Từ việc góp ý chương trình VNEN băn khoăn cho việc chọn sách giáo khoa sắp tới

26/11/2019 06:23
Phan Tuyết
(GDVN) - Sẽ vô cùng khó nêu quan điểm của mình khi lãnh đạo đã có ý chọn bộ sách này mà giáo viên lại thấy bộ sách kia mới thật sự phù hợp.

Sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 đã được công bố, tất thảy có 5 bộ của 3 Nhà xuất bản để các địa phương chọn lựa. Đây là điểm mới khác biệt lớn nhất so với nhiều lần thay sách trước đây chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất.

Làm thế nào để chọn được bộ sách giáo khoa chất lượng? (Ảnh minh họa VTV)
Làm thế nào để chọn được bộ sách giáo khoa chất lượng? (Ảnh minh họa VTV)

Nhiều bộ sách giáo khoa, các địa phương sẽ có nhiều cơ hội để chọn cho học sinh mình bộ sách giáo khoa tốt nhất.

Điều đang làm nhiều người băn khoăn nhất hiện nay là làm sao chọn được một bộ sách phù hợp nhất với địa phương của mình? Và liệu có xảy ra tình trạng lợi ích nhóm khi chọn sách?

Giáo viên có dám công khai bày tỏ chính kiến của mình?

Theo quy định, trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của địa phương, chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, các phó chủ tịch là lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo, thư ký hội đồng là lãnh đạo các phòng chức năng trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo. Mỗi môn học/hoạt động giáo dục ở một cấp học có một tiểu ban.

Sẽ có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là nhà giáo hoạt động giáo dục, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc các vùng miền trên địa bàn.

Tuy số lượng người trong ban thẩm định sách có tới 2/3 là nhà giáo nhưng họ chỉ là những thành viên và bên trên họ chính là những vị lãnh đạo mà thường ngày họ đang phải thực thi những mệnh lệnh, những chỉ đạo.

Từ việc góp ý chương trình VNEN băn khoăn cho việc chọn sách giáo khoa sắp tới ảnh 2
Chương trình, sách giáo khoa mới- nhìn từ Nghị quyết 88 của Quốc hội

Sẽ vô cùng khó nêu quan điểm của mình khi lãnh đạo đã có ý chọn bộ sách này mà những giáo viên lại thấy bộ sách kia mới thật sự phù hợp.

Nói về chuyện giáo viên nêu chính kiến, chúng tôi chợt nhớ đến những lần lấy ý kiến giáo viên về chương trình VNEN hay về phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” ở nhiều trường học trong cả nước.

Nói thật mà chết à?

Sau thời gian áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào giảng dạy, nhiều trường học trong tỉnh tổ chức lấy ý kiến của giáo viên về mặt ưu, khuyết điểm của phương pháp dạy học này.

Giáo viên liệt kê ra biết bao nhiêu điều bất cập. Biên bản được chuyển lên, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên phải ngồi chắt lọc để tổng hợp lại những ý kiến hay (chủ yếu là khen nhiều) để gửi về cấp phòng để từ phòng lại chắt lọc và chuyển về cấp sở.

Đã có những tổ chuyên môn bị nhà trường trả lại bản góp ý vì chê dữ quá. Tôi cũng đã từng có ý kiến: “Thấy sao nói vậy, đây chính là những nhận xét thật, trung thực. Vậy cô không thấy thế à?”

Phó hiệu trưởng buột miệng nói: “Nhìn chung thì phương pháp này chưa thật sự phù hợp với giáo dục của chúng ta nhưng nói thật có mà chết à? Trường nào cũng khen, trường mình chê họ lại cho rằng mình không biết dạy”.

Góp ý cho chương trình VNEN cũng vậy, có trường sau khi nộp góp ý lên, phòng giáo dục đã trả về bắt góp ý lại. Thế là lần sau, chẳng ai dại gì mà chỉ ra những khuyết điểm tồn tại mà chỉ toàn những lời khen có cánh.

Để nghe lời nói thật cần cho toàn thể giáo viên góp ý bằng phiếu kín

Từ việc góp ý chương trình VNEN băn khoăn cho việc chọn sách giáo khoa sắp tới ảnh 3
Rất khó tránh khỏi chuyện độc quyền sách giáo khoa

Giáo viên chỉ dám có ý kiến thật khi không bị ai biết mình đã nói gì vì thầy cô có nhiều điều phải sợ.

Sợ mất lòng cấp trên sẽ bị gây khó trong công tác giảng dạy, luân chuyển thậm chí bổ nhiệm (với những người đang có chí phấn đấu).

Thế nên thường thì khi góp ý, không ít thầy cô chẳng dám nêu chính kiến đặc biệt là những chính kiến đi ngược với quan điểm của cấp trên.

Họ thường đón ý cấp trên để rồi “gió chiều nào xoay chiều ấy”.

Tổ chức lấy ý kiến về việc thẩm định sách bằng cách bỏ phiếu kín, chắn chắn giáo viên sẽ có cơ hội nêu nhận xét của mình. Đây sẽ là những nhận xét thật lòng và chính xác nhất.

Căn cứ vào những nhận xét của các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy sẽ giúp cho Hội đồng thẩm định chọn được bộ sách chất lượng và cũng hạn chế đến mức thấp nhất việc chọn sách theo lợi ích nhóm.

Phan Tuyết