Việc dự định tăng tuổi nghỉ hưu đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Đại đa số người lao động đều đề nghị đừng tăng tuổi hưu, nếu có tăng cần một lộ trình dài hơn chứ không phải như dự thảo hiện nay.
Vậy tại sao xin đừng tăng tuổi nghỉ hưu?
1. Nước ta cho đến hôm nay, nhân công rẻ vẫn là lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nhân công rẻ, tức là lương người lao động thấp, mức độ tái tạo sức lao động thấp, từ đó phát sinh bệnh tật; bệnh nghề nghiệp không được quan tâm phòng chống và chữa trị.
Lương công nhân nhà máy, xí nghiệp của chúng ta phần đa không đủ sống; thiếu trước hụt sau; nhìn thực tế đó, chắc chắn những người làm luật phải cân nhắc khi đề xuất tăng tuổi hưu.
Vì thế nói tuổi thọ tăng nhưng chất lượng sức khỏe thấp, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, người lao động không có điều kiện nhận lương hưu, có thể đã chết khi chưa kịp làm sổ hưu.
Ở nước ngoài, phần lớn những nước tăng tuổi nghỉ hưu đều có mức lương cao; GDP của họ gấp chúng ta hàng chục lần; cuộc sống người lao động tốt, sức khỏe tốt; công việc làm không dùng nhiều sức, chủ yếu là vận hành máy móc. Tăng tuổi nghỉ hưu với họ chấp nhận được.
Trong ngành giáo dục, giáo viên trên 50 tuổi đã bộc lộ nhiều hạn chế. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: Giadinhmoi.vn) |
2. Môi trường làm việc của chúng ta, ngay cả ngành nghề không độc hại cũng rất độc hại. Hình thức lao động vẫn dùng sức là chủ yếu, vì thế tăng tuổi nghỉ hưu, người lao động lấy đâu ra sức để tiếp tục làm việc chờ nghỉ hưu?
Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị:
“Giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại, vì đa số công nhân là lao động chân tay. Đặc biệt, đối với lao động nữ trong các ngành cạo mủ cao su, dệt may, da giày, thủy sản, hầm lò..., rất nhiều người không thể nào làm đến 60 tuổi để có được sổ hưu.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu buộc họ chọn cách nhận bảo hiểm xã hội một lần, dù vẫn khao khát được hưởng hưu khi hết tuổi lao động.
Tôi đề nghị vẫn giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu như hiện nay (55 với nữ, 60 với nam) và thực hiện đúng quy định tại khoản 3 điều 187 Bộ Luật Lao động hiện hành, chỉ tăng tuổi nghỉ hưu cao hơn không quá 5 năm đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác".
Tuổi nghỉ hưu của giáo viên nữ sẽ là 60, nam là 62 không có ngoại lệ |
3. Nghỉ hưu để tre già, măng mọc. Ở độ tuổi 55 (nữ), 60 (nam), cán bộ, công chức, viên chức bộc lộ hạn chế về tư duy và hiệu quả công tác.
Trong khi đó, thế hệ trẻ đang dồi dào, có hoài bão và trí tuệ, muốn đóng góp cho xã hội, được đào tạo bài bản lại thất nghiệp!
Việc tăng tuổi nghỉ hưu, thực chất là rào cản phát triển xã hội, khi chúng ta đang sử dụng lực lượng lao động đào tạo chưa bài bản; bỏ phí một nguồn lực đào tạo chất lượng cao.
Thực tế trong ngành giáo dục, giáo viên trên 50 tuổi đã bộc lộ nhiều hạn chế; hạn chế về sử dụng công nghệ; hạn chế về năng lực ngoại ngữ v.v...
Về sức khỏe, nghề giáo gắn với “nói”, hoạt động nói của con người cần có “nước bọt” dồi dào; cận tuổi hưu hiện nay giáo viên đã không còn “muốn nói”. Tăng tuổi nghỉ hưu, học trò là người gánh hậu quả.
Nếu đại biểu quốc hội làm nghề giáo trực tiếp đứng lớp, chắc chắn sẽ thấu hiểu vấn đề này, thực trạng này, không thể tăng tuổi hưu được.
Đại biểu quốc hội đặt mình vào vị trí người lao động trực tiếp, ví dụ công nhân nhà máy xi măng; giáo viên mầm non đã 55 tuổi vẫn còn phải múa hát… tôi tin rằng không có ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu.
Không giảm được, xin đừng tăng tuổi nghỉ hưu là lời khẩn cầu của người viết và hàng triệu người lao động khác.
Quốc hội ơi, xin đừng tăng tuổi nghỉ hưu!
Tài liệu tham khảo:
1. https://nld.com.vn/cong-doan/tang-tuoi-nghi-huu-gia-neo-thi-dut-day-20191021114019053.htm