LTS: Cùng trao đổi về vấn đề gánh nặng đóng góp, ủng hộ mà giáo viên đang phải mang trên vai, cô giáo Đỗ Quyên chia sẻ nguyên nhân của vấn đề.
Theo cô Đỗ Quyên, chính là do "bệnh thành tích" và những con số chỉ tiêu đã khiến nhiều giáo viên phải đóng tiền ủng hộ một cách không thoải mái.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hàng chục khoản đóng góp của giáo viên mang tên tự nguyện mà tác giả Lê Xuân Chiến chỉ ra trong bài viết “Giáo viên và gánh nặng đóng góp, ủng hộ” cũng chỉ là hậu quả của bệnh hám danh thích thành tích để thực hiện chỉ tiêu mà cấp trên đề ra.
Bởi thế, nhiều người phải thốt lên “Chỉ tiêu là chỉ đâu tiêu đó”.
Điều đáng nói là những khoản đóng góp ấy, giáo viên không chỉ phải đóng một lần mà còn được vận động đóng tới vài ba lần nên mới gây ra nhiều áp lực.
Sao lại có chuyện phi lý như thế? Đơn giản chỉ vì có những loại quỹ do Trung ương phát động thì từng tỉnh, từng huyện thị đến từng xã phường thôn xóm cũng phát động theo.
Chẳng hạn quỹ “Tiếp bước cho em đến trường”, “Ủng hộ bão lụt’, quỹ “Vì trẻ thơ”, “Phụ nữ nghèo…”.
Không chỉ phải đóng góp tại trường, giáo viên buộc phải đóng góp ở xã phường, khu phố. (Ảnh minh họa trên Vietnamnet.vn) |
Giáo viên vừa bị trừ một tháng lương ở trường, về nhà chưa được bao lâu đã có xã phường, khu phố tới nhà vận động đóng tiếp.
“Thầy cô thông cảm, chúng tôi biết thầy cô đã đóng tiền ủng hộ trên trường nhưng chúng tôi vẫn muốn thầy cô ủng hộ cho khu phố mình một ít.
Bởi chỉ tiêu trên giao phải huy động khoảng 20 triệu nhưng mới vận động được hơn chục triệu mà thôi”- một cán bộ khu phố cho biết.
Thế rồi, dù không muốn cũng phải móc hầu bao ra tự nguyện nộp cho xong.
Chuyện ủng hộ tự nguyện thì lẽ ra phải để người ủng hộ được tự nguyện góp bao nhiêu thì quý bấy nhiêu.
Nhưng cấp trên sợ làm thế sẽ chẳng thu được số tiền mà mình mong muốn, chẳng thể vượt chỉ tiêu và đương nhiên cũng chẳng được tuyên dương, khen ngợi đứng trên bục để nhận giấy khen.
(GDVN) - Đâu phải chỉ phụ huynh học sinh, giáo viên phổ thông cũng oằn lưng đóng góp, ủng hộ nhiều khoản theo kiểu tình nguyện... bắt buộc. |
Bởi thế, cách tốt nhất là cào bằng. Với cách thu kiểu này, cấp trên có nhiều điều lợi.
Thứ nhất, đỡ mất thời gian, công sức đứng nhận đóng góp của từng người.
Thứ hai, số tiền thu được chắc chắn sẽ vượt kế hoạch, vượt chỉ tiêu đề ra và đương nhiên sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sẽ có biết bao bản báo cáo thành tích được đọc và có biết bao người được khen thưởng, ghi công trạng.
Chỉ có những thầy cô giáo là chịu thiệt thòi bởi số tiền mình phải chi ra quá nhiều (gia đình hai vợ chồng là giáo viên tiền chi ra sẽ gấp đôi như thế).
Việc cào bằng này còn gây nên điều bất hợp lý. Thực tế thì trong hàng ngàn giáo viên bị trừ lương kia có không ít thầy cô giáo, nhân viên nhà trường mà gia đình họ cũng đang lâm vào cảnh ngặt nghèo về kinh tế hoặc gặp bệnh tật nan y.
Chính họ ngày đêm cũng đang vật lộn với cuộc sống mưu sinh, đang rất cần sự giúp đỡ của mọi người. Nhưng lương của họ vẫn bị trừ giống như biết bao người khá giả hơn thế.
Trong một lần đi viết bài, tôi tình cờ có được danh sách các cơ quan ban ngành đóng góp ủng hộ chương trình “Tiếp bước cho em đến trường”, một phong trào do thị xã phát động.
Nhìn vào danh sách nộp tiền của nhiều xã phường, các cơ quan ban ngành, có đơn vị chỉ đạt 80% kế hoạch, đơn vị đạt hơn 90% nhiều nhất cũng chỉ 100%. Nhưng riêng ngành giáo dục địa phương kế hoạch đạt gần 150%.
Hội trưởng hội khuyến học thị xã nói vẻ hào hứng: “Ngành giáo dục năm nào cũng đi đầu vì thực hiện vượt mức kế hoạch được giao. Năm nào cũng nhận bằng khen của Chủ tịch thị xã”.
Công việc áp lực, đồng lương eo hẹp nhưng hàng tháng giáo viên vẫn phải “cõng” trên vai biết bao khoản đóng góp tự nguyện bắt buộc khác.
Khi cuộc sống gia đình chưa được thong thả, thầy cô phải dành nhiều thời gian mưu sinh ắt hẳn chuyện trường lớp cũng vơi đi ít nhiều.