Thầy cô cần biết về thăng hạng chức danh nghề nghiệp các cấp

10/11/2019 06:28
Cao Nguyên
(GDVN) - Giáo viên dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau.

Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông công lập được thực hiện theo văn bản 3125/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 23/7/2019.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và lưu ý một số vấn đề về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) trong các cơ sở giáo dục công lập như sau:

Về thẩm quyền tổ chức thăng hạng

Các Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I đối với giáo viên trung học cơ sở và giáo viên trung học phổ thông; từ hạng III lên hạng II đối với giáo viên trung học phổ thông thuộc phạm vi quản lý.

Đối với các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng IV lên hạng III đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học; từ hạng III lên hạng II đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở thuộc phạm vi quản lý, các Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền tổ chức hoặc phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị tổ chức theo quy định của pháp luật.

Giáo viên dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại)
Giáo viên dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại)

Về đối tượng dự thăng hạng

Đối với kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I:

- Giáo viên trung học phổ thông đang trực tiếp làm công tác giảng dạy/giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp trung học phổ thông; đang giữ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng II - Mã số: V.07.05.14.

- Giáo viên trung học cơ sở đang trực tiếp làm công tác giảng dạy/giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp trung học cơ sở; đang giữ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số: V.07.04.11.

Đối với kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II:

- Giáo viên trung học phổ thông đang trực tiếp làm công tác giảng dạy/giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp trung học phổ thông; đang giữ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số: V.07.05.15.

- Giáo viên trung học cơ sở đang trực tiếp làm công tác giảng dạy/giáo dục trong trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp trung học cơ sở; đang giữ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số: V.07.04.12.

- Giáo viên tiểu học trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp tiểu học; đang giữ chức danh giáo viên tiểu học hạng III - Mã số: V.07.03.08.

- Giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III - Mã số: V.07.02.05.

Đối với kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng IV lên hạng III:

- Giáo viên tiểu học trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp tiểu học; đang giữ chức danh giáo viên tiểu học hạng IV - Mã số: V.07.03.09.

- Giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV - Mã số: V.07.02.06.

Nội dung, hình thức thi/xét thăng hạng và điều kiện miễn thi/xét ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên dự thăng hạng

Thăng hạng giáo viên, nơi quan tâm, nơi hờ hững
Thăng hạng giáo viên, nơi quan tâm, nơi hờ hững

Đối với kỳ thăng hạng tổ chức theo hình thức thi: điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, điều kiện miễn thi ngoại ngữ, tin học thực hiện theo quy định tại Thông tư 20/2015/TT-BGDĐT.

Đối với kỳ thăng hạng tổ chức theo hình thức xét: điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, điều kiện miễn xét ngoại ngữ, tin học thực hiện theo quy định tại Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT.

Một số lưu ý về điều kiện, tiêu chuẩn dự thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên:

- Việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ tương đương thực hiện theo Công văn 3755/BGDĐT-GDTX ngày 3/8/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

- Trường hợp giáo viên đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngành ghép 02 môn có môn Tin học (Toán - Tin, Lý - Tin) thì được coi là đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành Tin học hoặc Công nghệ thông tin trở lên.

Cách tính điểm và xác định người trúng tuyển trong kỳ thăng hạng

Cách tính điểm:

- Đối với kỳ thi thăng hạng, các bài thi được chấm theo thang điểm 100.

- Đối với kỳ xét thăng hạng, cách tính điểm thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT.

Nguyên tắc xác định người trúng tuyển:

- Giáo viên trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải dự thi đủ các bài thi của các môn thi, trừ những môn được miễn thi theo quy định của pháp luật; có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên.

- Giáo viên trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8, Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT.

- Không bảo lưu kết quả các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Lưu ý: 

Giáo viên dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thăng hạng và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thăng hạng.

- Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thăng hạng; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

- Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thăng hạng theo quy định tại Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nghị định 29/2012/NĐ-CP, Điều 30

[2]Nghị định 161/2018/NĐ-CP, Khoản 14, Điều 2

[3]Thông tư 03/2019/TT-BNV, Khoản 3, Điều 2

[4] Nhiều tác giả, Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

[5] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-can-biet-ve-viec-xet-thang-hang-giao-vien-2019-post203802.gd

[6] /thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/25582/xet-thang-hang-giao-vien-2019-toan-bo-thong-tin-can-biet

[7] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-lien-tich-20-2015-TTLT-BGDDT-BNV-ma-so-tieu-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-mam-non-290387.aspx

Cao Nguyên