Bên hành lang Kỳ họp Quốc hội sáng ngày 22/10, ông Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã trao đổi với báo giới về một số vấn đề xung quanh vụ việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước mà Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) khai thác, bán cho dân.
Phó Bí thư trường trực tỉnh ủy Hòa Bình cho biết: "Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, làm rõ”.
Ông Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Huyền |
Về vấn đề đảm bảo nguồn nước, tỉnh đang có hướng đề nghị làm sao là nước mặt sông Đà thì họ (Công ty Viwasupco – phóng viên) phải lấy ở nước mặt sông Đà là chính.
Họ phải bơm từ sông Đà lên và có bể chứa, sau đó mới bơm lên lọc, chuyển về Hà Nội. Còn hiện tại đang ở hồ Đầm Bài với 16 km2 nên khi mưa nước lưu vực xuống nhiều.
Ở đây là vấn đề kiểm soát nguồn vào và trách nhiệm của nhà máy phải nâng cao hơn.
Trước thực tế là tại cuộc họp báo về vụ việc này, đại diện của Công ty Viwasupco chưa xin lỗi mà cho rằng, sau khi có kết luận cuối cùng sẽ xin lỗi, thậm chí, nói mình là nạn nhân chịu thiệt hại lớn, ông Trần Đăng Ninh cho rằng: “Theo tôi, đã cung cấp nước sạch cho người dân thì phải đảm bảo chất lượng. Khi chưa đảm bảo thì trước hết phải nhận trách nhiệm là người cung cấp nước cho người dân.
Bây giờ công ty nói thực chất một số số liệu vẫn đảm bảo nhưng người dân phản ánh nước đó có mùi khét thì công ty phải chịu trách nhiệm”.
Đại biểu Quốc hội lo cho sức khoẻ của hàng triệu dân Thủ đô |
Trả lời câu hỏi là liệu những người đại diện công ty có quá “kiệm lời” xin lỗi, ông Ninh chia sẻ quan điểm: “Người đại diện ở cuộc họp báo ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc công ty nói là người làm thuê, còn tại buổi họp báo ở Hòa Bình là Phó Giám đốc đến. Theo tôi dự đoán anh này khả năng, trách nhiệm chỉ đến mức độ vậy thôi”.
Nói thêm về vấn đề đảm bảo an toàn nguồn nước, ông Ninh nhấn mạnh: "Hiện vị trí ở đó 16km2, cả khu vực rất lớn, nên việc kiểm soát phải thường xuyên.
Bây giờ tất cả lắp camera, rải lực lượng công an thì không thể mà có lực lượng lớn như vậy. Cho nên anh dùng nguyên liệu đầu vào bao nhiêu nước thì anh phải kiểm soát đầu vào.
Nhưng như tôi nói ban đầu, công ty nước phải kiểm soát đầu vào nguyên liệu của anh sản xuất. Tất cả, nguyên liệu anh sản xuất phải bảo đảm”.
Trước ý kiến cho rằng việc xử lý vừa qua của các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình còn chậm, lúng túng, ông Ninh nói: “Thực ra trách nhiệm của trên địa bàn, khi nhận được thông tin thì anh em cũng đi xác định ở những vị trí đó.
Về sau công ty cũng thuê đơn vị trung tâm xử lý, khi mình xuống thì cũng thấy trung tâm đang xử lý, dừng cung cấp nước.
Tôi cũng đã gặp anh Tốn. Anh Tốn nói rất băn khoăn vì tất cả thông số không có vấn đề gì. Nhưng thực tế, người dân thấy mùi khét rất ghê. Mình đến ở bên ngoài nhà máy đã thấy mùi khét ngay, mùi khét như cao su cháy và mùi rất khủng khiếp”.
Liên quan đến vụ việc nước nhiễm dầu cung cấp từ Nhà máy nước Hoà Bình, người dân rất băn khoăn vì không biết nhà máy này lấy nước thế nào, quy trình lọc ra sao mà lại để lọt dầu vào nước ăn của dân.
Sự việc này cũng đặt ra vấn đề cần phải xem xét nghiêm túc vấn đề an ninh nguồn nước.
Phải xem lại toàn bộ các nhà máy nước đang bán nước sinh hoạt cho dân khai thác từ nguồn nào, sử dụng quy trình công nghệ gì? Nước bơm tới nhà dân có thực sự an toàn không? Ai kiểm tra, giám sát quá trình này?
Sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu khiến hàng nghìn gia đình ở Hà Nội lao đao. Ông Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết khi đến khu vực ngoài nhà máy đã thấy mùi nồng nặc. Như vậy chẳng lẽ nhà máy không biết mà vẫn bơm nước tới người dân? ảnh: ND. |
Để giải quyết triệt để vấn đề này rất cần sự chỉ đạo từ Chính phủ và vai trò giám sát của Quốc hội, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... phải gương mẫu đi đầu.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khoá 13 nói với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: “Tôi hy vọng ở kỳ họp cuối năm 2019, Quốc hội sẽ quan tâm tới vấn đề nước sinh hoạt của nhân dân, bởi nước uống quan trọng không kém gì bất cứ loại thực phẩm nào, nhưng hiện nay nhiều người chưa thực sự đánh giá đúng mức độ nguy hại với “nước sinh hoạt bẩn” là vì nó không gây bệnh ngay lập tức, không gây chết người ngay lập tức.
Nhưng nếu nhìn xa hơn, một năm hoặc vài năm sau thì bệnh tật sẽ từ các nguồn nước không đảm bảo nảy sinh, đó chính là vấn đề rất lớn của quốc gia – sức khỏe của giống nòi, nhất là với hàng chục triệu trẻ em”.
Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, cần phải đặt vấn đề này ở tầm quốc gia thì mới giải quyết được, tức là phải có sự vào cuộc của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Phải có một cuộc tổng rà soát trên toàn quốc, kiểm tra tới đâu xử lý dứt điểm tới đó.