Thầy Đinh Văn Minh, giáo viên Mỹ thuật, Trường Tiểu học Môn Sơn 3 (huyện Con Cuông, Nghệ An) năm học này phải dạy thêm cả trường Tiểu học Chi Khê.
Nguyên nhân là toàn huyện đang thiếu giáo viên, đặc biệt là các bộ môn năng khiếu nên nhiều thầy cô phải dạy thêm 2 đến 3 trường.
Chưa bỏ viên chức suốt đời, các quý thầy cô ạ |
Thầy Minh tâm sự: “Do huyện thiếu giáo viên nên chúng tôi phải dạy từ 2-3 trường.
Huyện Con Cuông là một huyện nghèo, xa trung tâm nên không có nhiều giáo viên đăng ký lên đây”.
Tình cảnh thiếu giáo viên không chỉ diễn ra tại huyện Con Cuông (Nghệ An) mà còn đang là vấn đề của ngành giáo dục nhiều huyện, tỉnh vùng cao.
Làm công tác hiệu trưởng đã hơn 10 năm, thầy Nguyễn Văn Thành (Yên Bái) nhận xét:
“Giáo viên công tác tại các huyện, tỉnh miền núi chủ yếu là anh chị em người bản địa hoặc cùng lắm là người từ huyện khác, tỉnh lận cân.
Hiện nay chúng tôi ít khi đón nhận thầy cô giáo từ miền xuôi lên công tác. Cũng bởi nhiều lý do như xa nhà, địa bàn trắc trở…chỉ có người bản địa là họ muốn trở về quê hương dạy học”.
Cũng theo báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định như dự thảo là để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” và thực hiện yêu cầu của nghị quyết Trung ương, kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Những thông tin này khiến nhiều giáo viên hoang mang đặc biệt là đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa.
Giáo dục vùng cao có những đặc thù khác với miền xuôi (Ảnh:V.N) |
Dưới góc độ quản lý, thầy Thành lo ngại rằng: Tình trạng thiếu giáo viên đối với các trường vùng cao sẽ trầm trọng hơn. Bởi, có cơ hội được vào biên chế là một trong những động lực để giáo viên miền xuôi “khăn gói quả mướp” lên miền ngược.
Thầy Thành tâm sự thật lòng: “Tôi làm công tác hiệu trưởng cũng hơn 10 năm. Bên cạnh những giáo viên bản địa mình không nói làm gì nhưng qua quá trình tìm hiểu, tâm sự với anh chị em miền xuôi mình cũng hiểu được rằng một phần lý do họ lên đây công tác vì trên đây thiếu giáo viên mà không phải cạnh tranh gay gắt như miền xuôi.
Nếu như miền xuôi chỉ tiêu đã ít, số lượng người đăng ký lại đông còn chưa kể tiêu cực nọ, tiêu cực kia.
Cho nên nhiều người trẻ ra trường họ đăng ký lên đây. Được một vài năm họ lại xin về xuôi.
Cho nên nếu bỏ viên chức chưa chắc đã thu hút được đội ngũ giáo viên về miền ngược”.
Nhiều người lo ngại: Bỏ biên chế sẽ khiến cho giáo dục vùng cao kém hấp dẫn đối với giáo viên (Ảnh:V.N) |
Bên cạnh việc lo ngại về giáo dục vùng cao không còn hấp dẫn đối với giáo viên, một số thầy cô đang công tác cũng rất băn khoăn về chế độ, mức lương và đãi ngộ của họ nếu như bỏ viên chức.
Cô Hà Minh Huyền, giáo viên tại huyện Văn Chấn (Yên Bái) tâm sự: “Đối với giáo viên vùng cao như chúng tôi việc đi lại, giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Cũng nói thật là giáo viên trẻ họ mong được vào viên chức để yên tâm công tác.
Nếu từ 1/7/2020 giáo viên phải ký hợp đồng xác định thời hạn thì chúng tôi rất lo lắng về các chính sách đãi ngộ cho giáo viên vùng cao có được như trước hay không?”.
Cô Huyền cho biết thêm: “Người ta lo ngại còn viên chức thì còn chạy việc. Người ta lo ngại còn biên chế thì còn chạy việc.
Nhưng đối với giáo viên vùng cao làm gì có tiền mà chạy biên chế. Hơn nữa đã chạy được biên chế thì ai chạy lên vùng cao làm gì?”.
