Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài "Kỷ luật buộc thôi việc cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh đúng hay sai?" số ra ngày 31/8/2019.
Trong bài viết có đề cập đến 02 quyết định lạ, câu hỏi có phải 02 quyết định này chính là tác nhân dẫn tới việc cô giáo Hoài Thanh bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc đã từng được đặt ra và cho đến nay vẫn đang chờ được cơ quan có chức năng của địa phương giải đáp.
Theo đó, ngày 08/8/2017, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) đã ban hành Quyết định số 1022/QĐ-PGDĐT để “điều động” cô Hoàng Thị Hoài Thanh, giáo viên Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước nhận nhiệm vụ tại Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu, thị Trấn Cái Nước, huyện Cái Nước.
Quyết định số 1022/QĐ-PGDĐT để “điều động” cô Hoàng Thị Hoài Thanh nhận nhiệm vụ tại Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu. |
Một năm sau đó, ngày 22/08/2018, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước lại ban hành Quyết định số 841/QĐ-PGDĐT để “điều động” cô Hoàng Thị Hoài Thanh quay lại nhận nhiệm vụ tại Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông.
Quyết định số 841/QĐ-PGDĐT để “điều động” cô Hoàng Thị Hoài Thanh quay lại nhận nhiệm vụ tại Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông. |
Như tin đã đưa, để ban hành quyết định “điều động” cô Hoàng Thị Hoài Thanh từ trường này sang trường khác như một con thoi, nhưng căn cứ pháp lý được áp dụng trong các quyết định nói trên rất mơ hồ và thiếu tính thuyết phục.
Cụ thể, căn cứ được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước áp dụng trong cả 02 quyết định điều động cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh là:
Căn cứ Quyết định số 346/QĐ-UBND ngày 28/4/2008 của Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước về việc thành lập Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước.
Căn cứ Công văn số 1251/UBND ngày 22/8/2016 của Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước về việc giao quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo.
Tiếp tục tìm hiểu về công văn Công văn số 1251/UBND ngày 22/8/2016 của Ủy ban Nhân dân huyện Cái Nước về việc giao quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi càng ngạc nhiên khi tính pháp lý của công văn này cũng mơ hồ không kém các quyết định nói trên.
Để rõ hơn, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải toàn văn Công văn số 1251/UBND ngày 22/8/2016 của Ủy ban Nhân dân huyện Cái Nước.
Công văn số 1251/UBND ngày 22/8/2016 của Ủy ban Nhân dân huyện Cái Nước. |
Công văn số 1251/UBND hiện nay đã được Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước thu thập làm chứng cứ cho vụ kiện về việc “Tranh chấp về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại” theo Quyết định thụ lý xét xử sơ thẩm số 01/2019/TLST-LĐ mà cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh là nguyên đơn.
Văn bản này được tiếp nhận do Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước cung cấp và Tòa án cũng xác nhận: “Hiện tại, Tòa án chưa xác định được tính xác thực của tài liệu này vì không có văn bản gốc để đối chiếu” (?)
Được biết, hiện nay Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 27/4/2016 Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, viên chức thuộc thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành vẫn đang còn hiệu lực pháp luật.
Theo văn bản quy phạm pháp luật này, thẩm quyền tiếp nhận, chuyển công tác đối với viên chức được quy định như sau:
“Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chuyển công tác đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo yêu cầu công tác trong cơ quan, đơn vị (trừ trường hợp chuyển viên chức thành công chức)” (Khoản 1, Điều 22, Quyết định 08/2016/QĐ-UBND).
Như vậy có thể khẳng định: thẩm quyền quyết định điều chuyển công tác cho viên chức (cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh) là của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước chứ không phải là của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo.
Đồng thời, xét các nội dung Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước “giao quyền” cho Trưởng phòng Giáo dục được thể hiện trong công văn số 1251/UBND, Trưởng phòng Giáo dục huyện Cái Nước chỉ được:
“Giao quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ra quyết định điều động viên chức từ trường thừa sang trường thiếu; từ giáo viên thừa xuống nhân viên và công nhận, không công nhận Hội đồng các trường thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý”.
Nhưng cả 02 căn cứ đã được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước viện dẫn trong quyết định điều chuyển công tác cho cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh, không có căn cứ nào thể hiện cô Hoài Thanh đã được điều chuyển từ trường thừa sang trường thiếu và ngược lại.
Chưa được 1 năm, 2 lần bị chuyển trường và 2 lần nhận kỷ luật buộc thôi việc |
Hiện nay, chúng tôi chưa được tiếp cận tài liệu để minh chứng cho việc giáo viên thừa - thiếu của Trường tiểu học và trung học cơ sở Võ Thị Sáu cũng như Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông năm học 2016-2017 và năm học 2017-2018.
Nhưng, trong các bút lục số 70; 71; 72/BL-TA (là bản trình bày ý kiến với Tòa) ông Nguyễn Bá Quyền - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông đã khẳng định: năm học 2018-2019 Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông đang thừa 05 giáo viên.
Như vậy, xét phạm vi Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước “giao quyền” cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo được thể hiện trong công văn số 1251/UBND thì cả 02 quyết định điều động cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh do Trưởng phòng Giáo dục đã ban hành đều có dấu hiệu “lạm quyền”.
Ngoài ra, vụ việc này còn cho thấy, nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến điều chuyển công tác, chuyển đổi vị trí việc làm đối với giáo viên (cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh) cũng không được những người có chức trách trong ngành giáo dục huyện Cái Nước thực thi đúng pháp luật.
Cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh đã bị kỷ luật buộc thôi việc, danh dự của một nhà giáo đã bị hủy hoại, cuộc sống của gia đình chao đảo bởi các nguyên nhân trên.
Hiện tại, vụ kiện vẫn đang được Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước xem xét và sẽ đưa ra xét xử, nhưng hy vọng rằng từ các thông tin mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cung cấp, ánh sáng của công lý sẽ sớm đến với cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh.