Tuyển sinh khó và hết tiền trả lương, trường đại học sa thải giảng viên

17/10/2019 08:40
THÀNH PHONG
(GDVN) - Trong số 21 lao động bị sa thải đợt này có 7 người là giảng viên, còn lại là nhân viên hành chính, bảo vệ đều có hợp đồng không xác định thời hạn.

Ngày 16/10, lãnh đạo Trường Đại học Nghệ thuật Huế (trực thuộc Đại học Huế) xác nhận, đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 21 người do gặp khó khăn về tài chính.

Những khó khăn về tài chính khiến Trường Đại học Nghệ thuật Huế phải sa thải nhiều giảng viên. Ảnh: TL
Những khó khăn về tài chính khiến Trường Đại học Nghệ thuật Huế phải sa thải nhiều giảng viên. Ảnh: TL

Cụ thể, sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 7 giảng viên có trình độ Thạc sĩ, 16 nhân viên hành chính, tạp vụ, bảo vệ (riêng hai trường hợp tự nguyện xin nghỉ) trong tháng 11 tới.

Trước thông tin trên, nhiều cán bộ, giảng viên đã bày tỏ lo lắng, bức xúc trước nguy cơ thất nghiệp.

Trong đó có nhiều trường hợp giảng viên có hoàn cảnh khó khăn, đang phải vay mượn để đi học lên Thạc sĩ.

Tiến sĩ Đỗ Xuân Phú – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nghệ thuật Huế cho biết, những khó khăn tài chính trong suốt nhiều năm qua là nguyên nhân khiến nhà trường phải chấm dứt hợp đồng lao động với những lao động trên.

Chỉ tuyển được 34 sinh viên, trường Cao đẳng sư phạm tìm hướng đi mới

Trong số những người này, trường sẽ xem xét tái ký hợp đồng theo dạng khác đối với một số người như bảo vệ, giảng viên, nhân viên để đảm bảo công việc nhà trường.

Ông Phú cũng khẳng định việc chấm dứt hợp đồng lao động này được thực hiện theo các bước phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo các quyền lợi cho người lao động.

Theo lãnh đạo nhà trường thì hiện toàn trường có 101 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó có 23 cán bộ hợp đồng, còn lại là cán bộ thuộc biên chế.

Mỗi năm tiền trả lương khoảng hơn 8 tỉ đồng, trong đó 23 nhân viên hợp đồng không xác định thời hạn chiếm khoảng 1,2 tỉ đồng.

Tuy nhiên nguồn thu của trường từ học phí mỗi năm chỉ đạt 2,4 tỉ đồng, cộng thêm 6,5 tỉ đồng ngân sách thì không đủ tiền chi trả lương cho toàn bộ cán bộ công nhân viên.

“Trong khi đó, việc tuyển sinh ngày càng khó khăn, sụt giảm. Năm 2017, trường chỉ tuyển được 59 sinh viên, năm 2018 là 46 sinh viên và năm nay là 47 sinh viên.

Nhiều năm liền tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, 3 năm liên tiếp tuyển không quá 50 sinh viên nên nguồn thu của nhà trường gặp nhiều khó khăn” - ông Phú cho biết.

Cá biệt có nhiều khoa trong trường có số lượng giảng viên nhiều hơn sinh viên. Điển hình như: khoa Hội họa chỉ có 9 sinh viên trong khi có đến 13 giảng viên; khoa Điêu khắc có 3 sinh viên nhưng cũng có đến 5 giảng viên…

Nới thời gian, nhiều ngành học vẫn đóng cửa

Ông Phú cũng chia sẻ thêm, trước những khó khăn về tài chính của nhà trường, năm 2017, ông cùng hai người khác đã phải cầm cố sổ đỏ để lấy tiền trả lương cho cán bộ, giảng viên trong trường.

“Trước khi ra quyết định trên, nhà trường cũng đã họp để lắng nghe ý kiến của cán bộ, công nhân viên, đồng thời tìm cách để có được nguồn kinh phí. 

Trường cũng đã gửi văn bản lên Đại học Huế với nội dung xin mượn quỹ lương của biên chế để tạm chi trả cho lao động hợp đồng nhưng Đại học Huế không đồng ý vì không thể rút tiền biên chế chi cho giáo viên hợp đồng được”, ông Phú nói.

Lãnh đạo nhà trường cũng khẳng định trong thời gian tới sẽ tăng cường tuyển sinh để có nguồn thu. Còn khi không có nguồn tuyển sinh thì trường sẽ giải thể theo quy định.

Hiện Đại học Huế cũng có chủ trương gộp một số trường, khoa trực thuộc Đại học Huế lại với nhau.

Nhưng do Đại học Nghệ thuật mang tính đặc thù riêng nên việc sáp nhập này rất khó khăn.

THÀNH PHONG