Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, sau nhiều ngày xét xử, dự kiến, ngày 25/10, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ tuyên án vụ án gian lận thi cử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong năm 2018.
Những người phạm tội, những hành vi phá hoại nền giáo dục, thi cử tại Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung sẽ trả giá cho những hành động của mình.
Tuy nhiên, vụ việc tại Hà Giang đã và đang để lại những tồn tại, mâu thuẫn như những chiếc gai găm vào ngành Giáo dục.
Những người có ăn có học, những đảng viên được giác ngộ, những người làm công tác giáo dục và những người có cương vị, địa vị tại tỉnh Hà Giang đã tập hợp thành thứ “liên minh ma quỷ”, ô hợp, phá hoại nền giáo dục khi để gian lận lên ngôi.
Miệng nhà quan trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang |
Khác với Sơn La, Hòa Bình những điểm số gian lận của các thí sinh có “con ông, cháu cha” này đã bị chặn lại và không thể sử dụng những điểm số gian lận trong kỳ tuyển sinh vào Đại học.
Thế nhưng, với sự chuẩn bị nâng điểm một cách rất có quy trình, thông suốt có tính móc ngoặc của các bị cáo, dư luận vẫn đặt câu hỏi, phải chăng việc nâng điểm đã có trước năm 2018.
Đặc biệt, tại tòa, các luật sư của bị cáo Triệu Thị Chính đã đề nghị khởi tố vụ án gian lận thi cử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong năm 2017 tại Hà Giang.
Tại tòa, các luật sư cũng đã đưa thông tin về hai thí sinh học lực yếu nhưng đậu vào các trường công an (Luật sư nêu rõ họ tên nhưng không nắm được hiện đang học ở trường công an nào).
Như vậy, những nghi ngờ của dư luận về việc gian lận năm 2017 là có cơ sở.
Bên cạnh đó, trước phiên tòa công lý nhưng những chuyện phi lý vẫn cứ diễn ra.
Hầu hết nhân chứng đều nhờ xem điểm nhưng con em mình đều được nâng điểm.
Các bị cáo hiểu ý lãnh đạo đến mức chỉ “nhờ xem điểm” thôi nhưng sẵn sàng bất chấp các quy định của luật pháp “nâng điểm” cho con các lãnh đạo?
Hai vị đứng đầu kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang đều có dính dáng đến sai phạm ở tỉnh này. (Ảnh: LC) |
Những lãnh đạo “nhờ xem điểm” có cả Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang – ông Trần Đức Quý và phu nhân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang – ông Nguyễn Văn Sơn bên cạnh đó là em gái của ông Triệu Tài Vinh, bí thư tỉnh ủy Hà Giang lúc bấy giờ.
Nghịch lý đó được diễn ra ngay tại “công đường” khiến Thẩm phán Vương Thị Thu Hà - chủ tọa phiên tòa đã phải gay gắt trong phiên tòa: "Chỉ nhờ xem điểm mà kết quả nhờ nâng điểm? Đây là một điều không thể chấp nhận được".
Người dân đang hi vọng điều “không thể chấp nhận được” sẽ được Hà Giang giải quyết như thế nào.
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Có cán bộ ra tòa nói không còn gì gọi là liêm sỉ |
Lời khai tại phiên tòa của bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) trong phiên tòa ngày 17/10 khiến những người chứng kiến phải ngỡ ngàng.
“Tôi không nghĩ gì sai phạm, tôi muốn tạo phúc cho người ta. Lúc đầu, tôi nhờ anh Hoài xem xét giúp đỡ, không đặt vấn đề cho bao nhiêu điểm để vào trường nọ trường kia.
Đến khi, Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm thẩm định, tôi mới nghĩ như vậy mới sai pháp luật. Chứ tôi nghĩ như vậy chỉ nâng điểm là tạo phúc thôi”, bị cáo này đã nêu rõ ràng trước tòa như vậy.
Là một sỹ quan Công an nhân dân, không lẽ bị cáo Lê Thị Dung không biết luật mà khi làm rồi mới biết là sai? Không rõ cái “phúc” mà bị cáo này cho rằng mình tạo ra được gọi là gì?
Với những lời khai phi lý như vậy, việc đánh giá bị cáo Lê Thị Dung tích cực khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác liệu có khách quan?
Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài về động cơ để bị cáo Hoài giúp đỡ nâng điểm cho con em của những người nhờ nâng điểm.
Bị cáo Hoài cho rằng mình ý thức được việc làm sai trái, có thể đi tù nhưng việc nâng điểm là do quan hệ công tác và không vì lợi ích vật chất gì.
Những điều phi lý vẫn được các bị cáo nêu ra tại Tòa trước sự chứng kiến của đông đảo dư luận tỉnh Hà Giang và cử tri cà nước. (Ảnh: Trinh Phúc) |
Tuy nhiên, trong số những người có con được nâng điểm, có những trường hợp bị cáo Hoài chưa từng gặp, chưa từng quen biết.
Việc này, Kiểm sát viên khẳng định “lời khai của bị cáo (Nguyễn Thanh Hoài – PV) không hợp với thực tiễn”.
Với bị cáo Triệu Thị Chính, tại Tòa, bị cáo này nói: ““Những người nhờ xem được, con cái họ được nâng điểm lại không phạm tội.
Còn tôi nhờ xem điểm, không ai được nâng điểm lại phạm tội. Như vậy là bất công đối với tôi”.
Ở Hà Giang không chỉ có bị cáo Triệu Thị Chính “nhờ xem điểm”, nhưng bị cáo Chính đã phải hầu tòa.
Hệ lụy từ việc nâng điểm tại Hà Giang đã khiến 151 trường hợp là Đảng viên bị xử lý kỷ luật về mặt đảng.
Tuy nhiên, hầu hết số đảng viên này đều có em chồng, mẹ vợ, người thân…tác động cho con mình được nâng điểm nhưng mình không hề hay biết.
Nhìn vào danh sách những cán bộ, đảng viên liên quan đến kỳ thi năm 2018 ở Hà Giang, chúng ta dễ dàng nhìn thấy đa phần là những người có địa vị, lãnh đạo một số ban ngành ở địa phương.
Thế nhưng, ngoài những người bị truy tố thì hình thức kỷ luật lại có phần rất nhẹ, thậm chí nhiều người chỉ bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Nhìn những cái tên, nhìn những lý do phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm khiến dư luận không khỏi thắc mắc, hoài nghi…