Việc quản lý dạy thêm, học thêm sắp tới sẽ như thế nào?

19/10/2019 07:10
BÙI NAM
(GDVN) - Sở/Phòng giáo dục không đủ chức năng, cơ sở để cấp phép, thu thuế… cho các tổ chức (trung tâm dạy thêm) và các cá nhân dạy thêm để thu tiền học sinh.

Ngày 26/8/2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT Quyết định về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Có thể hiểu là đến thời điểm này thì chỉ duy nhất việc dạy thêm trong nhà trường do Sở/Phòng giáo dục cấp phép, còn việc dạy thêm bên ngoài nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào đều đã chấm dứt, việc dạy thêm bên ngoài nhà trường là vi phạm pháp luật.

Nhưng rất nhiều người thắc mắc rằng, việc dạy thêm ngoài nhà trường có bị cấm vĩnh viễn hay sẽ được thay đổi như thế nào?

Vấn nạn dạy thêm, học thêm trái phép (Ảnh: P.L).
Vấn nạn dạy thêm, học thêm trái phép (Ảnh: P.L).

Trong phạm vi bài viết, dưới góc nhìn của tác giả, tôi xin nêu ra vài quan điểm về việc quản lý, cấp phép dạy thêm trong thời gian tới.

Sở/Phòng giáo dục ngừng cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường là đúng đắn

Hiện nay, việc dạy thêm thực hiện theo thông tư 17/TT BGD–ĐT ban hành về dạy thêm thì việc cấp phép cho giáo viên được Sở/Phòng giáo dục cấp đã trái với Luật đầu tư, kinh doanh ngành nghề nên việc ra quyết định 2499/QĐ-BGDĐT là đúng đắn, phù hợp.

Sở/Phòng giáo dục không đủ chức năng, cơ sở để cấp phép, thu thuế… cho các tổ chức (trung tâm dạy thêm) và các cá nhân dạy thêm để thu tiền học sinh vì đó xem như một ngành nghề kinh doanh có thu nhập.

Chính vì lý do trên, khi thực hiện theo thông tư 17 thì việc dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan, việc khai báo thu nhập, đóng thuế của tổ chức và cá nhân dạy thêm diễn ra “bát nháo”, thu nhập của các trung tâm, giáo viên dạy thêm rất lớn nhưng nhà nước thu thuế chỉ nhỏ giọt, làm thất thu ngân sách từ việc đóng thuế của các tổ chức cá nhân.

Do đó, việc quản lý dạy thêm phải thay đổi là một tất yếu.

Nơi tổ chức dạy thêm

Hiện nay, việc dạy thêm được thực hiện tại các trung tâm dạy thêm, nhà giáo viên... thì sắp tới việc dạy thêm sẽ được diễn ra không còn ở các địa điểm trên mà được tổ chức tại các doanh nghiệp (công ty) dạy thêm theo Luật đầu tư.

Không thu hồi giấy phép đã cấp là không công bằng và khó kiểm soát dạy thêm
Không thu hồi giấy phép đã cấp là không công bằng và khó kiểm soát dạy thêm

Đơn vị cấp phép đầu tư, kinh doanh dạy thêm sẽ được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép và Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chuyên môn.

Mỗi doanh nghiệp (công ty) dạy thêm phải có đầy đủ thành phần gồm chủ doanh nghiệp (giám đốc), kế toán, thủ quỹ… chịu trách nhiệm trước pháp luật về quy định kinh doanh, đóng thuế của doanh nghiệp (công ty).

Doanh nghiệp (công ty) có con dấu, mã số thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên dạy thêm tại nơi làm việc.

Đối tượng dạy thêm tại doanh nghiệp (công ty) dạy thêm

Như đã nói, việc thành lập doanh nghiệp (công ty) dạy thêm là nơi làm việc thì nhiệm vụ phải ký kết hợp đồng làm việc với đối tượng dạy thêm tại cơ sở.

Để được ký kết hợp đồng làm việc thực chất là dạy thêm thu tiền thì cá nhân trên phải được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ để dạy thêm thu tiền, bên cạnh còn phải đảm bảo các yếu tố khác như sức khỏe, lý lịch… theo quy định về kinh doanh.

Cá nhân dạy thêm được hưởng quyền lợi làm việc, nghỉ ngơi của người lao động theo Luật lao động, được hưởng lương theo hợp đồng ký kết và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ theo quy định pháp luật.

Cá nhân làm việc phải ký kết hợp đồng trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả công việc (kiến thức đầu ra) cho học sinh, giảng dạy theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Học sinh học thêm tại doanh nghiệp (công ty) dạy thêm thì đóng học phí cho thủ quỹ, được cấp hóa đơn đỏ theo đúng quy định.

Cấm tổ chức dạy thêm ở ngoài nhà trường
Cấm tổ chức dạy thêm ở ngoài nhà trường

Việc quản lý chặt chẽ sẽ giúp các doanh nghiệp (công ty) làm đúng theo quy định pháp luật vừa giúp ngân sách tăng thu vừa tạo điều kiện cho các giáo sinh mới ra trường hay giáo viên nghỉ hưu, giáo viên đang công tác có thêm thu nhập chính đáng.

Tôi thiết nghĩ song hành với việc căn cơ là tăng thu nhập cho giáo viên, thì việc hạn chế giáo viên bên ngoài nhà trường là việc nên làm để giáo viên tập trung, yên tâm công tác vừa giúp giảm bớt tiêu cực do dạy thêm gây ra.

Việc dạy thêm bên ngoài nhà trường nên để các giáo sinh chưa có việc làm, giáo viên về hưu…

Khi được cấp giấy phép kinh doanh dạy thêm, nếu các doanh nghiệp (công ty) không khai báo và đóng thuế đầy đủ có thể bị khởi tố về tội trốn thuế theo Luật hình sự.

Nếu các doanh nghiệp (công ty) dạy thêm tổ chức bài bản, khoa học hợp lý... vừa nâng cao kiến thức thực chất cho học sinh vừa tạo điều kiện việc làm cho nhiều người, góp phần thúc đẩy cho nền giáo dục phát triển thực chất.

Bên cạnh đó, việc thành lập và tạo điều kiện tối đa cho các trường tư thành lập và hoạt động là giải pháp nên được khuyến khích, nó cũng góp phần làm cho nền giáo dục tốt hơn, giảm chi ngân sách của nhà nước cho giáo dục.

BÙI NAM