỉ muốn học một buổi như trước đây, thời gian còn lại tự tìm thầy cô nào mình yêu thích thì đăng ký học riêng.
Khi hỏi: “Sao các em không có ý kiến với nhà trường?”
Một số em nói sợ nên không dám, số khác nói có ý kiến nhưng nhà trường nói rằng: “phụ huynh đã thống nhất” nên phải chịu thôi.
Tổ chức học 2 buổi (bậc trung học) chỉ cần lấy ý kiến phụ huynh?
Cách mà nhiều trường học (từ bậc trung học cơ sở trở lên) thường áp dụng là chỉ thông qua ý kiến của phụ huynh xem như là đúng quy định.
Trong thực tế, muốn có ý kiến của phụ huynh trong vấn đề này lại dễ vô cùng.
Thầy cô chỉ cần than vãn đôi câu theo kiểu: “Nhiều học sinh học yếu cần bổ sung kiến thức với có thể theo kịp chương trình”.
Hay, việc thi cử mỗi ngày một khó, một áp lực, kiến thức bao hàm toàn cấp mà các em lại hổng quá nhiều.
Nhà trường muốn tạo điều kiện cho các em được học tập tốt nhất…nên lấy ý kiến phụ huynh ai thống nhất cho các em học cả ngày?
Bấy nhiêu thôi thì chẳng cha mẹ nào lại không đồng ý cho con được học 2 buổi. Chưa nói đến việc, một số gia đình lại mừng vì học 2 buổi, có nhà trường quản hộ nên gia đình đỡ mất thời gian quản lý con.
Không lấy ý kiến của học sinh là đúng hay sai?
Học sinh là chủ thể chính, học cho các em, chính các em mới biết, mới hiểu mình cần học những gì.
Lứa tuổi 14, 15 thậm chí 17, 18 đã đủ suy nghĩ để tự mình đưa ra quyết định có cần đi học thêm không? Học thế nào cho hiệu quả? Và nếu học sẽ học môn gì, học với thầy cô nào?
Không phải ngẫu nhiên mà Công văn số: 7291/BGDĐT-GDTrH về việc Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học lại quy định
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chỉ được thực hiện ở những nơi học sinh có nhu cầu, cha mẹ học sinh tự nguyện cho con em tham gia học tập...
Công văn chỉ rõ “Chỉ được thực hiện ở những nơi học sinh có nhu cầu…”. Sự đồng ý của học sinh là điều kiện đầu tiên để tổ chức học 2 buổi.
Nhưng, trong thực tế, mấy trường thực hiện đúng điều này?
Trường chỉ thông qua Hội phụ huynh trường cho có cơ sở và tự quyết. Trường lấy ý kiến phụ huynh trong cuộc họp đầu năm.
|
Đã có hơn chục em học sinh một trường trung học phổ thông trên địa bàn thị xã, nói rằng mình đại diện cho một số lớp trong trường trực tiếp đến gặp người viết bài chỉ với một mong muốn duy nhất:
“Cô giúp tụi con phản ánh những bất cập trong việc học buổi 2 ở nhà trường để nhà trường không bắt tụi con đi học nữa.
Học kiểu này mệt mỏi, chúng con không còn tý thời gian nào để nghỉ ngơi.
Đã thế, chất lượng học tập lại chẳng được nâng lên nên chúng con tiếc thời gian bắt buộc ngồi học ở trường.
Khi được hỏi, sao hôm họp lớp các con không có ý kiến rằng mình không muốn học thêm ở trường?
Có em nói rằng: “Nhà trường có hỏi đâu mà tụi con có ý kiến? mà có ý kiến cũng sẽ nói phụ huynh các em đã đồng ý rồi”.
Một giáo viên dạy văn ở trường trung học phổ thông tại Bình Thuận khẳng định rằng:
“Nếu bây giờ, lấy ý kiến học sinh về việc học 2 buổi/ngày, tôi cam đoan rằng gần như 100% học sinh không đồng ý”.
Nếu nói vì học sinh thì sao trước khi tổ chức dạy 2 buổi/ngày chúng ta không lấy ý kiến trực tiếp từ các em?
Hay quyền lợi của các em vẫn đứng sau những khoản tiền học phí, những khoản hoa hồng (hoa hồng cho Ban giám hiệu trích ra từ tiền dạy 2 buổi) vô cùng hấp dẫn kia?