Cán bộ quản lý nói sách Công nghệ giáo dục tốt, giáo viên chê dở

23/10/2019 06:37
Đỗ Thơm
(GDVN) - Sách Công nghệ giáo dục không phải trong chương trình cải cách cũng không phải chương trình năm 2000 thế mà được đưa vào triển khai đến một triệu học sinh.

Chiều ngày 22/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại tổ, đại biểu Bùi Văn Phương – Phó Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh ý nghĩa kết quả nổi bật về kinh tế trong năm qua đã tập trung tăng trưởng đi vào chiều sâu, bền vững.

Lòng tin của người dân được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện. Đặc biệt là việc Đảng, Nhà nước kiên quyết xử lý các sai phạm, không khoan nhượng dù đó là bất cứ ai.

Đại biểu Bùi Văn Phương. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Bùi Văn Phương. Ảnh: Quochoi.vn

Cơ sở pháp lý nào khi triển khai sách Công nghệ giáo dục cho hàng triệu học sinh?

Về các tồn tại bất cập, đại biểu Bùi Văn Phương nêu một vấn đề về giáo dục mà ông được nhiều cử tri phản ánh.

“Gần đây, câu chuyện về sách Công nghệ giáo dục lớp 1 để lại băn khoăn không biết như thế nào.

Tôi đọc bài Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào có gửi kiến nghị lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để nói rằng sách Công nghệ giáo dục là rất hay, rất tốt. Nhưng vấn đề đặt ra cho người ta băn khoăn nó là cái gì.

Sách Công nghệ giáo dục lớp 1 không phải chương trình cải cách giáo dục cũng không phải chương trình năm 2000 thế mà được đưa vào triển khai đến gần 930.000 học sinh tiểu học, 48 tỉnh triển khai.

Trong khi đó, đây vẫn là chương trình thực nghiệm chưa có đánh giá tổng kết”, đại biểu nêu.

Theo đại biểu điều người ta rất băn khoăn nữa là đến bây giờ Hội đồng thẩm định sách giáo khoa thẩm định thì kết luận bộ sách không đạt yêu cầu của chương trình giáo dục mới.

Vậy, cơ sở pháp lý nào để triển khai diện rộng sách Công nghệ giáo dục, cần phải làm rõ.

“Đối với vấn đề giáo dục của mỗi quốc gia, nó không phải là vấn đề giản đơn. Đây là chuyện người ta rất băn khoăn.

Phải xem nó là cái gì, bộ sách có phải thật sự là vấn đề khoa học không, có thật sự tốt, cơ sở thực tiễn có tốt chưa? Tại sao Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia lại đánh giá là không đạt. Vậy gần 1 triệu học sinh đã học thì thế nào?”, đại biểu băn khoăn.

Đại biểu cho hay, đại biểu quan tâm lắng nghe và về vấn đề này có rất nhiều ý kiến trái chiều.

“Cán bộ quản lý của Sở thì nói sách hay, tốt nhưng hỏi giáo viên có hay, có tốt không thì ở trong hội nghị họ nói hay, ngoài hội nghị lại nói dở.

Vậy chúng tôi hỏi tại sao không nói trong hội nghị thì họ bảo không được nói trái chiều”, ông kể lại.

Theo đại biểu, vấn đề chất lượng giáo dục phải rất quan tâm. Đặc biệt là chất lượng giáo dục đại học.

Chúng ta tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông khi có nhiều ý kiến thì đổi mới bằng cách gộp 2 kỳ thi thành một kỳ thi quốc gia.

Kỳ thi vào đại học do các trường tổ chức được tin cậy hơn cả trong các cuộc thi lại đưa ngược về tập trung vào kỳ thi người ta không thấy tin cậy nữa.

“Vụ việc gian lận điểm thi vỡ lở ở 3 nơi. Đó là những nơi vỡ lở, nếu xem xét kỹ nhiều người nghi ngờ là không chỉ ở 3 nơi”, đại biểu nói.

Đại biểu dẫn thêm vụ việc gây lo lắng về chất lượng giáo dục. Gần đây nhất là vụ cô Trần Thị Ngọc Ái Sa, chưa học Trung học phổ thông mà vẫn học xong đại học, thạc sĩ.

Chuyên gia lưu ý 7 vấn đề liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Chuyên gia lưu ý 7 vấn đề liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Dư luận đặt hai khả năng một là cô ta là thần đồng, hai là đào tạo đại học của chúng ta quá dở nên mới lọt.

Thần đồng chắc không phải vì nếu giỏi đã thi vào được cấp 3. Ở đây chỉ có thể là đào tạo đại học của chúng ta quá dễ dãi. Từ đầu vào, kiểm định, cấp bằng rất nhiều vấn đề cần băn khoăn.

Hết tách cấp 1, cấp 2 riêng giờ lại nhập chỉ để bớt 1 hiệu trưởng, 1 kế toán

Đại biểu Bùi Văn Phương cũng kiến nghị với Chính phủ về chủ trương tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy. Theo đại biểu, chúng ta đang làm nhưng dường như đang chạy theo số lượng.

“Nghị quyết của Trung ương nhấn mạnh tinh giản phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhưng dường như mới chạy theo tinh giản thuần túy, cơ học.

Đại biểu ví dụ, Nghị quyết 19 nói có thể bố trí trường phổ thông nhiều cấp học ở nơi phù hợp. Và nhận thức về vấn đề này đang rất khác nhau.

“Nhiều nơi đang lên kế hoạch là từ nay đến 2030, mỗi xã chỉ còn một trường. Tôi rất băn khoăn.

Trước đây, khi bắt đầu cải cách, chúng ta đã nhập cấp 1 và cấp 2 thành một trường phổ thông cơ sở. Sau 10 năm triển khai không ổn lại tách ra trường tiểu học và Trung học cơ sở nay lại gộp 2 thành một để tiết kiệm một ông hiệu trưởng, một kế toán.

Vậy hiệu quả giáo dục của trường nhập nhiều cấp thế nào?  Chúng tôi có xuống các trường nhập 2 cấp thành một trường thì nguyên tắc hiệu trưởng cấp 2 sẽ là hiệu trưởng trường nhập mới.

Nhưng hiệu trưởng cấp 2 chỉ đạo chuyên môn tiểu học thì lại không hiểu, giáo viên tiểu học không phục, họ rất ức chế.

Không có nghiên cứu, cứ làm phong trào thế có khi hậu quả sẽ rất khó lường với chất lượng giáo dục”, đại biểu băn khoăn nói.

Đỗ Thơm