Công ty cấp nước cho hàng nghìn phụ huynh, học sinh nói gì về dòng kênh bẩn?

29/11/2019 14:12
Bài và ảnh: Bích Thụy
(GDVN) - “Đến bây giờ có thể khẳng định rằng, nguồn nước của khách hàng đang được kiểm soát chặt chẽ với chất lượng đáp ứng được tiêu chuẩn mà Bộ Y tế quy định”.

Trước thực trạng nguồn nước đầu vào nhà máy nước (Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa) bị ô nhiễm, đa số ý kiến tỏ ra lo lắng bởi nguồn nước đầu vào không đảm bảo; công nghệ xử lý không rõ ràng nhưng hàng ngày con em họ vẫn phải dùng khi đến trường.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa để làm rõ những nội dung trên.

Dư luận cho rằng, nguồn nước đầu vào nhà máy xử lý nước chưa đảm bảo vệ sinh, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Huy Nam: Hệ thống kênh dẫn nước, hệ thống Kênh Bắc do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sông Chu quản lý và khai thác. Chúng tôi cũng đang mua nước thô từ nguồn này.

Hằng năm họ vẫn thực hiện việc nạo vét, duy tu, sửa chữa để làm sạch dòng kênh. Tuy nhiên, ý thức của người dân còn hạn chế dẫn đến việc tình trạng ô nhiễm nguồn nước đầu vào vẫn xảy ra.

Tuy nhiên, theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh thì việc đảm bao an ninh, an toàn nguồn nước được coi là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì của công ty nước, công ty thủy nông.

Đó còn là trách nhiệm của bà con nông dân, chính quyền địa phương, các cấp các ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân thẩm thấu về sự cần thiết để bảo vệ nguồn nước.

Câu chuyện an ninh, an toàn nguồn nước cũng giống như vấn đề tham gia giao thông của người đi đường. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, qua những thông tin truyền thông đại chúng đã đưa, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát hơn nữa để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước đầu vào.

Bên cạnh đó, cần lượng hóa các chế tài xử lý để đảm bảo đủ sức răn đe với những hành vi gây ô nhiễm môi trường nguồn nước.

Hệ thống hồ chứa nước của Công ty nước Thanh Hóa.
Hệ thống hồ chứa nước của Công ty nước Thanh Hóa.

Thưa ông, với việc nguồn nước đầu vào đang bị ô nhiễm trầm trọng, thì nguồn nước được xử lý tại nhà máy nước từ nguồn nước đầu vào có thực sự an toàn?

Ông Nguyễn Huy Nam: Chúng tôi đã đầu tư phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO và cơ quan có trách nhiệm cấp phép để thực hiện việc tiếp nhận phân tích các mẫu nước kể cả mẫu nước thô đưa vào sản xuất và mẫu nước đã xử lý xong trước khi cấp nước cho người dân.

Đến bây giờ có thể khẳng định rằng, nguồn nước của khách hàng đang được kiểm soát chặt chẽ.

Một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ đặt vấn đề, làm thế nào để các đơn vị cung cấp nguồn nước sạch và người sử dụng có thể sớm phát hiện nhanh được nguồn nước đang bị ô nhiễm? Trong khi đó hiện nay các thiết bị quan trắc của các nhà máy nước sạch chỉ kiểm soát được sơ bộ một số tiêu chí cơ bản về hàm lượng chất rắn hòa tan, độ dẫn điện, độ trong…

Để đánh giá chất lượng nguồn nước sạch chúng ta vẫn phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm mẫu nước của các đơn vị chức năng thông qua các mẫu xét nghiệm định kỳ trong khi nguồn nước đầu vào có thể biến động, thay đổi hàng giờ. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Huy Nam: Đây là 1 câu hỏi rất hay vừa rộng và có chiều sâu, mang đầy đủ tính chất khoa học.

Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện kiểm kiểm soát nguồn nước với tần suất dày hơn. Theo đó, thay vì vài ngày mới lấy mẫu nước như trước thì ngày nào chúng tôi cũng lấy mẫu để phân tích.

Điều này cũng giải thích vì sao chúng tôi phải đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm để lấy mẫu phân tích.

