Sáng 20/11, với 453 đại biểu tham gia biểu quyết, có 435 đại biểu tán thành (chiếm 90,06%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Kết quả biểu quyết. Ảnh chụp màn hình |
Trước khi các đại biểu bấm nút thông qua dự án Luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội - bà Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo báo cáo, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo bộ luật đã được làm rõ, cũng như nêu hướng điều chỉnh, chỉnh lý, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề này.
Tăng thêm ngày nghỉ lễ Về nghỉ lễ, tết (Điều 112), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến, kết quả có 402 đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung này và có 370 đại biểu Quốc hội đồng ý bổ sung một (01) ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và ghi trong dự thảo Bộ luật, bổ sung thêm một ngày nghỉ vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2/9 |
Về tuổi nghỉ hưu (khoản 2 Điều 169), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến đại biểu Quốc hội, kết quả có 371 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về nội dung này thì có 280 đại biểu Quốc hội đồng ý Phương án 1 là: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Bộ luật.
Về thời giờ làm việc bình thường (Điều 105), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần; một số ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành về thời giờ làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, đồng thời có ý kiến đại biểu đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay, do đây là vấn đề lớn, chưa có đánh giá tác động một cách đầy đủ.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội là rất xác đáng, việc tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện và nâng cao điều kiện lao động đối với người lao động là xu hướng tiến bộ của thế giới.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14 ngày 22/10/2019, lúc đó, Chính phủ chưa đánh giá tác động về kinh tế - xã hội đối với vấn đề này.
Vì vậy, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chủ động đề nghị Chính phủ phối hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó thể hiện quan điểm của Chính phủ về nội dung này.
Chính phủ đã có Công văn số 561/CP-PL ngày 6/11/2019 đề nghị “trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành” và “có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và báo cáo Quốc hội việc từng bước giảm giờ làm theo hướng sẽ ghi vào Nghị quyết của kỳ họp: Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần; đồng thời, giữ quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động” tại Điều 105 về thời giờ làm việc bình thường.
Về nội dung mở rộng khung giờ làm thêm tối đa, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với Phương án 1 quy định như Bộ luật Lao động hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giữ nguyên khung giờ làm thêm, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng, thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Giải đáp nhiều băn khoăn, nhiều ý kiến đồng thuận tăng tuổi nghỉ hưu
Tăng tuổi nghỉ hưu không lo mất cơ hội của thế hệ trẻ: Khi dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến đã có những băn khoăn này được đặt ra, tuy nhiên Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Chúng ta xác định ưu tiên số một khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định và công ăn việc làm cho giới trẻ. Chúng tôi tính phương án 1 là đã cân đối công việc hiện tại cho giới trẻ và cả cho người già. Hiện có 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang làm việc tiếp.
Đến lúc này, lực lượng lao động trẻ của chúng ta không dồi dào nữa. Tôi đã quan sát rất nhiều khu vực nông thôn, hiện nay chỉ còn người già và phụ nữ, không còn thanh niên trẻ nữa đâu. Phải nhìn nhận Việt Nam hiện đang không phải đỉnh cao của dân số vàng, mà đang chuyển sang già hóa dân số.
Cũng phải làm rõ không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc đâu. Đây là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, nằm trong tổng thể nhiều phương án và phải giải quyết nhiều luật, chính sách khác, đó là điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội, điều chỉnh công việc, thị trường lao động chứ không tập trung vào Bộ Luật lao động.
Không lo vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Một trong những mục đích khi chúng ta điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là hướng tới bảo toàn, phát triển bền vững quỹ Bảo hiểm xã hội.
Có những người lo lắng rằng vì sợ vỡ quỹ nên mới phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Tôi khẳng định, đây chỉ là tiến tới một mục tiêu chứ không phải vì nguy cơ vỡ quỹ mà điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Đối với quỹ Bảo hiểm xã hội, đây là quỹ an sinh, quỹ lớn nhất của một quốc gia, không bao giờ có khái niệm vỡ. Quỹ này do Nhà nước bảo lãnh và Nhà nước có trách nhiệm với quỹ.
Nhưng để bảo toàn phát triển quỹ, thì phải thực hiện trên cơ sở 3 nguyên tắc: Những người tham gia Bảo hiểm xã hội đóng hưởng; bình đẳng chia sẻ; trên cơ sở có sự điều chỉnh phối hợp giữa thế hệ này với thế hệ sau. Hiện nay, quỹ Bảo hiểm xã hội kết dư tương tối lớn (trên 700.000 tỷ đồng) cộng thêm quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trên 70.000 tỷ đồng.
Phải tính toán phương án, cách thức để bảo toàn quỹ Bảo hiểm xã hội, nhưng đồng thời sử dụng vào những công việc hợp lý để phát triển quỹ theo nguyên tắc bảo toàn được quỹ, nhưng đồng thời cũng phải phát triển được quỹ".
Tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với xu thế phát triển: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án trên là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì Nghị quyết 28 của Trung ương cũng đặt vấn đề rất rõ mục tiêu, mục đích chính là phải tính đến yếu tố tăng trưởng, việc làm, đảm bảo bền vững và ổn định quỹ Bảo hiểm xã hội trong lâu dài, đối phó với việc già hóa dân số, giảm dần khoảng cách về giới.
Mục tiêu của điều chỉnh tuổi có lộ trình dài, nhưng phải hành động mau lẹ, đặc biệt tiến tới thích ứng được với việc già hóa dân số vào năm 2035. Việt Nam ở trong thời kỳ dân số vàng, nhưng thực chất đang bắt đầu chuyển sang già vào năm 2014.
Năm 2000, bình quân chúng ta có 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động, thì đến bây giờ đã giảm xuống còn 400.000. Chúng ta hiện có khoảng 7% người ở độ tuổi 60 trở lên.
Để chuyển từ 7% sang 14% người trên tuổi 60, một số nước như Đức, Pháp mất 100 năm; Hàn Quốc, Thái Lan mất 20 năm. Với Việt Nam cũng mất tối đa 15 năm, cho thấy tốc độ già hóa dân số vào loại nhanh nhất hiện nay.
Độ tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện đã được quy định từ năm 1961, tức là hơn 60 năm rồi. Khi đó, bình quân tuổi thọ của Việt Nam mới trên 45 tuổi, đến nay tuổi thọ bình quân là 76,6, là một trong những nước có tuổi thọ cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Điều 169. Tuổi nghỉ hưu 1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. 2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. 3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 4. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. |