Trong bài viết số ra ngày 31/8/2019 của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: “Kỷ luật buộc thôi việc cô giáo Hoài Thanh đúng hay sai?” có đề cập đến 02 quyết định lạ.
Và, câu hỏi liệu có phải chính 02 quyết định này là tác nhân dẫn tới việc cô giáo Hoài Thanh bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc hay không, đang rất cần được các cơ quan chức năng có liên quan làm rõ.
Được biết, ngày 8/8/2017, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1022/QĐ-PGDĐT để “điều động” cô Hoàng Thị Hoài Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước nhận nhiệm vụ tại Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, Thị Trấn Cái Nước, huyện Cái Nước.
Và, ngày 22/08/2018, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước lại ban hành Quyết định số 841/QĐ-PGDĐT để “điều động” cô Hoàng Thị Hoài Thanh, quay lại nhận nhiệm vụ tại Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước.
Điều khá kỳ lạ là, cả 02 quyết định nói trên đều áp dụng thuật ngữ “điều động viên chức” để điều chuyển công tác cho cô Hoài Thanh.
Kỷ luật buộc thôi việc cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh đúng hay sai? |
Nhưng, theo các văn bản pháp quy hiện hành, công tác điều động chỉ áp dụng đối với cán bộ công chức.
Viên chức hoàn toàn không thuộc trường hợp được “điều động” mà chỉ có thể áp dụng thực hiện “biệt phái” khi đơn vị có nhu cầu.
Cũng chính từ 02 quyết định “điều động viên chức” lạ kỳ nói trên, có thêm khá nhiều điều phải nói là hy hữu trong vụ việc xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh.
Theo đó, chỉ từ ngày 08/8/2017 đến ngày 22/8/2018, chưa tròn một năm, cô Hoàng Thị Hoài Thanh đã bị chuyển trường tới 02 lần và cũng bị nhận tới 02 lần kỷ luật với hình buộc thôi việc.
Không chỉ kỳ lạ, quyết định “điều động viên chức” của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước cũng giản đơn đến kinh ngạc khi áp dụng các căn cứ khó hiểu.
Để “điều động viên chức”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước đưa ra các căn cứ là:
Căn cứ Quyết định số 346/QĐ-UBND ngày 28/4/2008 của Ủy ban Nhân dân huyện Cái Nước về việc thành lập Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước;
Căn cứ Công văn số 1251/UBND ngày 22/8/2016 của Ủy ban Nhân dân huyện Cái Nước về việc giao quyền cho trường Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Thực tế, 02 quyết định do trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước đã ban hành để chuyển đổi đơn vị công tác cho cô giáo Hoài Thanh chính là loại hình văn bản áp dụng pháp luật.
Nhưng văn bản áp dụng pháp luật phải được ban hành trên cơ sở pháp luật, theo trình tự, thủ tục luật định nhằm điều chỉnh cá biệt đối với các tổ chức, cá nhân.
Nay chỉ với căn cứ “được giao quyền” như trên, trưởng Phòng Giáo dục huyện Cái Nước đã ban hành 02 quyết định để chuyển đổi đơn vị công tác của viên chức mà không xét tới các điều kiện cụ thể, dẫn đến việc “điều động” trái đối tượng từ đó đã gây ra quá nhiều hệ lụy cho cô giáo Hoài Thanh.
Quyết định kỷ luật lần 1 đối với cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh |
Quyết định kỷ luật lần 2 đối với Hoàng Thị Hoài Thanh |
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông có thẩm quyền xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh hay không?
Như tin đã đưa, ngày 14/12/2018, cô Hoàng Thị Hoài Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã bị ông Phạm Bá Quyển, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau ký Quyết định 14/QĐ-THCSTHĐ về việc xử lý kỷ luật viên chức với hình thức “buộc thôi việc”.
Xét theo nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng, được quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh là hiệu trưởng nhà trường.
Bởi, quyền hạn của hiệu trưởng trường trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được quy định trong Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học là:
“Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên; thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước” (Điểm đ, Khoản 1, Điều 19).
Những bất thường trong việc xử lý kỷ luật cô giáo Cà Mau |
Cũng xét theo quy định tại Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 6/4/2012, quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh chính là hiệu trưởng - người đứng đầu đơn vị (Khoản 2, Điều 14).
Như vậy, các quy định về thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật viên chức đã rất rõ ràng, hiệu trưởng chính là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức nên có thẩm quyền tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với viên chức/ giáo viên.
Nhưng, trong vụ việc kỷ luật buộc thôi việc đối với cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh, ông Phạm Bá Quyển, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau có trách nhiệm và thẩm quyền xử lý kỷ luật hay không lại là điều cần cơ quan chức năng xem xét lại.
Chưa ký hợp đồng làm việc với cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông căn cứ vào đâu để đánh giá và kỷ luật viên chức?
Theo nguyên tắc pháp lý hiện hành về quản lý viên chức, một trong các điều kiện để cô Hoài Thanh được chuyển công tác là phải được hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Thị Sáu ký văn bản chấm dứt hợp đồng lao động.
Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông có làm việc tùy hứng? |
Tuy nhiên, khi được hỏi về văn bản chấm dứt hợp đồng đối với đơn vị cũ và bản hợp đồng mới của Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, cô giáo Thanh nói:
“Tôi không biết các thủ tục pháp lý về việc chấm dứt hợp đồng đơn vị cũ và ký kết hợp đồng làm việc ở đơn vị mới.
Tôi nhận quyết định của Phòng Giáo dục thì chỉ biết đem trình cho các hiệu trưởng liên quan để chuyển đi và chuyển đến”.
Như vậy, tính đến thời điểm nhận Quyết định số 841/QĐ-PGDĐT ngày 22/08/2018, của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước, cô Hoàng Thị Hoài Thanh vẫn chưa được Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học Võ Thị Sáu chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị này.
Đồng thời, mặc dù đã trình Quyết định số 841/QĐ-PGDĐT ngày 22/08/2018 cho Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông nhưng cho đến ngày bị buộc thôi việc, cô Hoàng Thị Hoài Thanh vẫn chưa được ông Phạm Bá Quyển, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông ký hợp đồng tiếp nhận (?).
Trong khi đó, Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 quy định về việc chấm dứt hợp đồng làm việc trong trường hợp viên chức chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác như sau:
“Viên chức chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập đang làm việc (Khoản 1, Điều 14).
Việc chấm dứt hợp đồng làm việc phải được thể hiện bằng văn bản có xác nhận của viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc.
Văn bản chấm dứt hợp đồng làm việc được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản (Khoản 2, Điều 14)”.
Đồng thời, để đánh giá viên chức, Khoản 1, Điều 40, Luật viên chức 2010 có quy định:
Việc đánh giá viên chức được thực hiện dựa trên các căn cứ sau:
1. Các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết;
2. Quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của viên chức;
Nay, đơn vị cũ chưa chấm dứt hợp đồng để cho đi, đơn vị mới thì chưa ký kết hợp đồng giao việc, vậy hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông căn cứ vào đâu để đánh giá sai phạm và xem xét kỷ luật buộc thôi việc đối với cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh?