Ngày 26/8/2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Không quy định chặt chẽ thì dẹp dạy thêm ngoài nhà trường sẽ nở rộ học thêm trong nhà trường (Ảnh minh họa Báo Công Lý) |
Nếu thực hiện đúng theo tinh thần của Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT chắc chắn sẽ không còn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Có thể nói, nhiều năm qua, sự xuất hiện của không ít trung tâm dạy thêm ở nhiều địa phương tạo cho việc dạy thêm trở thành vấn nạn chính là do sự “trợ giúp” đắc lực của Thông tư 17.
Thông tư 17 không cho phép dạy thêm tràn lan, nhưng nhiều giáo viên đã biết lợi dụng kẻ hở để mưu cầu lợi riêng.
Đó là việc cấp giấy phép dạy thêm quá dễ dàng được quy định trong Thông tư 17 (hầu như giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông nào muốn dạy thêm đều có thể xin được giấy phép vì ai cũng đủ điều kiện).
Việc mở trung tâm dạy thêm, trung tâm bồi dưỡng kiến thức…cũng không có gì khó.
Nay, các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 trong Thông tư 17 đã được bãi bỏ, đơn vị nào sẽ đứng ra “dọn dẹp” vấn nạn dạy thêm tràn lan hiện nay?
Ai sẽ đứng ra thu hồi giấy phép dạy thêm của giáo viên và giấy phép tổ chức dạy thêm của các trung tâm đã cấp?
|
Trước đây, cấp phép dạy thêm và mở trung tâm dạy thêm bậc trung học phổ thông do Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo cấp.
Giấy phép dạy thêm và mở trung tâm dạy thêm bậc trung học cơ sở do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp.
Vậy nên, nay thu hồi giấy phép dạy thêm của giáo viên và các trung tâm cũng phải do các Sở/ Phòng giáo dục của địa phương ấy đảm nhiệm.
Nhưng nghịch lý đang xảy ra, khá nhiều nơi, không chỉ con cái, bà con thân thích mà chính bản thân lãnh đạo trường học, một số cán bộ cấp Phòng/Sở đang trực tiếp dạy thêm bên ngoài.
Trong số đó, cũng có không ít người là chủ nhân của một số trung tâm dạy thêm trên địa bàn.
Họ có đủ công tâm để thu hồi giấy phép dạy thêm của con cháu mình?
Có đủ “dũng cảm”, nghĩa khí để đóng cửa cái trung tâm dạy thêm của mình, của vợ con mình đang ăn nên làm ra hằng ngày như thế?
Thật cũng chẳng dễ dàng gì! Thế nên cách mà người ta sẽ làm là lờ đi xem như không biết có sự sửa đổi Thông tư 17 và hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn cứ thế tiếp diễn như bình thường.
Nếu thực hiện đúng chỉ đạo của Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT, nếu những người lãnh đạo các cấp có liên quan gương mẫu thì việc dạy thêm tràn lan ngoài nhà trường chắc chắn sẽ chấm dứt.
Hiện nay, chỉ còn việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường là hợp pháp. Bởi thế, bất kể giáo viên nào đang công tác trong ngành giáo dục có dạy thêm tại nhà hay dạy tại trung tâm đều đang vi phạm pháp luật.
|
Nhưng, dẹp dạy thêm ngoài nhà trường thì dạy thêm trong nhà trường chắc chắn sẽ “sốt” vì học sinh của chúng ta hiện nay không thể không đi học thêm.
Dạy thêm, học thêm trong nhà trường “lên ngôi”?
Nhu cầu học thêm là có thật, có học sinh học thêm để bổ sung những kiến thức đã hổng ở lớp dưới. Có em lại muốn học nâng cao mới đủ sức thi vào những trường học lớn…
Với tình hình thi cử hiện nay, học một đằng thi một nẻo cùng với nhiều kiến thức hàn lâm, quá sức với học sinh thì các em không đi học thêm sẽ không thể được.
Nhưng xưa nay, học sinh toàn chọn học thêm bên ngoài mà chẳng mặn mà gì khi đăng ký học trên trường.
Lý do thật đơn giản vì học ở nhà các em được chọn thầy cô theo ý mình, được chọn môn học (môn yếu đi học, môn đã nắm chắc kiến thức thì tự học).
Còn học trên trường theo kiểu bị ép buộc cả về giáo viên dạy và phải học cả những môn học bản thân người học không có nhu cầu.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi một số điều trong Thông tư 17 là việc cần làm và rất đáng ghi nhận.
Thế nhưng nếu không có quy định chặt chẽ việc dạy thêm trong nhà trường (học trên tinh thần tự nguyện, học sinh được đăng ký môn học, đăng ký giáo viên dạy…) thì sẽ càng tạo thêm gánh nặng, tạo thêm áp lực lên học sinh gấp nhiều lần hơn thế.