Rất khó tránh khỏi chuyện độc quyền sách giáo khoa

25/11/2019 06:34
THANH AN
(GDVN) - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn là đơn vị đang chiếm nhiều lợi thế khi họ có tới 4/5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mà Bộ vừa mới thông qua.

Câu chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền sách giáo khoa suốt mấy chục năm qua đã được nói khá nhiều. Dù một mình một chợ nhưng nhiều năm qua đơn vị này kêu lỗ và cuối cùng đã được tăng giá mạnh vào năm học 2019-2020 này.

Bây giờ, chương trình giáo dục phổ thông mới chuẩn bị thực hiện, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn là đơn vị đang chiếm nhiều lợi thế khi họ có tới 4/5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mà Bộ vừa mới thông qua.

Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng trong những năm tới đây dù cho cách thức chọn sách giáo khoa như thế nào đi chăng nữa thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn chiếm lĩnh thị trường sách giáo khoa trong cả nước.

Mẫu sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)
Mẫu sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Chiếm lĩnh thị trường sách giáo khoa không khó

Lần thay đổi chương giáo dục phổ thông này thì Bộ Giáo dục đang hướng tới việc “chương trình” mới quan trọng, sách giáo khoa chỉ là công cụ cho chương trình nhưng có lẽ sách giáo khoa vẫn là một tư liệu quan trọng nhất cho chương trình môn học.

Thực tế, chương trình chỉ nằm ở dạng đề cương cho môn học, sách giáo khoa sẽ hiện thực hóa chi tiết nội dung của chương trình nên khi giảng dạy thì sách giáo khoa vẫn là công cụ quan trọng để giáo viên, học sinh thực hiện nhiệm vụ của mình.

Vì vậy, nói gì thì nói, sách giáo khoa mới là sản phẩm mà các nhà xuất bản hướng tới trong những năm tới đây.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà xuất bản lại lựa chọn các vị Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng mới, Chủ biên chương trình môn học làm Tổng Chủ biên, Chủ biên sách giáo khoa cho mình để tăng thêm uy tín cho mỗi đầu sách.

Điều đáng chú ý là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tới 4/5 bộ sách giáo khoa lớp 1 thì nói không độc quyền vào thời điểm này e rằng sẽ không khách quan chút nào?

Trả lời vấn đề này, ông Thái Văn Tài (Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học) đã chia sẻ: “Tính độc quyền xảy ra khi chỉ có một bộ sách, nhưng hiện tại có nhiều bộ sách giáo khoa từ nhiều nhóm tác giả khác nhau.

Hơn nữa, Luật cũng không quy định địa phương lựa chọn sách theo bộ hay theo môn.

Vì vậy, việc lựa chọn bộ sách vẫn phải dựa trên tính phù hợp với từng địa phương. Do đó, chúng ta không nên quá băn khoăn về tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới”.

Thế nhưng, “nhiều bộ sách giáo khoa từ nhiều nhóm tác giả” mà tập trung và đầu quân vào Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì lựa chọn sách giáo khoa nào cũng chủ yếu là sách của đơn vị này xuất bản. Tính “độc quyền” nằm ở đây chứ còn ở đâu nữa?

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế

Nói về quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong những năm tới đây, ông Nguyễn Xuân Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học) nói: “Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Với quyết  định như vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định cụ thể về thành phần của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa; quy định về các nguyên tắc, yêu cầu để việc thực hiện lựa chọn ấy mang tính chuyên môn.

Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có cơ quan tham mưu là Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện thành lập hội đồng và lựa chọn theo quy định.

Thành phần hội đồng sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học và các giáo viên trực tiếp giảng dạy của môn học, cấp học ấy. Tất cả những lựa chọn này sẽ được công bố công khai, minh bạch”.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ là cơ quan chủ trì viết chương trình tổng thể, chương trình môn học, thẩm định sách giáo khoa.

Nhất là trong các đợt tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới đang được các thành viên trong ban soạn thảo chương trình môn học đứng ra tập huấn cho các địa phương.

Hơn nữa, các Sở Giáo dục chịu sự quản lý về chuyên môn của Bộ Giáo dục thì việc các địa phương chọn sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng là điều dễ hiểu và khó tránh khỏi.

Rất khó tránh khỏi chuyện độc quyền sách giáo khoa ảnh 3Liệu còn tình trạng độc quyền sách giáo khoa lớp 1?

Như vậy, dù chương trình mới chưa được chính thức áp dụng nhưng cứ nhìn từ việc 4/5 bộ sách lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và sự chuẩn bị nhiều yếu tố khác nữa thì chúng ta cũng mường tượng ra sách giáo khoa trong những năm tới đây thuộc về lợi thế của đơn vị xuất bản nào.

Với hơn nửa thế kỷ độc quyền sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thừa cả thế và lực để chiếm lĩnh gần hết thị trường sách giáo khoa trong cả nước.

Điều giáo viên, phụ huynh và học sinh mong muốn

Việc dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới tới đây thực hiện như thế nào, chọn sách giáo khoa của ai dù có cụ thể như thế nào thì chắc chắn một điều là giáo viên dạy lớp, phụ huynh, học sinh cũng không có quyền quyết định chọn lựa sách.

Vì vậy, giáo viên chúng tôi chỉ mong các cấp lãnh đạo của mình lựa chọn được bộ sách phù hợp nhất bởi đây là sách phổ thông, là kiến thức phổ thông. Sách càng đơn giản, dễ hiểu là sách hiệu quả nhất.

Chọn sách nào cũng được nhưng phải cố định, tránh tình trạng năm nay chọn sách này, năm sau lại chọn sách khác bởi những khoản chiết khấu hấp dẫn như một số địa phương đang làm với các sách Tiếng Anh, Tin học…thì khổ giáo viên và phụ huynh lắm.

Sách giáo khoa cũng cần ổn định về nội dung, hạn chế tối đa về chỉnh sửa, bổ sung hàng năm…

Nhất là bộ sách giáo khoa được địa phương chọn phải là bộ sách chấp nhận được về giá cả, sách phải sử dụng được nhiều năm để tránh lãng phí và bán mua minh bạch.

Điều đặc biệt là thống nhất về nội dung thi cử để hạn chế chuyện học sinh phải đi học thêm nhiều như hiện nay. Học thêm nhiều khổ học sinh và tốn tiền của phụ huynh.

Trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tất nhiên Bộ, ngành giáo dục các địa phương còn nhiều việc phải làm và còn vất vả. Vì vậy, chúng tôi chỉ mong mọi kế hoạch được đưa ra phải phù hợp, giản đơn để cơ sở dễ thực hiện được hiệu quả.

Tránh tình trạng bất cập như sách giáo khoa hiện hành. Dạy thực nghiệm mấy năm mới đem áp dụng đài trà mà vẫn qúa tải, sau đó phải giảm tải nhiều lần.

Rồi phát hành sách chuẩn kiến thức kỹ năng, hướng giáo viên dạy tích hợp, dạy theo chủ đề...khiến cả thầy và trò khổ sở vô cùng bởi những thay đổi liên tục của Bộ.

Tài liệu tham khảo:

//vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/gia-sach-giao-khoa-moi-co-gay-soc-cho-phu-huynh-591028.html

THANH AN