Xin Quốc hội thận trọng khi tăng tuổi hưu

16/11/2019 07:29
NHẬT KHOA
(GDVN) - Muốn tăng tuổi hưu mong Chính phủ tìm cách giải quyết tình trạng thất nghiệp trước, hãy cho các em có cơ hội được làm việc, tránh tình trạng mất nhân tài.

Theo lịch trình dự kiến, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 20/11/2019 trong đó có vấn đề được toàn thể nhân dân cả nước quan tâm đặc biệt đó là việc thông qua lộ trình tăng tuổi hưu.

Ngày 20/11 cũng là Ngày nhà giáo Việt Nam nhưng giáo viên cũng như các ngành nghề như lao động trực tiếp, điều dưỡng, công nhân…có phải tăng tuổi nghỉ hưu đến tuổi 62 dành cho nam hay 60 dành cho nữ hay không?

Mỗi vị đại biểu Quốc hội được nhân dân bầu ra, rất mong từng vị đại biểu đặt mình vào vị trí của người lao động vào tình hình thực tế của nước ta mà hết sức thận trọng khi bấm nút thông qua việc tăng tuổi hưu trên.

Việc tăng tuổi hưu có thể sẽ gây nhiều hệ lụy bất lường (Ảnh minh họa: TTXVN).
Việc tăng tuổi hưu có thể sẽ gây nhiều hệ lụy bất lường (Ảnh minh họa: TTXVN).

Chính phủ đã thống nhất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, ngày 6/11, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung lớn của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Về tuổi nghỉ hưu,Chính phủ thống nhất với Báo cáo giải trình và phương án đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14 là việc tăng tuổi nghỉ hưu (nam tăng từ 60 lên 62 tuổi, nữ 55 lên 60 tuổi).

Việc Chính phủ thống nhất và sẽ trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu như trên cũng một phần nào chia sẻ với những lo lắng của Chính phủ về nguy cơ thiếu hụt quỹ bảo hiểm xã hội, tình trạng già hóa dân số, thiếu hụt việc làm trong tương lai…

Nhưng thật sự mà nói việc tăng tuổi nghỉ hưu như phương án trên tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay chưa phải là phương án tối ưu, chúng ta thử nghiên cứu các phương án khác nhau như tinh giảm bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin giảm nhân công, tăng mức đóng bảo hiểm xã hội…trước khi thực hiện lộ trình tăng tuổi hưu.

Trong điều kiện làm việc của chúng ta hiện nay chưa có nhiều cải tiến, chất lượng sống của ta còn nhiều rủi ro…việc tăng tuổi hưu sẽ gây nhiều hệ lụy bất lường.

Những tác động từ việc tăng tuổi hưu

Tôi xin được liệt kê một số tác động hiện nay đến việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Thứ nhất, ngân sách nhà nước phải trả thêm kinh phí không nhỏ.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu cứ nghĩ rằng có lợi cho việc giảm quỹ bảo hiểm xã hội nhưng thực chất đa số những người hưởng lương ở độ tuổi nghỉ hưu hiện tại là nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi đa số đều hưởng lương kịch khung, tức là mức lương hiện hưởng đang ở mức cao, nay tiếp tục tăng tuổi nghỉ hưu thì nhà nước phải chi trả một phần ngân sách không nhỏ cho việc tăng tuổi nghỉ hưu trên, đây không thể coi là phương án tốt được.

Quốc hội ơi, xin đừng tăng tuổi nghỉ hưu!
Quốc hội ơi, xin đừng tăng tuổi nghỉ hưu!

Thứ hai, càng lớn tuổi hiệu quả làm việc không thể cao.

Theo tôi đa số người lao động làm việc đến tuổi nghỉ hưu hiện nay đều đã kiệt sức, không thể tiếp tục làm việc mang lại hiệu quả.

Vả lại giai đoạn hiện nay, việc áp dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang rất gần, để áp dụng hiệu quả thì phải là lực lượng lao động, cán bộ công, viên chức trẻ, năng động, tích cực mới có thể mang lại hiệu quả thực chất.

Đối với lĩnh vực giáo dục, đây là giai đoạn bắt đầu chuẩn bị chương trình mới tiếp thu những điểm mới, hay của thế giới và tiệm cận dần với ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ, giữ lại giáo viên lớn tuổi, nói không thừa nó sẽ là một phần rào cản để thực hiện thành công chương trình mới.

Hiện nay, theo suy nghĩ của tôi nếu nữ tuổi hưu hơn 55 tuổi, nam 60 tuổi thì cứ 10 người tăng tuổi hưu chỉ có khoảng 1-2 người có thể làm việc hiệu quả, một số còn lại làm việc cho có, còn lại có thể làm trì trệ, sụt giảm hiệu quả.

Thứ ba, người lao động còn lòng tự trọng.

