Chúng tôi nhận được đơn phản ánh của một số giáo viên tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An về việc phải nộp tiền để mua bò giúp hộ nghèo xã Hữu Kiệm xây dựng nông thôn mới.
Hằng năm, giáo viên huyện Kỳ Sơn vẫn đang phải ủng hộ một ngày lương mua bò hoặc heo tặng gia đình nghèo (Ảnh CTV) |
Nội dung đơn phản ánh có nội dung như sau:
“Hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang xây dựng xã chuẩn nông thôn mới tại xã Hữu Kiệm, mà xã mới đạt hơn 10 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu chưa đạt là số hộ nghèo còn nhiều.
Thế nên huyện lại kêu gọi theo kiểu ép buộc các chi bộ cơ quan mua một con bò trị giá 12 triệu đồng để tặng cho 1 hộ nghèo xã Hữu Kiệm.
Huyện giao Phòng giáo dục Kỳ Sơn, Phòng lại giao cho các trường học chỉ tiêu như thế.
Khổ cho những trường ít giáo viên như mầm non thì chia đều mỗi giáo viên phải đóng từ 500, 600 đến 700 thậm chí 800 nghìn đồng như thế là quá nặng nề (chưa kể 2 vợ chồng là giáo viên thì số tiền phải đóng mất gần 1/3 tháng lương).
Trong lúc đó, hằng năm đã phải góp mỗi năm 1 ngày lương để giúp người nghèo tại xã mình công tác rồi, cũng tặng bò hoặc lợn... bên cạnh hàng chục thứ quỹ nhà nước, tỉnh, huyện thu mỗi năm.
Việc xây dựng nông thôn mới tại xã là do bản thân xã phấn đấu và nhà nước đầu đầu tư về, khi đạt chuẩn xã nhận được khoản tiền từ nhà nước rất lớn.
Vậy tại sao huyện Kỳ Sơn lại có ý tưởng ngược đời như thế mà không giống địa phương nào?
Việc ủng hộ phải tùy tâm, chứ sao lại ấn định 1 ngày lương, rồi 12 triệu đồng cho mỗi chi bộ như vậy?”.
Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch huyện Kỳ Sơn về vấn đề này
-Thưa anh, giáo viên phản ánh huyện mình bắt buộc giáo viên phải đóng tiền mua bò cho hộ nghèo xã Hữu Kiệm đúng không?
-Không phải giáo viên mà toàn thể cán bộ công nhân viên trên toàn huyện.
Không bắt buộc mà chỉ là vận động vì Kỳ Sơn là một huyện miền núi cao đang xây dựng nông thôn mới xã Hữu Kiệm.
Chủ trương của huyện đối với tất cả cán bộ công nhân viên đóng trên địa bàn hỗ trợ để người dân xã Hữu Kiệm thoát nghèo”.
Chủ tịch Nguyễn Thanh Hoàng liên tục nhấn mạnh: “Không bắt buộc! Kêu gọi, không bắt buộc, chia phần”.
Tuy nhiên ông nói thêm: “Đây là phong trào của cả nước chung tay chung sức để xây dựng nông thôn mới”.
Giáo viên không ủng hộ có được không?
Mặc dù liên tục khẳng định đây là khoản đóng góp không bắt buộc nhưng ấn định về từng trường phải gom đủ 12 triệu đồng là sao?
Tin nhắn của Phòng Giáo dục vào hệ thống Vnedu của các trường học (Ảnh CTV) |
Chúng tôi nói hiện các trường học đang triển khai buộc giáo viên đóng để gom đủ mỗi trường 12 triệu đồng.
Chủ tịch Nguyễn Thanh Hoàng nói lớn: “Trường nào để tôi kiểm tra? Tất cả các trường là không có chuyện ấy!”.
Khi nghe chúng tôi hỏi: “Nếu gọi là phát động ủng hộ theo phong trào thì giáo viên này thích thì đóng không thì thôi, hoặc thích đóng bao nhiêu thì tùy có được không?”
Chủ tịch Hoàng cho biết: “Thì tốt thôi! Không sao cả! Nhưng… (Cái điều nhưng mới là quan trọng).
“Nhưng mà tư cách của người cán bộ công chức, người đảng viên gắn với điều kiện phát động xây dựng nông thôn mới thì tùy thôi, vấn đề này đã được phổ biến trong toàn ngành giáo dục”.
Nói thật, nói thế này thì giáo viên không ủng hộ cũng thật là khó phải không?
Một đồng lương trăm khoản phải gánh liệu đã công bằng với giáo viên?
Nhiều giáo viên cho biết, hằng năm đã phải góp mỗi năm 1 ngày lương để giúp người nghèo tại xã mình công tác, cũng tặng bò hoặc lợn...
Bên cạnh đó, giáo viên vẫn phải đóng hàng chục thứ quỹ nhà nước, tỉnh, huyện thu mỗi năm. Mà họ đâu có phải hộ giàu có gì.
Thế mà bây giờ lại bắt họ gánh thêm một khoản tiền ủng hộ không nhỏ liệu có công bằng hay không?
Giáo viên huyện Kỳ Sơn phần đông là giáo viên miền xuôi lên trên này dạy học.
Họ xa gia đình, cuộc sống ở vùng sâu cũng còn rất nhiều khó khăn vất vả. Có người để gia đình ở quê lên dạy học, người thì chồng, vợ, con cái mỗi người mỗi nơi.
Chỉ tính tiền đi lại thăm nom, chăm sóc nhau mỗi năm cũng không phải là ít… Vì thế, đồng lương ít ỏi hàng tháng, giáo viên phải chia năm xẻ bảy nên thường thiếu trước hụt sau.
Vậy mà, đồng lương ít ỏi ấy còn phải cõng thêm biết bao khoản phải đóng góp.
Có giáo viên chua chát nói rằng: “Nhiều thầy cô giáo cũng nghèo chẳng kém những hộ nghèo kia nhưng vẫn phải móc hầu bao để đi ủng hộ”.
Việc chung tay giúp đỡ người nghèo là việc nên làm nhưng sự giúp đỡ ấy phải đến từ tinh thần tự nguyện, từ tấm lòng của người cho dựa trên điều kiện kinh tế từng gia đình.
Chứ sao lại tự nguyện theo kiểu ấn định số lượng phải quyên góp cho từng đơn vị trường học như cách mà huyện Kỳ Sơn đang làm?
Hy vọng, sau khi kiểm tra sự thật giống như đơn thư phản ánh của giáo viên, Chủ tịch huyện Kỳ Sơn sẽ có những chấn chỉnh kịp thời (không bắt đóng kiểu chia phần) như cách mà nhiều trường học ở Kỳ Sơn đang làm hiện nay.