LTS: Bộ Y tế cho biết từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp.
Phải chăng đây là một trong những bước đi nhằm hội nhập về trình độ nhân lực y khoa giữa Việt Nam và các nước ASEAN?.
Hiện nay, cán bộ các vị trí kể trên trong ngành y tế nhiều nước ASEAN đã đạt trình độ học vấn thấp nhất là hệ cao đẳng, tại Thái Lan hầu hết điều dưỡng đã đạt trình độ Đại học trở lên.
Xung quanh câu chuyện này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT để nhìn ở khía cạnh đào tạo, người học.
Nhìn từ các khía cạnh
PV: Thưa ông, Bộ Y tế vừa có thông báo, từ năm 2021 trở đi các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp. Trước mắt, từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học.
Như vậy, các trường trung cấp đào tạo y-dược sẽ có nguy cơ chấm dứt hoạt động. Xét về góc độ đào tạo ông thấy thông tin này ảnh hưởng như thế nào tới người học khi mà một bộ phận học sinh vẫn xác định vào học nghề (ở trình độ sơ cấp y-dược)?
Ông Lê Trường Tùng: Việc này có thể nhìn từ 3 khía cạnh. Ở khía cạnh nghề nghiệp, thông điệp mà Bộ Y tế muốn chuyển tải là để “hành nghề” y-dược cần được đào tạo trình độ từ cao đẳng trở lên.
Điều này có lẽ là cần thiết, không chỉ do để yên tâm hơn về kiến thức được đào tạo mà còn do tầm quan trọng của các ngành nghề liên quan đến sức khỏe con người.
Ông Lê Trường Tùng. Ảnh Xuân Trung |
Ở khía cạnh cơ sở đào tạo, việc này đồng nghĩa với “khai tử” các trường trung cấp đang đào tạo y-dược hiện nay, vài năm nữa sẽ không còn trường trung cấp y-dược nào còn tồn tại, những trường này hoặc nâng cấp lên cao đẳng, hoặc giải thể, hoặc sáp nhập vào một trường đại học – cao đẳng đang có.
Còn ở khía cạnh người học, ai đang học sơ cấp, trung cấp mà muốn theo ngành y-dược thì buộc phải “nâng cấp” (học liên thông tiếp) lên trình độ cao đẳng.
Điều này cũng khá thuận lợi vì dự kiến từ 2016, chỉ cần tốt nghiệp phổ thông là có thể vào học cao đẳng mà không còn bị quy định bởi điểm sàn hoặc điểm học tập phổ thông phải vượt một ngưỡng nào đó.
Theo ông, đây có phải là một trong những bước đi nhằm hội nhập về trình độ nhân lực y khoa giữa Việt Nam và các nước ASEAN?
Ông Lê Trường Tùng: Hội nhập chỉ là một khía cạnh mà thôi, và nếu hội nhập thì trước tiên cần hội nhập về chương trình/bằng cấp đào tạo, tức tác động vào các tổ chức đào tạo yêu cầu dừng tuyển sinh trung cấp ngành y-dược - chứ chưa phải hội nhập về chuẩn đào tạo của lao động trong từng ngành nghề.
Còn nếu nói về hội nhập liên quan đến đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng thì có lẽ chúng ta phải làm 2 việc: bỏ hẳn đi hệ trung cấp, xem đây chỉ là phần đào tạo giai đoạn đầu của chương trình cao đẳng, đồng thời cho phép đầu vào cao đẳng từ tốt nghiệp trung học cơ sở chứ không phải trung học phổ thông như hiện nay.
Khi đó vừa phù hợp với chuẩn trình độ với các nước xung quanh, vừa tạo điều kiện phân luồng sớm cho học sinh, vừa cho phép sinh viên tốt nghiệp vào đời sớm.
Tạo cơ hội cho cơ chế xin-cho?
Thông tin này được đưa ra khiến nhiều trường trung cấp y-dược như ngồi đống lửa, bởi nếu không lên được bậc cao đẳng thì chắc chắn dừng hoạt động do không đào tạo hệ trung cấp với ngành này.
