Vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong việc chọn thực phẩm an toàn

07/11/2019 18:09
Ngọc Hân
(GDVN) - Theo bà Trần Thị Hương, để giải quyết vấn đề thực phẩm chưa an toàn có vai trò rất to lớn của hội viên phụ nữ, do đây là lực lượng chiếm đến hơn 51% dân số.

Ngày 7/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi toạ đàm trao đổi, kết nối sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý và các đơn vị tiêu thụ.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn bao gồm: Chọn thực phẩm an toàn; Nấu kỹ thức ăn; Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; Không để lẫn thực phẩm sống và chín; Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; Sử dụng nguồn nước sạch.

Tuy vậy, diễn biến trên thực tế cho thấy nhiều người dân vẫn còn rất chủ quan khi lựa chọn thực phẩm, nhất là khi ăn uống tại các nhà hàng, dẫn tới tình trạng mắc các bệnh nan y có tỷ lệ ngày càng nhiều.

Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của Ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm, Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư.

Theo ước tính, đến năm 2020, nước ta sẽ có tối thiểu 200.000 ca ung thư mắc mới mỗi năm, trong đó, 35% nguyên nhân gây ung thư là do thực phẩm bẩn. Chưa khi nào vấn đề thực phẩm bẩn lại gây nhức nhối như hiện nay.

Các đại biểu chia sẻ về vấn đề an toàn thực phẩm tại Tọa đàm.
Các đại biểu chia sẻ về vấn đề an toàn thực phẩm tại Tọa đàm.

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, những năm qua, Hội đã triển khai nhiều mô hình an toàn thực phẩm thu hút được hội viên tham gia như: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó nội dung về an toàn thực phẩm được đưa vào tiêu chí bếp sạch; tuyên truyền hướng dẫn hội viên về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ phụ nữ trồng rau an toàn, sản xuất sạch, chế biến sạch; mô hình kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn, nói “không” với thực phẩm bẩn…

Hằng năm, có hàng trăm hợp tác xã, tổ hợp tác xã về chế biến, sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn do phụ nữ quản lý được các cấp hội hỗ trợ thành lập, góp phần cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn và bảo đảm dinh dưỡng.

Tuy nhiên, theo bà Hương, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Nhiều nơi còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thực phẩm; nhiều cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều nông sản sạch còn gặp khó trong kết nối tới người tiêu dùng; các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ chưa liên kết, hợp tác để có những sản phẩm có chất lượng, năng suất cao, bảo đảm an toàn và có thương hiệu để tiêu thụ với giá tốt.

Làm sao để người dân mua được thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn. Ảnh: P.V.
Làm sao để người dân mua được thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn. Ảnh: P.V. 

Bà Trần Thị Hương cũng cho rằng, để giải quyết các vấn đề này cần trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng, trong đó có vai trò rất to lớn của hội viên phụ nữ, do đây là lực lượng chiếm đến hơn 51% dân số, có mặt ở tất cả các khâu liên quan đến an toàn thực phẩm, “từ trang trại tới bàn ăn”.

Cũng theo bà Trần Thị Hương, các hội viên phụ nữ cần chủ động tìm hiểu quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn thực phẩm và áp dụng trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh; tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; chú trọng sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, có đăng ký nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

Ở vai trò là người tiêu dùng, hãy là những người tiêu dùng thông thái, chủ động tìm hiểu, lựa chọn những sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; phát hiện và kịp thời phản ánh cho cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, sạch cho gia đình.
Vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, sạch cho gia đình.

Ông Lê Viết Bình, Trưởng cơ quan đại diện phía nam Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đang đề xuất tăng hình thức xử phạt, hình sự hóa với những trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt gây thương vong do mất an toàn vệ sinh thực phẩm vì với một khung hình phạt quá nhẹ sẽ không đủ sức răn đe.

Đồng thời, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và các cơ quan liên quan tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Trong 2 năm qua, cả nước đã có 1.254 chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn với 1.452 đầu sản phẩm được phân phối tại 3.500 địa điểm bán nông sản an toàn.

Vẫn còn hiện tượng bơm tạp chất vào tôm
Vẫn còn hiện tượng bơm tạp chất vào tôm

Theo ông Bình, những con số này dù còn hạn chế nhưng đã thể hiện sự quyết tâm lớn của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ngành Trung ương và địa phương.

Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liệp hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chủ trương tuyên truyền hội viên lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, tin dùng thực phẩm tại các siêu thị, được kiểm soát đầu vào rõ ràng là rất đúng đắn.

Tuy nhiên, tại những địa bàn khó khăn, các khu công nghiệp…, người dân không phải lúc nào cũng có thể đi siêu thị mua hàng mà thường sẽ lựa chọn các chợ truyền thống. Vì vậy, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ này cũng rất cần thiết.

Bà Hoa cho rằng: “Ít ra, khi mua hàng, người tiêu dùng cũng phải biết được thực phẩm đó do công ty nào, sạp nào ở chợ đầu mối nào cung cấp và cũng là căn cứ để xác định nguồn gốc khi có vấn đề xảy ra”.

Theo bà Hoa, khi vấn đề an toàn thực phẩm trở thành mối lo của mỗi gia đình thì bên cạnh những đầu số như 113, 114, 115, cũng cần có một đầu số đơn giản, dễ nhớ, thống nhất trên cả nước để người dân kịp thời phản ánh những vi phạm liên quan đến mất an toàn thực phẩm.

Ngọc Hân