Nỗi lo thiếu giáo viên khi bỏ chế độ biên chế (Ảnh:V.N) |
Theo thầy Nguyễn Viết Tiến, hiệu trưởng trường bán trú xã Bản Công (huyện Trạm Tấu, Yên Bái): Việc bỏ biên chế không thể thực hiện một cách đại trà vì giáo dục vùng cao và giáo dục miền xuôi có sự khác nhau.
Thầy Tiến nói: “Tôi kể câu chuyện thật: Mấy năm trước có một giáo viên trẻ lên vùng cao nhận công tác. Cậu ấy quê Thái Bình. Buổi sáng, chiều vẫn còn cười nói vui vẻ.
Đến đêm cậu ấy khăn gói bắt xe về thẳng nhà không chào hỏi ai. Từ đấy cũng không thấy giáo viên miền xuôi nào lên đây nữa.
Cho nên giáo dục vùng cao để thuyết phục một giáo viên từ xuôi lên rất khó. Nhiều thầy cô tâm sự họ bị hấp dẫn bởi hai chữ biên chế lên mới lên đây một vài năm thì về xuôi. Đây là hiện thực mà ta cần phải nhìn nhận.
Nếu tôi còn trẻ mà đi kiếm việc làm thì thích ký hợp đồng hơn biên chế |
Vì thế theo tôi không thể áp dụng đại trà bỏ biên chế vì giáo dục vùng cao và miền xuôi khác nhau.
Do vậy cần phải có những chính sách hỗ trợ, vận động, lôi kéo giáo viên miền xuôi lên các tỉnh miền núi.
Và cũng phải có những chính sách đãi ngộ riêng. Nếu thực hiện đại trà tôi e rằng giáo dục vùng cao thiếu giáo viên lại càng thiết”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Việc bỏ viên chức phải được thực hiện tuần tự, khéo léo để tránh tình trạng vỡ trận.
Đồng thời cũng cần phải đảm bảo được mức lương, mức sống cho giáo viên nhất là giáo viên hợp đồng.
Bởi, trên thực tế mức lương giáo viên hợp đồng nhiều nơi còn rất thấp. Nói đâu xa, ngay tại Hà Nội, lương giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức, huyện Ba Vì chỉ khoảng 1,2 triệu đồng – 1,3 triệu đồng/ tháng.
Phó giáo sư Nhĩ nói: “Người giáo viên họ làm đến mức độ nào đấy chăng hạn khi đủ điều kiện để về hưu họ sẽ được sự đảm bảo của nhà nước.
Có như thế người ta mới yên tâm công tác và làm việc. Nhưng với mức lương hợp đồng như hiện nay thì không ai có thể làm được cả.
Ở các nước khác tiền lương của giáo viên có thể nuôi sống cả gia đình. Người ta có thể tích lũy, mua nhà, mua xe. Đến khi về hưu họ có đủ tích lũy và điều kiện để sống.
Nhưng ở nước ta chưa có điều kiện để trả lương như vậy. Hầu hết các giáo viên biên chế đều trông cậy vào đồng lương hưu.
Mặc dù tiền đó cũng là tiền của họ nhưng được nhà nước hỗ trợ tích lũy đến khi về hưu. Có như vậy người ta mới yên tâm công tác được”.
Cần có những chính sách sát sườn đối với giáo viên vùng cao (Ảnh:V.N) |
Ngoài ra, theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Bất kể một chính sách nào khi đưa vào thực tiễn cần phải tìm hiểu, đánh giá xem nó có phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam hay không?
“Ở Việt Nam chưa có những điều kiện để bỏ chế độ viên chức trọn đời. Như tôi đã phân tích đó là chế độ tiền lương. Một chính sách nào cũng cần gắn với tình hình thực tiễn kinh tế chính trị.
Các nước khác họ làm được vì điều kiện của người ta khác với của mình. Theo tôi nếu không thực hiện tuần tự và khéo léo sẽ có khả năng bị vỡ trận”.
Với tiếng lòng của giáo viên, hiệu trưởng vùng cao hy vọng rằng cơ quan hoạch định chính sách sẽ có những tính toán để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên nơi đây.
Bởi thực chất, hiện nay vẫn có nhiều sự khác biệt giữa giáo dục miền xuôi và miền ngược. Vì thế không thể áp dụng chính sách một cách đại trà được!