Những con số biết nói về kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam

15/10/2019 06:50
Thùy Linh
(GDVN) - Theo báo cáo của Cục quản lý chất lượng, từ tháng 3/2014 đến nay, cả nước đã đào tạo được hơn 1.700 kiểm định viên.

Trong những năm qua, nhất là từ sau khi Luật giáo dục đại học 2012 có hiệu lực thi hành, việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong đã được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm thực hiện. 

Tới nay, các cơ sở giáo dục đại học đều đã thành lập đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng giáo dục để làm đầu mối triển khai công tác tự đánh giá, đánh giá đồng cấp, giúp cho việc cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo và từng bước xây dựng văn hóa chất lượng.

Nhận thức về chất lượng ngày càng được nâng cao, nhiều cơ sở giáo dục đại học coi chất lượng là mục tiêu sống còn của nhà trường. 

Chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách đã từng bước được cải thiện, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tham gia các khóa đào tạo sau đại học về đo lường và đánh giá trong giáo dục, tham gia các chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục cũng như dự các kỳ tuyển chọn kiểm định viên.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đã được quan tâm.

Theo báo cáo của Cục quản lý chất lượng, từ tháng 3/2014 đến nay, cả nước đã đào tạo được hơn 1.700 kiểm định viên. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Theo báo cáo của Cục quản lý chất lượng, từ tháng 3/2014 đến nay, cả nước đã đào tạo được hơn 1.700 kiểm định viên. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Theo lãnh đạo Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện cả nước có 03 cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo kiểm định viên (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng). 

Từ tháng 3/2014 đến nay các cơ sở này đã đào tạo được 48 khóa, cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo cho 1.436 người. 

Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng) cũng đã tổ chức tuyển chọn và cấp thẻ cho 346 kiểm định viên; trong đó có 9 người được đặc cách và 337 người đạt yêu cầu qua các kỳ tuyển chọn.

Đối với bảo đảm chất lượng bên ngoài, cho đến nay, cả nước đã có 05 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập và cấp phép hoạt động:

Có 04 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập bao gồm:

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội;

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng;

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh);

Và 01 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thành lập (Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). 

Theo số liệu được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học (cập nhật đến ngày 31/8/2019), như sau:

Đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước:

Có 251 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 218 cơ sở giáo dục đại học và 33 trường cao đẳng sư phạm); 133 cơ sở giáo dục đại học và 07 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá ngoài, trong đó 123 cơ sở giáo dục đại học và 05 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Có 72 chương trình đào tạo hoàn thành tự đánh giá, trong đó có 64 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và 19 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài: 

Có 07 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN-QA.

Trong đó, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được cả 2 tổ chức trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. 

Có 139 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận, trong đó có 106 chương trình được đánh giá bởi AUN-QA, 20 chương trình đánh giá theo chuẩn của Uỷ ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI);

06 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ - tổ chức uy tín hàng đầu nước Mỹ (ABET), 06 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ (ACBSP), 5 chương trình đánh giá theo chuẩn của Quỹ Kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế (FIBAA)...

Hiệp hội thông báo sắp tổ chức hội thảo về kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Bên cạnh các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, một số trường đại học đã tham gia xếp hạng bởi tổ chức quốc tế, không những khẳng định được thương hiệu mà còn làm động lực nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế.

Số lượng các trường có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế ngày càng nhiều lên và thứ hạng cũng từng bước được cải thiện.

Tới nay đã có 07 cơ sở giáo dục đại học trong top 500 trường hàng đầu Châu Á, 04 cơ sở giáo dục đại học nước ta có tên trong danh sách 1000 trường tốt nhất thế giới của các bảng xếp hạng uy tín.

Ngoài ra, 03 trường đại học đã được chứng nhận 3, 4 sao theo QS-Stars.

Cho tới nay, hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở nước ta đã từng bước định hình và phát triển; công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần cho việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Trước xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang diễn ra rất nhanh,  nhất là sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; trong thời gian tới, để góp phần đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cạnh tranh và hội nhập với thị trường lao động rất năng động của khu vực và thế giới, tránh bị thua ngay trên sân nhà, ngành giáo dục cần thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới.

Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025, trong đó phấn đấu đến 2025 đạt một số mục tiêu cụ thể liên quan đến bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục như sau:

a) Về điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục:

- Phấn đấu 100% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ;

- Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín;

- Trên 35% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài, trong đó 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định;

- Trên 70% cơ sở giáo dục đại học có ngành đào tạo trong số 8 ngành đã được công nhận lẫn nhau trong khu vực ASEAN hoàn thành các thủ tục công nhận tương đương bằng cấp và chuyển đổi tín chỉ/học phần với các trường đại học trong khu vực;

- Có ít nhất 02 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất Châu Á, 10 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 400 trường đại học tốt nhất Châu Á, 04 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Thùy Linh