Nếu chúng ta cho người lao động có ý kiến, nếu cho họ được quyền bỏ phiếu tăng tuổi hưu thì tôi tin sẽ có rất ít người lao động đồng tình tăng tuổi hưu.

Tại sao khi lớn tuổi nếu được công tác sẽ được hưởng lương cao hơn mà người lao động lại muốn được nghỉ hưu bởi vì họ không còn đủ sức khỏe, tâm lý để làm việc hiệu quả được, họ áy náy với việc mỗi ngày đến cơ quan làm việc “ỳ ạch” để lãnh lương cao mỗi tháng, đó là lòng tự trọng, đó cũng là đạo đức nghề nghiệp.

Do đó, hãy cân nhắc cho kỹ trước khi thông qua việc tăng tuổi hưu trên, nếu người lao động cảm thấy còn làm việc hiệu quả hưởng lương cao thì họ sẽ tự nguyện đăng ký để tiếp tục làm việc.

Thứ tư, giải quyết tình trạng thất nghiệp trước khi tăng tuổi hưu.

Chính phủ thì lo lắng trong thời gian sắp tới sẽ già hóa dân số, thiếu việc làm trong tương lai nhưng hiện nay tình trạng người đến tuổi lao động, thậm chí người có trình độ, trình độ cao thất nghiệp còn rất nhiều, nếu kéo dài tuổi hưu sẽ tiếp tục không giải quyết được tình trạng thất nghiệp, người già làm việc ỳ ạch thì làm việc, người trẻ có nhiều sức trẻ giỏi năng lực, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, muốn cống hiến thì lại thất nghiệp.

Muốn tăng tuổi hưu mong Chính phủ tìm cách giải quyết tình trạng thất nghiệp trước, hãy cho các em có cơ hội được làm việc, tránh tình trạng mất nhân tài.

Nhiều lao động nghe tăng tuổi hưu rất hãi, sợ không đủ sức làm việc đến 60
Nhiều lao động nghe tăng tuổi hưu rất hãi, sợ không đủ sức làm việc đến 60

Thứ năm, sẽ có nhiều người xin nghỉ hưu non.

Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, tôi tin chắc sẽ có nhiều đối tượng sẽ không làm việc nổi và sẽ có nhiều trường hợp nghỉ hưu non, nghỉ hưu trước tuổi, thậm chí nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, lúc đó nếu không được nghỉ năm nào người lao động cũng viết đơn xin nghỉ thì chắc môi trường làm việc sẽ ì ạch, cản trở sự phát triển.

Nhiều người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ phải chi trả 1 lần cho nhiều đối tượng với số tiền lớn, đi kèm với đó là những người đó sau này sẽ không được lãnh lương hưu, đây là việc không mong muốn của cơ quan quản lý các cấp.

Thứ sáu, không thể so sánh với tuổi nghỉ hưu của nước ngoài.

Khi trình việc tăng tuổi hưu thì có sự so sánh với tuổi nghỉ hưu của các nước phát triển, đang phát triển của khu vực đều đã tăng tuổi hưu nhưng có một sự thật là tiền lương, điều kiện làm việc của ta so với nước ngoài còn một khoảng cách khá xa, nên “tây” tăng tuổi hưu, “ta” cũng tăng tuổi hưu là sự so sánh có phần khập khiễng, hãy lo cải thiện điều kiện, môi trường, tiền lương nhận làm việc trước sau đó hãy bàn đến việc tăng tuổi hưu.

Còn nhiều tác động khác đối với việc tăng tuổi hưu, việc tăng tuổi hưu theo tôi nghĩ có thể trì hoãn đến khi tính toán đầy đủ các tác động ảnh hưởng đến lao động trong tương lai.

Tôi nghĩ trước mắt giải quyết các vấn đề sau như tinh gọn cơ quan bảo hiểm xã hội, giảm các đầu mối, tiết kiệm chi phí, giảm hoa hồng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin,…để phần nào giải quyết một phần ngân sách tránh vỡ quỹ về lâu dài.

Rất thông cảm với khó khăn, vất vả của Chính phủ nhưng nếu giả sử nếu các đại biểu không tán thành việc tăng tuổi hưu hay việc tăng tuổi hưu không được thông qua hay việc hoãn lộ trình tăng tuổi hưu thì tôi tin rằng dưới sự điều hành sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chúng ta sẽ giải quyết những vấn đề tốt hơn là tăng tuổi nghỉ hưu khi còn quá nhiều ý kiến trái chiều.

Một lần nữa, nhân dân rất trong chờ đợi vào kết quả bấm nút thông qua việc tăng tuổi hưu, một lần nữa mong các vị đại biểu Quốc hội đặt mình vào vị trí của người lao động để thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với tình hình hiện tại và tương lai.

NHẬT KHOA