Liêm sỉ nhà giáo nhìn từ vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà Giang và Sơn La

18/10/2019 06:55
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Điểm chung của phần lớn những nhà giáo có con được nâng điểm là họ đều là lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Phòng, lãnh đạo, chuyên viên của Sở Giáo dục.

Trong tiếng Việt, từ “liêm sỉ” được hiểu là đức tính của người trong sạch và biết tránh những điều làm cho mình phải xấu hổ.

Chính về thế, đối với những người công tác trong ngành giáo dục thì “liêm sỉ” lại càng được xem trọng bởi đây là ngành đào tạo, giáo dục con người.

Vậy nhưng, nhìn từ việc gian lận điểm thi, nhìn từ 2 phiên tòa đang xử ở Hà Giang và Sơn La thì chúng ta thấy rằng có rất nhiều người, trong đó có cả những nhà giáo đã không có đức tính này.

Họ nhờ các bị cáo, nhờ cấp dưới, cấp trên của mình nâng điểm cho con, khi đứng ra làm chứng để trả lời một số câu hỏi của các luật sư, của tòa án thì họ quanh co chối tội, đẩy trách nhiệm cho một số bị cáo. Thậm chí có những người còn tráo trở đổ tội cho cấp dưới của mình

Có rất nhiều người liên quan đến vụ án gian lận điểm là nhà giáo (Ảnh: Trinh Phúc)
Có rất nhiều người liên quan đến vụ án gian lận điểm là nhà giáo (Ảnh: Trinh Phúc)

Hàng loạt nhà giáo nhờ “xem điểm trước” cho con

Trong danh sách được công bố những phụ huynh có liên quan đến việc nâng điểm của con, cháu mình, chúng ta thấy có hàng loạt các nhà giáo đã và đang công tác trong ngành giáo dục.

Điểm chung của phần lớn những nhà giáo có con được nâng điểm là họ đều là lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Sở Giáo dục. Điều này cho thấy họ đều là những thành phần cốt cán trong ngành giáo dục ở các địa phương này.

Trước khi dính líu vào sự việc này, chúng tôi tin rằng họ đã nhiều lần lên lớp giảng dạy cho học trò, "lên lớp" cho cấp dưới của mình về đạo đức, về tính liêm sỉ của người thầy.

Đối với vụ án ở Hà Giang, chúng ta thấy các bị cáo như: Triệu Thị Chính, Phạm Văn Khuông, Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương…Ngoài ra có hàng chục lãnh đạo, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo có con được nâng điểm như:

La Thị Quý Trinh, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Giáo dục Hà Giang; Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên, Sở Giáo dục tỉnh Hà Giang; Nguyễn Thị Phú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non;

Phạm Thị Ngọc Hà, Chuyên viên Phòng Giáo dục Mầm non; Mạc Thị Ngân, Chuyên viên Sở Giáo dục; Trần Quốc Huy, Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học; Lê Thị Như Quỳnh, Chuyên viên Phòng khảo thí…

Không chỉ có các lãnh đạo, chuyên viên của Sở còn có hàng loạt cán bộ, lãnh đạo nhà trường phổ thông cũng “nhờ xem điểm trước” cho con.

Đối với vụ án ở Sơn La cũng vậy, chúng ta thấy hàng loạt lãnh đạo Sở Giáo dục Sơn La đang là bị cáo hoặc đang phải làm chứng cho phiên tòa như: Trần Xuân Yến, Nguyễn Ngọc Hà, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Hoàng Tiến Đức, Nguyễn Duy Hoàng, Phan Ngọc Sơn…

Cứ nhìn vào danh sách những phụ huynh đã và đang là nhà giáo liên quan đến vụ án gian lận điểm thi mà chúng ra phải rùng mình.

Họ đã liên kết thành những đường dây để “nhờ xem điểm trước”, họ đã móc ngoặc với nhau để làm những điều tối kỵ đối với người thầy.

Vậy mà, bà Triệu Thị Chính- nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang còn đề nghị cơ quan điều tra lật lại kỳ thi năm 2017. Nếu như cũng xảy ra tiêu cực nữa thử hỏi còn bao nhiêu nhà giáo vướng vào lao lý đây?

Chữ liêm sỉ trở thành xa xỉ ở chốn công đường!

Khi đứng trước phiên tòa, một số bị cáo, một số người làm chứng đồng thanh chối tội, chỉ nhận là nhờ "xem điểm trước" và đổ lỗi cho nhau.

Ông Trần Xuân Yến thì chối việc bàn bạc, thống nhất nâng điểm với cấp dưới, phủ nhận lại lời khai của mình trước đây với cơ quan điều tra nên chỉ nhận là nhờ xem điểm trước cho 13 thí sinh.

Triệu Thị Chính thì cũng chỉ nhận nhờ xem điểm cho 13 thí sinh. Nhiều nhà giáo nói lời thản nhiên là chỉ nhờ xem điểm cho con, có người còn chối bay, chối biến việc tác động để con mình được nâng điểm.

Đến nỗi, sau khi tham gia chất vấn ông Trần Quốc Huy (chuyên viên Phòng Trung học -Sở Giáo dục Đào tạo Hà Giang- người có cháu ruột được nâng điểm) thì luật sư Hoàng Văn Hướng đã phải thốt lên rằng:

“Ông với tư cách là một nhà giáo, một người làm giáo dục ông thấy liêm sỉ của các ông có còn không?”.

Liêm sỉ nhà giáo nhìn từ vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà Giang và Sơn La ảnh 3Bị cáo Nga khai được Yến gọi vào phòng bàn cách làm thế nào để nâng điểm

Câu hỏi thảng thốt của luật sư Hoàng Văn Hướng đã khiến ông Trần Quốc Huy im lặng và chúng tôi tin rằng còn có nhiều người tham gia phiên tòa chết lặng. Chữ "liêm sỉ" chốn công đường sao mà xa xỉ đến vậy cơ chứ?

Phải nói thẳng ra rằng nếu chỉ nhờ "xem điểm trước" thì chẳng bao giờ có chuyện gian lận điểm thi động trời ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình trong kỳ thi năm 2018.

Nếu chỉ nhờ xem điểm trước thì hàng trăm phụ huynh có con được nâng khống điểm không phải chịu những búa rìu dư luận suốt hơn 1 năm qua. Tất nhiên, họ cũng không bao giờ cam chịu hình thức kỷ luật dù là khiển trách hay chỉ bị đề nghị kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Tất nhiên, hàng trăm thí sinh đang là sinh viên năm nhất bị các trường đại học trả về địa phương sẽ làm đơn khiếu nại, kiện cáo từ lâu rồi. Những người như ông Hoàng Tiến Đức, Trần Trọng Đắc không phải đi chữa bệnh dài ngày hết đợt này đến đợt khác.

Chúng tôi còn nhớ, khi trao đổi với báo chí về sự việc gian lận điểm thi năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình.

Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ này”.

Tuy nhiên, sau rất nhiều sự kiện thì những phụ huynh có con được nâng điểm nói chung và những phụ huynh là nhà giáo nói riêng vẫn chưa có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc nào.

Thiết nghĩ, thời điểm này cũng là lúc phù hợp để lãnh đạo Bộ và cá nhân Bộ trưởng phối hợp với các địa phương thực hiện chủ trương này!

NGUYỄN NGUYÊN