Chúng tôi khẳng định các mẫu nước lưu trữ ở tại nhà máy hiện nay rất đầy đủ. Các chỉ tiêu cơ bản về nguồn nước sản xuất đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép theo Bộ Y tế quy định.

Ngoài ra, việc kiểm tra, kiểm định chất lượng nguồn nước còn được trung tâm kiểm soát dịch bệnh hằng năm thực hiện đúng quy định và hết sức chặt chẽ.

Qua các lần kiểm tra, các đơn vị đều đánh giá chúng tôi có nguồn nước ổn định, thỏa mãn chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế quy định.

Phụ huynh ở Thanh Hóa phát hoảng với nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm trầm trọng
Phụ huynh ở Thanh Hóa phát hoảng với nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm trầm trọng

Nhiều người hỏi tôi, nhà Tổng giám đốc có dùng hệ thống lọc nước trước khi sử dụng nước để sinh hoạt được lấy từ nhà máy hay không?

Tôi trả lời rằng, cứ đến nhà tôi thì biết, gia đình tôi chả có hệ thống lọc nước gì cả. Tôi đang dùng nước trực tiếp từ nguồn nhà máy.

Nói điều này không phải tôi đối phó, hoặc tự tin thái quá nhưng đơn vị chúng tôi vừa là đơn vị sản xuất và tôi vừa là người tiêu dùng cho nên tôi hoàn toàn yên tâm với sản phẩm do mình làm ra.

Có thể lấy ví dụ, nguồn nước đầu vào hoặc nguồn nước dẫn vào các hồ chứa bị phát hiện có độc tố có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho người tiêu dùng, thì đơn vị sẽ phản ứng với sự cố ra sao? Các thiết bị quan trắc có thể phát hiện nước có chứa độc tố mạnh gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người không?

Ông Nguyễn Huy Nam: Đây là tình huống giả định, nhưng không có nghĩa rằng nó sẽ không xảy ra. Đến giờ phút này tình huống này chưa xảy ra đối với nhà máy, nhưng cần giải pháp ứng phó khẩn cấp khi phát hiện.

Thực tế, các thiết bị máy móc nhà máy hiện có chưa thể phân tích hết được các tình huống giả định mà chúng ta đưa ra.

Chúng tôi luôn chủ động ứng phó với những tình huống này.

Hệ thống xử lý nước bán tự động.
Hệ thống xử lý nước bán tự động.

Thưa ông, từ trước đến nay đã xảy ra sự cố nào về an ninh, an toàn nguồn nước chưa?

Ông Nguyễn Huy Nam: Nếu nói về sự cố đường ống thì có. Về sự cố liên quan tới chất lượng nguồn nước thì chưa.

Đến thời điểm hiện tại chúng tôi tự tin rằng đang kiểm soát tốt chất lượng nguồn nước cung cấp cho khách hàng.

Về lâu dài, liệu có thể sử dụng nguồn nước đầu vào đang bị ô nhiễm như vậy không thưa ông? Hay nói cách khác, liệu có phương án nào khả dĩ hơn đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước đầu vào?

Ông Nguyễn Huy Nam: Hiện tại toàn Công ty có gần 180.000 khách hàng, thì thành phố Thanh Hóa chiếm gần 70.000 khách hàng sử dụng nước. 1 năm nhà máy cung cấp khoảng 30 triệu m3 nước.

Do đó, về lâu dài, phải xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước thô. Nhưng điều này cũng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Bởi lẽ, khi chúng ta đầu tư hệ thống dẫn nước kín từ khu vực Bái Thượng về thành phố Thanh Hóa thì chúng ta phải chi phí lượng vốn lớn cho công tác đầu tư.

Để thực hiện được việc này cũng cần sự chia sẻ của toàn bộ khách hàng đối với công ty.

Thử tính xem chi phí tiền nước khách hàng phải trả mỗi tháng so với các dịch vụ khác thấp hơn nhiều. Chúng ta có thể phải chấp nhận giá nước cao hơn một chút để hoàn thiện hệ thống dẫn kín. Nếu không có sự chia sẻ thì việc đầu tư hệ thống cũng có thể chậm lại.

Bài và ảnh: Bích Thụy