Nhưng thông báo này cũng bật tín hiệu để các trường chuẩn bị điều kiện nâng cấp, “nâng cấp” bằng mọi giá không loại trừ xin-cho?
Ông Lê Trường Tùng: Việc một trường trung cấp mong muốn nâng cấp lên cao đẳng là chính đáng, với điều kiện đảm bảo các tiêu chí chất lượng tối thiểu quy định cho một trường cao đẳng.
Tôi từng đề nghị nên xem đào tạo là một lĩnh vực đầu tư tốn kém, cần đầu tư đủ tầm nêu mong muốn có một trường ra trường và có nền tảng phát triển.
Các trường trung cấp y-dược có nguy cơ giải thể. Ảnh minh họa của An ninh thủ đô |
Ngoài yêu cầu về quy hoạch đất đai, yêu cầu giảng viên, theo tôi tài chính đầu tư cho một trường cao đẳng y-dược phải ở tầm 300 - 400 tỷ, còn cho một trường đại học phải ít nhất 500 tỷ. Đầu tư được ở mức này thì chắc không có nhiều trường đâu, nên cũng hạn chế phần nào việc xin-cho.
Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây các trường ồ ạt tuyển sinh đào tạo trung cấp y dược dẫn tới tỉ lệ học viên tốt nghiệp không có việc làm chiếm tỉ lệ cao.
Với nhóm nhân lực kể trên, sẽ sớm có biện pháp điều phối và đào tạo để “xuất khẩu” điều dưỡng hiện đang có nhu cầu rất lớn ở nước ngoài. Theo ông đây có phải là giải pháp hữu hiệu từ ngành y tế?
Ông Lê Trường Tùng: “Xuất khẩu” nhân lực liên quan đến ngành sức khỏe là một định hướng tốt, nhưng để đảm bảo đủ trình độ ngoại ngũ, chuẩn chuyên môn và chất lượng đào tạo chuyên môn - đặc biệt là khi đào tạo số lượng lớn – sẽ không dễ dàng. Theo hướng này nên làm chắc từng bước, không vội được.
Để dẫn tới quyết định này của Bộ Y tế, phải chăng chúng ta đã thiết kế trình độ theo quy trình ngược, giáo dục đẻ ra các trình độ và “ép buộc” nhà sử dụng lao động phải thừa nhận và dùng nó.
Lẽ ra phải đi từ nhu cầu của thị trường lao động, để phân loại các nghề nghiệp, từ đó ứng với mỗi nghề nghiệp mà có sự đòi hỏi năng lực khác nhau; và tùy theo tính phức tạp của năng lực đòi hỏi mà chia ra các trình độ khác nhau?
Ông Lê Trường Tùng: Giáo dục Việt Nam thay đổi rất chậm. Có những quyết định như của Bộ Y tế về việc không nhận cán bộ trình độ trung cấp là một cú hích cần thiết. Sắp tới có thể còn một số ngành trung cấp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Trân trọng cảm ơn ông.
Các trường trung cấp y - dược không lên cao đẳng sẽ phải giải thể? Ông Phạm Văn Minh –Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Y – Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội cho biết, trước thông tin của Bộ Y tế, ông Minh cho biết đầu tháng 3 tới lãnh đạo nhà trường sẽ lên làm việc với Cục Đào tạo – Bộ Y tế để xem hướng như thế nào, có thể lên được cao đẳng hay không. "Nếu lên cao đẳng trường cũng sẽ tham gia đào tạo liên thông số điều dưỡng trung cấp hiện nay đang nằm ở các bệnh việc. Để đến năm 2021 tất cả các bệnh viện tuyến trung ương không còn điều dưỡng trung cấp" ông Minh nói. Phương án để lên cao đẳng, theo ông Minh còn phải chờ Luật giáo dục nghề nghiệp mới xem cụ thể như thế nào. |