Sau nhiều năm không tổ chức thi, xét thăng hạng giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, trong năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hai Thông tư số 20 và số 29/2017/TT-BGDĐT về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tổ chức thi và xét thăng hạng cho giáo viên các cấp.
Hàng vạn thầy cô giáo mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập cả nước háo hức, phấn khởi với việc Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, tạo điều kiện cho nhà giáo được nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn và nâng hạng ngạch lương từ hạng 4 đến hạng 1 để làm việc tốt hơn và mức lương cao hơn.
Việc tổ chức xét thăng hạng cho giáo viên sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng của các thầy, cô. (Ảnh minh họa: AN/Giaoduc.net.vn) |
Theo đó, tại Điều 3 của Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT quy định cụ thể các tiêu chuẩn, điều kiện để giáo viên tham gia dự thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp như sau:
1. Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi.
2. Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
3. Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non;
Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học công lập;
Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học cơ sở công lập;
Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học phổ thông công lập.
Giáo viên dự bị đại học khi áp dụng Thông tư này để dự thi thăng hạng phải có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Quảng Ninh sát hạch thăng hạng cho hơn 1.100 giáo viên |
Từ năm 2018 đến nay, một số tỉnh, thành phố đã tiến hành tổ chức xét hoặc thi thăng hạng cho các cơ sở giáo dục và giáo viên mầm non, phổ thông công lập có nhu cầu thăng hạng.
Năm 2018, ở tỉnh Thừa Thiên Huế có 447 giáo viên giảng dạy tại các trường trung học phổ thông, trung tâm được thăng hạng từ bậc III lên bậc II. Các giáo viên không phải thi mà chỉ xét hồ sơ.
Tháng 10 năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thi thăng hạng cho gần 3000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập (với 4 bài thi: kiến thức chung, chuyên môn, tin học và ngoại ngữ), tỉ lệ trúng tuyển đạt gần 66%.
Số giáo viên trúng tuyển đã nhận quyết định với ngạch bậc lương mới từ đầu năm 2019.
Nhiều thầy cô giáo ở Quảng Ngãi rất vui mừng, phấn khởi khi nhận ngạch bậc lương mới, vì được thăng hạng và chế độ lương hàng tháng có cao hơn, nhất là các giáo viên trẻ tuổi.
Mới đây, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi cũng đã hoàn tất việc tổ chức thi thăng hạng giáo viên toàn tỉnh đợt hai, dự kiến đến tháng 1 năm 2020, các giáo viên trúng tuyển sẽ nhận quyết định với ngạch bậc lương mới.
Tuy nhiên, khi hỏi những đồng nghiệp thân quen đang giảng dạy ở nhiều tỉnh khác về chuyện xét và thi thăng hạng thì tôi nhận được câu trả lời: ở tỉnh em, tỉnh anh có thấy nói gì đâu, chưa tổ chức thi hoặc xét thăng hạng giáo viên.
Như vậy, mỗi địa phương có mức độ quan tâm, triển khai khác nhau. Nơi đã làm từ lâu. Nơi vẫn im hơi, lặng tiếng.
Chưa hoặc không triển khai thực hiện nội dung trên thì trách nhiệm trước hết thuộc về cấp quản lý, lãnh đạo của các địa phương.
Nhiều hội nghị, cuộc họp, một số vị lãnh đạo địa phương thường nói rất hay về giáo dục, sứ mệnh và đời sống của giáo viên nhưng lại chẳng chịu làm gì cả để giáo viên được hưởng lợi khi mà hai Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn thi hoặc xét thăng hạng giáo viên.