Ngày 22/10, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã ký quyết định số 1893/QĐ-SGDĐT về việc cho giáo viên thôi việc.
Theo đó, thầy Phạm Ngọc Trung, sinh ngày 10/10/1979, trình độ chuyên môn Đại học Sư phạm Thể dục thể thao, công tác tại Trường trung học phổ thông Như Xuân 2, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh hóa được thôi việc từ ngày 1/11/2019. Lý do thôi việc là theo nguyện vọng cá nhân.
Trước đó, thầy Trung đã có đơn xin nghỉ việc gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa và Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Như Xuân 2.
Đơn xin nghỉ việc của thầy Trung. |
Lý do thầy Trung xin nghỉ việc là do lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống:
“Nay do mức lương thấp mà chi phí cho sinh hoạt trong cuộc sống ngày càng cao, bản thân luôn phải nỗ lực làm thêm rất nhiều công việc tay trái nhưng thực tế lại là thu nhập chính để trang trải cuộc sống cho cả gia đình.
Một phần do áp lực về thời gian công việc, không phù hợp với thực trạng cơ chế quản lý và hoạt động. Phần khác muốn tạo cơ hội cho các giáo viên trẻ khác ra trường mà chưa có việc làm.
Do vậy, tôi làm đơn này mong được các cấp giải quyết cho tôi được nghỉ việc”, thầy Trung viết trong đơn.
Được biết, thầy Trung từng có 15 năm đi dạy, đồng thời là giáo viên luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và luôn tâm huyết với nghề, nghiêm túc, mẫu mực, uy tín trước học trò và đồng nghiệp.
Trong quá trình công tác, thầy Trung đã đạt được nhiều thành tích như: Có nhiều học sinh giỏi tỉnh cấp tỉnh; là giáo viên giỏi tỉnh đầu tiên và cũng là duy nhất của nhà trường đến bây giờ; có sáng kiến kinh nghiệm được ngành công nhận; nhiều giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Trường trung học phổ thông Như Xuân 2. Ảnh: Hoàng Nguyên. |
Chia sẻ thêm với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trung cho biết, quyết định xin nghỉ việc là điều hết sức khó khăn:
“Trước khi đưa ra quyết định này, tôi đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều bởi không dễ từ bỏ cái nghề gọi thường được gọi là “nghề cao quý nhất”, nhất là đối với người đã có thâm niên gắn bó hàng chục năm với nghề giáo.
Bố, mẹ, đồng nghiệp đều khuyên tôi suy nghĩ lại, nhưng cuộc sống không cho phép mình có nhiều lựa chọn.
Do áp lực cuộc sống và kinh tế khiến tôi không còn lựa chọn nào tốt hơn. Tôi không muốn mình làm việc khác mà bỏ bê nghề dạy, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học và hình ảnh người thầy của cá nhân tôi.
Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo ngành giáo dục Thanh Hóa, các đồng nghiệp tại Trường trung học phổ thông Như Xuân 2 đã quan tâm, đồng hành, động viên, chia sẻ với tôi trong suốt chặng đường vừa qua”, thầy Trung chia sẻ.
Trước thầy Trung, một số giáo viên ở Thanh Hóa cũng nộp đơn xin ra khỏi ngành với lý do thu nhập không đủ sống và cũng bởi đã tìm được một công việc khác có thu nhập tốt hơn.