Thôi rồi, ông giáo ơi!

25/11/2019 06:08
HỒNG LAM SƠN
(GDVN) - Điều lo lắng của nghề giáo đã thành… “hiện thực”. Tuổi hưu được Quốc hội chính thức thông qua, nam tuổi 62 và nữ tuổi 60 mới được phép hưu trí, nghỉ ngơi.

Không phải chúng tôi là người theo nghề giáo mà bênh vực nhưng khách quan mà nói, nghề giáo thuộc loại ngành nghề đặc biệt.

Hàng ngày, người thầy tiếp xúc với nhiều chất độc hại trong bụi phấn, trong hóa chất phòng thí nghiệm (nếu dạy các môn học có thí nghiệm, thực hành).

Bên cạnh đó, người giáo viên phải nói, giảng giải nhiều; giảm sút sức khỏe theo từng năm học là điều tất nhiên. Đó là về mặt sức khỏe cơ thể còn sức khỏe tinh thần thì sao? 

Tuổi hưu của giáo viên đã chính thức được thông qua (Ảnh minh họa: TTXVN).
Tuổi hưu của giáo viên đã chính thức được thông qua (Ảnh minh họa: TTXVN).

Đành rằng nghề dạy học cũng có niềm vui nhưng quá ít ỏi vì bao áp lực từ xã hội, từ phụ huynh, học sinh, nhà trường và cả bản thân giáo viên lắm khi cũng tự gây áp lực cho mình.

Đằng sau một tiết lên lớp là cả một quá trình lao động thầm lặng, lao tâm khổ tứ mới có được, không phải dạy qua loa là xong đâu.

Học trò, phụ huynh thời buổi này theo sát giáo viên lắm. Một lỗi chính tả, một lỗi phát âm sai tiếng Anh cũng có thể trở thành sự đàm tiếu trong đám học trò thời 4.0 này.

Tất cả đã bào mòn từng ngày, từng giờ sức khỏe giáo viên (thể xác và tinh thần) nên họ mong đến ngày, đến tháng, đến năm hưu là được nghỉ ngơi sau quãng thời gian cống hiến cho nghề cao quý.

Nhưng theo lộ trình, khi đến tuổi về hưu trước đây (nam 60 và nữ 55) thì nay quý thầy cô còn phải “chiến đấu” tiếp thêm 2 năm (đối với giáo viên nam) và 5 năm (đối với giáo viên nữ).

Nghĩ cũng kỳ lạ, nam “khỏe” hơn mà chỉ tăng 2 năm (62 tuổi); nữ “chân yếu tay mềm” lại được cộng thêm 5 năm (60 tuổi). Hay là thời buổi “nam nữ bình quyền” nên mới như vậy?

Quốc hội chính thức quyết tăng tuổi nghỉ hưu
Quốc hội chính thức quyết tăng tuổi nghỉ hưu

Xét về cái lợi của việc tăng tuổi hưu “đại trà, cào bằng” này, xem ra ít hơn cái hại mà hậu quả của nó mang lại.

Cái “lợi” là có thể phát huy bề dày kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên cho nhà trường. Trong nhà trường, có đội ngũ “cây đa, cây đề” thì nề nếp cũng như các hoạt động giáo dục, rèn luyện sẽ có nề nếp, chiều sâu hơn.

Bên cạnh đó, ngân sách có thể bớt được phần nào gánh nặng do không tuyển thêm vào ngành như các thập niên trước.

Nhưng cái hại thì có nhiều hơn. Đó là tuổi già sức yếu là lẽ đương nhiên nên giáo viên trẻ phải “gánh” công việc khi lớp giáo viên lớn tuổi “nay đau mai ốm”.

Đó là tuổi lớn rồi, mọi việc đều diễn ra không theo ý mình vì “lực bất tòng tâm” nên người chịu thiệt thòi, trước hết là các em học sinh.

Không biết tốp giáo viên lớn tuổi mà còn phải lên lớp có kham nổi các “chuẩn” như chuẩn ngoại ngữ, chuẩn nghề nghiệp, chức danh này khác mà trên đưa ra hay không? Hay là cứ phải chạy theo, chừng nào đuối sức thì xin nghỉ?

Lên lớp cần có cảm hứng mới dạy tốt, dạy hấp dẫn. Muốn có nguồn cảm hứng phải có nguồn sức khỏe (thể xác, tinh thần) dồi dào… Nhưng liệu ở tuổi gần “cổ lai hy” này thì thầy cô có còn làm tốt, làm tròn phận sự “dạy chữ, dạy người” như mong đợi của xã hội? 

HỒNG LAM SƠN